(KTSG Online) - Nếu xem việc ngành du lịch quay trở lại sau thời gian phòng chống dịch là chiếc bình mới thì rượu cũ chính là những vấn nạn đã tồn tại nhiều năm trước dịch và đang diễn ra thậm chí ở mức độ xấu hơn trong thời điểm hiện tại.
Trong dịp lễ này, khi một lượng lớn khách đổ về thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chính quyền thành phố đã phát đi thông báo về việc chấn chỉnh tình trạng gây ô nhiễm về âm thanh, tiếng ồn tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm tiếng ồn có chiều hướng gia tăng khi nhiều tổ chức và cá nhân kinh doanh lưu trú như homestay, villa sử dùng dàn karaoke lưu động, loa kẹo kéo tổ chức ca hát, cường độ âm thanh vượt quá mức quy định.
Theo đại diện của Chi hội Homestay và Villas Quảng Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), đây là phản ứng tích cực của chính quyền Hội An cho vấn đề “mới mà cũ” này. Trước đó, chi hội đã gửi đơn kiến nghị về vấn đề nói trên đến UBND thành phố Hội An.
Theo đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong kinh doanh lưu trú dưới hình thức hát karaoke (kèm micro), mở nhạc to với cường độ lớn trong nhiều giờ đã kéo dài từ năm này sang năm khác và hiện nay có cường độ mạnh hơn khi ngành du lịch quay lại sau 2 năm phòng chống dịch.
Hệ lụy là đã xảy ra cãi vã, đánh nhau và gây mất trật tự giữa chủ cơ sở và khách lưu trú, giữa khách lưu trú với người địa phương sống chung quanh. Nhiều khách quốc tế đã hủy kế hoạch và rút ngắn thời gian lưu trú tại Hội An để tìm nơi khác hoặc một nước khác. Chủ cơ sở phải ra sức chiều khách để cạnh tranh nhưng làm mất đi hàng loạt những phân khúc khách rất quan trọng trong du lịch xanh-du lịch bền vững là thích yên tĩnh, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa địa phương, trải nghiệm và đầu tư tại Hội An.
Ô nhiễm tiếng ồn chỉ là một trong những vấn nạn của ngành du lịch tồn tại trong nhiều năm qua (trước dịch) không chỉ tại Hội An mà còn tại một số địa phương khác. Chèo kéo khách, nhà hàng “chặt chém”, tăng giá với lý do lễ nhưng không khai báo với chính quyền là một vài trong số đó. Một khách sạn nhỏ tại một thành phố cao nguyên tăng giá lên đến 500.000 đồng/đêm, gấp đôi so với bình thường, hay “cò” đi thuyền ban đêm trên sông Hoài (Hội An) chèo kéo khách với nhiều thủ đoạn là những ví dụ thực tế.
Trước đó, ngay sau khi Chính phủ công bố mở cửa du lịch vào tháng 3, một doanh nhân trong ngành du lịch từng chia sẻ rằng anh sợ thị trường sẽ bị lũng đoạn khi du lịch quay trở lại. Trước dịch, tình trạng phá giá tour và dịch vụ để giành khách hay tăng giá vô tội vạ với chất lượng chưa tương xứng đã diễn ra, đặc biệt là vào các dịp lễ. Nhưng dù sao vào thời điểm đó, mỗi doanh nghiệp cũng “câu” được ít nhất 1-2 đoàn khách. Hiện nay, số lượng người câu đã giảm từ 10 còn 5, nhưng lượng khách cũng giảm từ 10 còn 2, nên tình trạng tranh giành khách và không đảm bảo chất lượng thậm chí sẽ tệ hơn, vị doanh nhân này nói.
Lời cảnh báo của vị doanh nhân du lịch này phần nào đó đã trở thành hiện thực.
“Quá đau đầu anh ơi, tự giết nhau mà thôi!” là lời cảm thán của một nữ nhân viên của một công ty du lịch tại Đà Nẵng, chuyên tour và vận chuyển du lịch – khi bình luận một bài đăng của một doanh nhân khác ở Đà Nẵng khi anh này than thở về vấn đề phá giá tour và dịch vụ nhân dịp lễ 30-4 và 1-5.
Theo ghi nhận thực tế từ những người trong cuộc thì tình trạng phá giá hay không đảm bảo chất lượng tương xứng đang xảy ra tại nhiều điểm đến du lịch khác chứ không chỉ riêng Đà Nẵng. Một lãnh đạo du lịch của một địa phương miền Trung phản đối việc giảm giá vô tội vạ hiện nay. Các khách sạn 5 sao bán phòng nghỉ với giá ngang bằng các khách sạn 2-3 sao sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển cân bằng thị trường du lịch và rất khó để tăng giá trở lại như cũ trong tương lai, ông đưa ra ví dụ.
Theo ý kiến của những người trong cuộc, hai năm dịch là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại ngành du lịch theo hướng chất lượng hơn. Tuy nhiên, chặng đường sắp xếp này còn gian nan khi những vấn nạn quay trở lại thời gian gần đây. Vì vậy nếu không giải quyết tận gốc vấn đề “bình mới rượu cũ” này thì ngành du lịch khó có thể chuyển mình trong thời gian tới.
Trong thông báo của mình, chính quyền thành phố Hội An đã cảnh báo cơ sở nào để khách hay chính bản thân mình gây ra ô nhiễm tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh và gây mất trật tự sẽ bị xử phạt.
Sở Du lịch Đà Nẵng mới đây cũng đã làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và hàng trăm doanh nghiệp du lịch, yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ tường xứng và không để xảy ra sự cố nào làm ảnh hưởng điểm đến.
Hy vọng, bên cạnh những hành động trên, ngành du lịch các địa phương có thế mạnh về du lịch, không chỉ Đà Nẵng và Quảng Nam, có những giải pháp để du lịch có thể phát triển trở lại bền vững, để cả doanh nghiệp, người dân và du khách được lợi.
Tiêu đề như 1 thông điệp cảnh báo rất đúng lúc! Và ô nhiễm tiếng ồn tưởng nhỏ nhưng có ảnh hưởng rất lớn cho hình ảnh đẹp của 1 điểm đến xanh! Hoan hô Hội An!
Dạ, cảm ơn anh đã ủng hộ. Hy vọng ngành du lịch sẽ trở nên tốt hơn
Đã qua rồi cái thời đại trà, đại khái. Công thức trước đây là Mở cửa/ Đón khách, hễ cứ có khách là gần như có tiền. Bây giờ phải chuyển qua Chọn cửa/ Xem khách. Làm sao để khách đến rồi quay lại lâu hơn hoặc chấp nhận trả tiền nhiều hơn. Có nơi khách đến càng đông càng tốt, nhưng có nơi cũng phải biết giới hạn, thậm chí cần có “quota”. Đó mới là giá trị thực sự của du lịch đẳng cấp, có chất lượng cao. Nếu cứ bổn cũ soạn lại mãi, sẽ đến lúc “Không có cửa” để mà mở hoặc đóng.