Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đưa vào sử dụng Cổng thông tin về trò chơi điện tử trên mạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đưa vào sử dụng Cổng thông tin về trò chơi điện tử trên mạng

Chánh Trung

(TBKTSG Online) - Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử ngày 27-11 đưa vào sử dụng Cổng thông tin chính thức về game (địa chỉ tên miền www.gameportal.gov.vn. www.gameportal.com.vn, www.gameportal.vn). Đây là nơi cung cấp các thông tin chính thức về trò chơi điện tử (game) từ cơ quan chức năng, thông tin, tin tức từ các doanh nghiệp làm game, giới thiệu các chính sách, thông tin cảnh báo.

Đưa vào sử dụng Cổng thông tin về trò chơi điện tử trên mạng
Các nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, giải đáp các thắc mắc liên quan đến ngành công nghiệp nội dung số tại buổi hội thảo. Ảnh: Chánh Trung

Cổng thông tin này cũng giới thiệu các game mới, thu hút của các doanh nghiệp, tình hình xử lý các vi phạm về game, các số liệu thống kê về game. Đây được kỳ vọng sẽ là nơi để cung cấp thông tin, tin tức, chủ trương, chính sách, kết nối các doanh nghiệp làm game. Cổng thông tin này được công bố tại Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử 2020 do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tại TPHCM hôm 27-11. 

Cũng tại Hội thảo này, các cơ quan quản lý cảnh báo tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc đưa bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp vào các game phát hành tại Việt Nam ngày càng nhiều.

Cẩn trọng với game của doanh nghiệp Trung Quốc

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Vừa qua đã xuất hiện hiện tượng các công ty Trung Quốc cố tình vi phạm bằng chiêu thức cài cắm đường lưỡi bò vào trong game khi cập nhật, nâng cấp phiên bản trò chơi đã được doanh nghiệp mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. Hoặc trong các game không phép phát hành xuyên biên giới dành cho trẻ em nhằm xâm lấn, tuyên truyền để đầu độc trẻ em.

Vì vậy Cục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng trong việc lựa chọn, mua bản quyền các game có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đặc biệt lưu ý, đối với các game đang phát hành tại Trung Quốc có xuất hiện đường lưỡi bò, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia nên cân nhắc không hợp tác phát hành trò chơi tại Việt Nam. Tránh tình trạng gián tiếp tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp các sản phẩm vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Rà soát chặt chẽ hình ảnh, sơ đồ, bản đồ, đặc biệt là khả năng nâng cấp, cập nhật phiên bản trò chơi”.

Mới đây nhất, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, hai nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới Google và Apple vừa gỡ bỏ trò chơi điện tử (game) “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” trên kho ứng dụng Google Play và App Store, do game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết theo thống kê số liệu cấp phép Quyết định phê duyệt nội dung, kích bản trò chơi điện tử G1, trong tổng số 859 game được cấp phép thì có tới khoảng 690 game có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ hơn 80%.

Do đó nguy cơ cài cắm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biên giới trong game nhập khẩu từ Trung Quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Game “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” là một trong các game trên kho ứng dụng “Thế giới của bé gấu trúc”, đây là game G2,G3,G4 không phép được Công ty TNHH Công nghệ thông tin Phú Châu Zhi Yong (Trung Quốc) cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam qua các kho ứng dụng của Google và Apple. Gần đây, người sử dụng tại Việt Nam phát hiện ra trong game có hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề này vào năm 2019 Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã có văn bản cảnh báo tới các doanh nghiệp về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa trong đó có các trò chơi điện tử trên mạng.

Đồng thời Cục cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, kiểm tra nội dung kịch bản, game đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường nhất là game có nguồn gốc nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Đảm bảo tuân thủ đầy đủ cac quy định của pháp luật, dừng hợp tác đối với doanh nghiệp nước ngoài đã có hành vi vi phạm về các nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game.

Xử lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp game xuyên biên giới

Liên quan đến vấn đến game không phép cung cấp xuyên biên giới Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ 2017 đến nay Bộ đã thiết lập cơ chế làm việc và yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng của Apple, Google.

Bên cạnh đó cũng yêu cầu Facebook gỡ bỏ link quảng cáo cho game cờ bạc trên nền tảng này. Kết quả đã có 121 game không phép, cờ bạc, bạo lực... của các doanh nghiệp đã được gỡ khỏi kho ứng dụng của Apple, Google.

Tháng 8-2019 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức buổi làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có trò chơi phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là khi cung cấp game vào Việt Nam phải hợp tác và thông qua doanh nghiệp Việt nam. Sau thời điểm này các doanh nghiệp nước ngoài đã tuân thủ khá đầy đủ các yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay xuất hiện khá nhiều trò chơi do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp trực tiếp trên kho ứng dụng của Apple, Google vào thị trường Việt Nam nhưng không thông qua doanh nghiệp Việt Nam và thu hút số lượng người chơi lớn.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam cùng chung tay truyền thông điệp và đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ quy định của Chính phủ Việt Nam khi cung cấp tại Việt Nam. Đồng thời có trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và gởi danh sách các game không phép cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam để Bộ thống kê, công khai danh sách game trên cổng thông tin điện tử chính thức về game. Bên cạnh đó đề nghị Google, Apple nghiên cứu có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cung cấp game trên các nền tảng ứng dụng của các hãng này.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tới đây sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định đặc biệt là đối với các trường hợp game có hình ảnh sơ đồ, bản đồ chứa đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền lãnh thổ.

Hoặc các trường hợp tên đơn vị hiển thị trên kho tải không đúng với tên đơn đã được cấp quyết định phê duyệt trò chơi. Trường hợp cần thiết sẽ phối hợp chuyển các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công an (theo dõi xử lý game có dấu hiệu vi phạm hình sự), Bộ Công thương (quản lý các chương trình khuyến mãi cho game), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (quản lý cấp phép tổ chức các giải đấu game địa phương)... để xem xét, phối hợp xử lý theo thẩm quyền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới