Thứ hai, 10/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dùng AI để phát triển thương hiệu: Một vài gợi ý thực tế

Amy Nguyễn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xây dựng thương hiệu là bước không thể thiếu giúp các doanh nghiệp tạo dựng được lợi thế cạnh tranh và kết nối chặt chẽ với đối tượng khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, để tạo dựng một thương hiệu mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng trực tuyến không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ phải đương đầu với những “ông lớn” đã có tiếng tăm trên thị trường.

Giờ đây, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), việc phát triển thương hiệu đã trở nên dễ dàng hơn. Theo một nghiên cứu gần đây trên Metanews.com, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ AI doanh thu hàng năm cao hơn trung bình 152% so với những người chậm áp dụng. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới, khi ngày càng có nhiều công ty lên kế hoạch sử dụng AI trong quản lý thương hiệu và tiếp thị số.

AI không còn chỉ được dùng để soạn thảo e-mail nội bộ mà nay các nhà chiến lược kinh doanh đang tận dụng AI để vẽ bản đồ hành trình khách hàng, phân tích dữ liệu, cải thiện SEO và nhiều hơn thế nữa. Một cuộc khảo sát do Forbes thực hiện cho thấy có tới 50% các công ty trên toàn cầu hiện đang sử dụng AI để phát triển các chiến dịch tăng trưởng. Sự đổi mới trong AI sẽ không ngừng mở rộng, và các công ty bắt đầu sử dụng công nghệ này ngay bây giờ chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với những công ty không nhận ra được giá trị của nó.

Một số ứng dụng AI thông dụng

Hiện nay, doanh nghiệp thường dùng công cụ AI vào khá nhiều việc, như thiết kế nhãn hiệu, hình ảnh, tạo nội dung, phác họa chân dung người mua hàng, thiết kế các chương trình tiếp thị, phân tích cảm xúc... với mức chi phí thấp.

Thiết kế nhãn hiệu và hình ảnh: Các công cụ tạo logo AI có thể tạo ra các thiết kế dựa trên ngành nghề, sở thích và khán giả mục tiêu. Những công cụ này đặc biệt có giá trị trong việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và có chi phí thấp hơn nhiều so với các dịch vụ thiết kế đồ họa truyền thống. Công cụ phổ biến bao gồm: máy tạo logo AI miễn phí của Picsart, BrandTaylor, Design.AI, Dall-E...

Tạo nội dung: Các công cụ tiếp thị được hỗ trợ bởi AI có thể tạo ra các tiêu đề, khẩu hiệu và bản sao quảng cáo dựa trên giọng điệu thương hiệu và khán giả mục tiêu của bạn. Điều này giúp các nhà quản lý thương hiệu phát triển thông điệp nhất quán và hấp dẫn để tiếp cận khán giả mới. Công cụ phổ biến bao gồm: ChatGPT, Writesonic, Copysmith, Copy.ai, Jasper...

AI là một công cụ bổ trợ cho sự phát triển thần tốc của thương hiệu nhưng để tạo dựng một thương hiệu thành công, có độ trung thành và gắn kết với khách hàng thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về con người.

Phát triển hình mẫu người mua: Doanh nghiệp giờ đây có thể phân tích phản hồi của khách hàng và dữ liệu hành vi tiêu dùng để hiểu sâu hơn về hình mẫu người mua lý tưởng của họ. Công cụ phổ biến bao gồm: Sentisum, Monkeylearn, Cognivue...

Thiết kế chương trình tiếp thị khác nhau: Các nhà quản lý thương hiệu có thể sử dụng AI để tạo ra các chiến dịch tiếp thị khác nhau cho các kênh khác nhau. Ví dụ như đề xuất sản phẩm và viết nội dung e-mail thành viên.

Phân tích cảm xúc: Các nhà quản lý thương hiệu có thể phân tích đánh giá, bình luận trên mạng xã hội và phản hồi khác để đánh giá tình cảm của khách hàng. Kết quả là, họ có thể điều chỉnh chiến lược thương hiệu khi cần thiết. Công cụ phổ biến như Crimson Hexagon hoặc Talkwalker rất hữu ích.

Thử nghiệm ảo và trực quan hóa sản phẩm: Nhờ công nghệ thực tế tăng cường (AR), khách hàng có thể thử quần áo, trang điểm hoặc “xem” đồ nội thất trong nhà của họ. AR đã làm tăng sự hài lòng của khách hàng bằng cách cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Ví dụ, L’Oreal đã chứng kiến sự gia tăng 150% số lần thử nghiệm ảo trong năm qua.

Ứng dụng trong nhiều ngành kinh doanh

AI còn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bán lẻ đến dịch vụ tài chính, bất động sản và nhiều ngành công nghiệp cụ thể khác.

Ngành bán lẻ

Đề xuất sản phẩm: Các thuật toán AI phân tích lịch sử mua hàng, hành vi duyệt web và dữ liệu nhân khẩu học để đề xuất các sản phẩm cá nhân hóa, tăng tỷ lệ chuyển đổi và sự hài lòng của khách hàng. (Ví dụ: Hệ thống phân tích dữ liệu mua hàng của Amazon hiện được tăng cường bởi AI).

Phân tích biến động giá mỗi ngày: AI phân tích xu hướng thị trường, giá cả của đối thủ và mức tồn kho để điều chỉnh giá cả theo thời gian thực, tối đa hóa lợi nhuận và duy trì tính cạnh tranh. (Ví dụ: Hệ thống tối ưu hóa giá của Target được hỗ trợ bởi AI).

Chatbot và trợ lý ảo: Chatbot được hỗ trợ bởi AI giải đáp thắc mắc của khách hàng, cung cấp thông tin sản phẩm và hỗ trợ 24/7, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng và giảm tải công việc cho nhân viên. (Ví dụ: Chatbot Beauty Advisor của Sephora). Theo IBM Survey, hơn 50% người tiêu dùng bán lẻ mong muốn sử dụng chatbot hoặc trợ lý ảo (55%), thực tế tăng cường hoặc thiết bị ảo (55%), và các ứng dụng AI khác (59%) trong kinh doanh của họ.

Dự đoán nhu cầu tiêu dùng: Các nhà tiếp thị có thể xác định xu hướng hành vi khách hàng với độ chính xác cao hơn, cho phép các công ty dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng vào các dịp lễ mua sắm trong năm và đưa ra các đề xuất sản phẩm phù hợp.

Chatbot: Các chatbot có thể hoạt động không ngừng nghỉ để trả lời các câu hỏi của khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp thông tin sản phẩm và giảm bớt gánh nặng cho nhân viên.

Nghành F&B

Tối ưu hóa thực đơn: AI phân tích dữ liệu khách hàng, xu hướng bán hàng và chi phí nguyên liệu để đề xuất các món ăn tối ưu, kích cỡ phần và chiến lược giá, tối đa hóa lợi nhuận và giảm lãng phí. (Ví dụ: Công cụ tối ưu hóa thực đơn của Taco Bell).

Đề xuất công thức nấu ăn cho cá nhân: AI phân tích sở thích của khách hàng và các hạn chế về chế độ ăn để đề xuất các công thức nấu ăn cá nhân hóa, tăng sự tương tác và lòng trung thành của khách hàng. (Ví dụ: Đề xuất bữa ăn cá nhân của hãng HelloFresh).

Dự đoán nhu cầu: AI dự đoán nhu cầu của khách hàng đối với các món ăn cụ thể dựa trên dữ liệu lịch sử và mẫu thời tiết, cho phép chuẩn bị thức ăn hiệu quả và giảm thiểu tồn kho. (Ví dụ: Dự đoán nhu cầu cho các đồ uống theo mùa của Starbucks).

Từ ví dụ trên có thể thấy AI mở ra khả năng vô tận trong việc tăng cường thương hiệu. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần thật thận trọng khi sử dụng công nghệ này. Tại sao?

Bởi không phải tất cả các giải pháp AI hiện tại đều cho ra kết quả có chất lượng như nhau. Nhiều kết quả do vô số công cụ AI tạo ra không đáng tin cậy, nhiều công cụ tự bịa ra câu trả lời và khiến nó trông đáng tin bởi con số, nhưng thực tế những con số này không hề tồn tại. Thị trường hiện nay cũng đầy rẫy công cụ AI rác nhằm mục tiêu thu thập dữ liệu, mua bán dữ liệu và hack dữ liệu người dùng. Bởi vậy, khi lựa chọn một giải pháp, các nhà quản lý thương hiệu nên chọn những công cụ cung cấp cái nhìn rõ ràng và minh bạch về nguồn dữ liệu được dùng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến vấn đề đạo đức dữ liệu khi nói tới AI, lảng tránh điều này chẳng có nghĩa lý gì cả - AI về mặt bản chất là hệ thống học hỏi từ dữ liệu vậy nên nếu dữ liệu đó chứa thông tin thiên vị, chúng có thể vô tình khiến các kết quả tạo ra cho doanh nghiệp sử dụng bị méo mó. Doanh nghiệp cần có ít nhất một người kiểm tra chéo các kết quả AI tạo ra.

Nói cách khác, AI có thể phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin nhanh hơn bất kỳ con người nào, nhưng nó thiếu đi sự suy luận hợp lý, sự thích ứng và tính người - những thứ tạo nên cốt lõi của bất cứ thương hiệu lớn nhỏ nào. Vậy nên hãy luôn ghi nhớ rằng, AI là một công cụ bổ trợ cho sự phát triển thần tốc của thương hiệu nhưng để tạo dựng một thương hiệu thành công, có độ trung thành và gắn kết với khách hàng thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về con người.

(*) IPGEEKLAB, Lab nghiên cứu luật có trụ sở ở bang New Jersey, Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới