Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đưa vào luật thêm nhiều ưu đãi để tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời đưa ra nhiều góp ý, kiến nghị về những ưu đãi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Đó là nội dung được ghi nhận tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) diễn ra ngày 15-6.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, phát biểu trước Quốc hội ngày 15-6. Ảnh: Vân Ly

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho biết ông thống nhất rất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Việc này hợp lý trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ…

Ông Hiếu cho biết, theo dự thảo luật, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí hiện nay chỉ dừng lại đơn thuần ở việc thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Trong khi đó, ông cho rằng ngoài các chính sách ưu đãi về thuế suất có rất nhiều chính sách ưu đãi khác có thể ban soạn thảo dự án luật này nên nghiên cứu để xem xét, nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình kiến nghị chính sách ưu đãi là cơ chế, chính sách ưu đãi dựa trên chi phí. Thứ nhất là cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thứ hai là giảm trừ thuế dựa trên chi phí. Hai chính sách này,  theo ông Hiếu khi áp dụng đều đạt được 2 mục tiêu: vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời giúp thúc đẩy họ đầu tư vào những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.

Góp ý về ưu đãi cho hoạt động dầu khí, ông Lê Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng cần bảo đảm tính khả thi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí theo nguyên tắc cạnh tranh ngang bằng với khu vực, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và của Nhà nước.

“Trong dự thảo đã phản ánh các ưu đãi thuế ở mức thu hồi chi phí, tuy nhiên còn thấp hơn các nước xung quanh. Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cho chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã ký và đang thực hiện nhưng các phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian”, ông Hùng nói.

Ông Hùng còn đề nghị bổ sung vào Điều 64 “Trường hợp quy định về ưu đãi đầu tư mới cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư mới và trong trường hợp mà quy định thấp hơn thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định của hợp đồng dầu khí”.

Ông Hoàng Đức Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này, mặc dù một số nội dung có đề cập rải rác đâu đó ở trong dự thảo luật và còn rất đơn giản…

“Đề nghị cần thiết phải thiết kế riêng một chương về việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí – theo hướng quy định đầy đủ về chính sách thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí”, ông Thắng nhấn mạnh.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho rằng dự thảo luật này tăng thêm ưu đãi, một mặt để bắt kịp và đảm bảo tương đồng với thực tiễn chính sách dầu khí của các nước trên thế giới và khu vực. Mặt khác là tăng cường tính hấp dẫn để chúng ta có thể tiếp tục cạnh tranh thu hút được đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực dầu khí trong bối cảnh mới.

Ông Lộc cho rằng, để thực hiện chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này thì thuế là một trong những giải pháp quan trọng. Chúng ta đã có chủ trương là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% về 25% – đó cũng là một quyết định rất phù hợp. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng có lẽ cũng cần phải phân tích sâu hơn về mức thuế này trên cơ sở tính toán tương quan chung trong các nước ASEAN và trên thế giới đã thực hiện chính sách thuế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào và ngoài thuế thì còn nhiều các biện pháp khác để khuyến khích đầu tư.

“Việc áp dụng thuế suất tối thiểu thu nhập doanh nghiệp toàn cầu cũng là một yếu tố phải đưa vào để cân nhắc. Cạnh tranh về thuế, chúng ta cũng phải tính toán để không thua kém các nước trong khu vực và đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN”, ông Lộc nói.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho rằng cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí nhưng cần đề cao tính thận trọng. Vì dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo, trong những năm qua sản lượng luôn giảm.

“Năm 2018, số thu từ dầu thô chiếm 4,6%, đến năm 2021 còn 2,6%. Trữ lượng dầu khí cũng là vấn đề rất cần quan tâm. Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp đầu tư thu hút nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy, cần cân nhắc lợi ích quốc gia, không thu hút đầu tư vào lĩnh vực này bằng mọi giá”, bà Mai nói.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để nghiên cứu quy định về các hình thức và cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức chi phí để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trên biển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới