Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đưa thuỷ sản Việt Nam lên tốp đầu thế giới: thấy gì từ trường hợp của ngành tôm?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành tôm kỳ vọng đến năm 2025 sẽ mang về 6 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Trong khi đó, qua thực tế, tôm thẻ chân trắng mới là "điểm sáng" trong xuất khẩu của ngành hàng này. Vậy, định hướng chiến lược phát triển cần đi như thế nào để đạt kỳ vọng, góp phần đưa ngành thuỷ sản lên tốp đầu thế giới?

Thu hoạch tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung trên được nêu ra tại hội thảo “Gỡ khó để thuỷ sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều nay, 12-10, ở địa phương này.

Tại hội thảo, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 7,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3 tỉ đô la Mỹ, cá tra đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, còn lại là các loại hải sản khác. “Như vậy, rõ ràng chúng ta có thể thấy 70% xuất khẩu thuỷ sản đến từ khu vực nuôi trồng”, ông Hoè nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đến với sự kiện hôm nay, ông Hoè cho biết ông muốn nhấn mạnh đến trường hợp của ngành tôm để gợi mở nhằm giúp ngành thuỷ sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới thời gian tới.

Theo ông, trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 3 tỉ đô la Mỹ 8 tháng đầu năm nay, tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng khoảng 75%, tôm sú giảm xuống còn 13,7% (năm 2021 là 16%) và các loại tôm khác đạt 11% (năm 2021 là 9%). “Kế hoạch xuất khẩu tôm chúng tôi hướng đến trong năm nay là 4,3 tỉ đô la Mỹ và dự kiến đạt 6 tỉ đô la Mỹ năm 2025”, ông cho biết.

Trong khi đó, khi nhìn vào khu vực nuôi, theo ông Hoè, năm 2021, cả nước có khoảng 600.000 héc ta nuôi tôm sú và khoảng 150.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng, sản lượng tôm sú đóng góp chỉ khoảng 250.000 tấn, trong khi tôm thẻ chân trắng đóng góp khoảng 700.000 tấn.

Khi nhìn vào mối tương quan về kim ngạch xuất khẩu và diện tích nuôi, rõ ràng tôm thẻ chân trắng có diện nuôi chỉ bằng 25% diện tích tôm sú. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng cao gấp 5,5 lần so với tôm sú (kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng 8 tháng đầu năm 2022 đạt 2,25 tỉ đô la Mỹ, trong khi tôm sú chỉ đạt 411 triệu đô la Mỹ-PV).

Khi nhìn sang các đối thủ cạnh tranh, ông Hoè cho rằng, năm ngoái Ecuador chỉ có 330.000 héc ta diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng đạt doanh số xuất khẩu 5 tỉ đô la Mỹ. “Đối với Ấn Độ, có hơn 186.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng năm ngoái họ cũng đạt doanh số xuất khẩu 5 tỉ đô la Mỹ”, ông Hoè cho biết thêm.

Thậm chí, theo ông Hoè, khi nhìn vào các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có sự khác biệt, trong đó, tôm thẻ chân trắng có đóng góp rất quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu tôm của địa phương.

Cụ thể, Cà Mau có đến 268.750 héc ta diện tích nuôi tôm sú, trong khi Sóc Trăng chỉ có 28.000 héc ta, tức Sóc Trăng chỉ bằng khoảng 1/10 của Cà Mau. Thế nhưng, doanh số kim ngạch xuất khẩu của hai địa phương là tương đương nhau, khoảng 800 triệu đô la Mỹ. "Kết quả này chủ yếu do tôm thẻ chân trắng đóng góp, chứ không phải từ tôm sú", ông nói.

Từ vấn đề nêu trên, lãnh đạo của VASEP cho rằng việc phân bổ diện tích nuôi tôm sú bao nhiêu, tôm thẻ chân trắng bao nhiêu, thì cần phải tính toán trong quy hoạch để có cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.

Thu hoạch tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Chánh

Một vấn đề nữa được ông Hoè lưu ý, đó là diện tích tôm thẻ chân trắng được nuôi ở quy mô trang trại chỉ chiếm trên dưới 15.000 héc ta, tức chỉ đạt khoảng 10% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (150.000 héc ta), hay nói cách khác có khoảng 90% diện tích được nuôi ở quy mô nông hộ.

Trong khi đó, ông Hoè cho rằng, một công ty xuất khẩu tôm lớn nhất của Ecuador có 8.000 héc ta diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia này lên đến 1 tỉ đô la Mỹ. “Điều này cho thấy trang trại cũng là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ”, ông nói.

Theo ông Hoè, Ecuador đề ra con số rất ấn tượng, đó là tôm nuôi đạt mức tăng trọng lên đến 2,4 gam/tuần, tức họ cần khoảng thời gian chỉ 9 tuần để nuôi một vụ tôm. “Thậm chí, hiện nay họ đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 4 gam/tuần”, ông nói và cho rằng muốn đạt con số như của Ecuador chỉ có thể làm được ở quy mô trang trại.

Từ những vấn đề nêu ra ở trên, trong chiến lược quy hoạch sắp tới, ông Hoè gợi ý, thứ nhất, cần có phần quan trọng là gia tăng diện tích nuôi quy mô trang trại nhằm tạo nguồn hàng ổn định, chủ động được về chất lượng, nhất là có giá thành cạnh tranh tốt để tạo “đòn bẩy” cho ngành tôm phát triển.

Thứ hai, cần chuyển đổi hợp lý diện tích nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, bởi thế giới có nhu cầu tôm thẻ và công nghệ nuôi cũng đã đáp ứng.

Thứ ba, trong chiến lược quy hoạch cần nghiên cứu để quy hoạch các vùng nuôi tôm như tôm rừng, tôm lúa phải đi kèm chứng nhận bền vững, thể hiện được tính đặc thù vùng nuôi. “Chúng tôi mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt vấn để với Tổ chức chứng nhận ASC, đưa ra tiêu chuẩn đặc thù cho vùng tôm lúa Việt Nam”, ông cho biết và nói rằng đây là mô hình độc đáo, mang yếu tố tạo ra nguồn sản phẩm khác biệt so với các sản phẩm nuôi công nghiệp khác.

Trước đó, phát biểu trực tuyến tại hội nghị này, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng bên cạnh những lợi thế và tiềm năng, ngành thuỷ sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức. “Ngành thuỷ sản, khai thác và nuôi trồng chúng ta đứng trước thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới”, ông nói.

Theo ông Hoan, cần phải cấu trúc lại ngành thuỷ sản nói chung theo hướng giảm và chuẩn hoá đánh bắt, quy trình khai thác biển và tăng nuôi trồng. “Đây là hướng chúng ta sẽ tiến tới”, ông nói.

Ông cho rằng chủ trương nghe thì đơn giản, nhưng khi triển vào thực tế bao giờ cũng phức tạp, bởi không thực hiện nghiêm túc sẽ gây ra những bất ổn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo ông, tài nguyên biển lớn, nhưng không phải vô tận, cho nên, giữa một tài nguyên hữu hạn và nhu cầu ngày càng lớn thì để quy hoạch không xảy ra tình trạng chồng lấn, cạnh tranh, tạo ra những bất ổn, đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể ngành hàng.

Chính vì vậy, ông Hoan mong các cơ quan, đơn vị và chuyên gia đóng góp ý kiến khách quan để có định hướng đúng, tạo ra không gian phát triển và giá trị mới cho ngành thuỷ sản Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới