(KTSG Online) - Dù vẫn đứng vị trí thứ ba trong danh sách các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài của năm 2024, TPHCM đã bị sụt giảm tới 40% tổng vốn đăng ký. Điều này đòi hỏi thành phố phải đánh giá lại thực trạng và đề ra chính sách linh hoạt để thu hút vốn mạnh hơn.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/mer.jpg)
Giảm do chậm tạo quỹ "đất sạch”
Theo số liệu từ UBND TPHCM, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố trong năm 2024 đã giảm 39,5% so với năm trước đó. Cụ thể, vốn FDI và vốn nước ngoài đầu tư qua việc mua cổ phần đều giảm lần lượt 18,3% và 50,8%.
Đáng chú ý, vốn ngoại đăng ký vào năm 2024 của TPHCM theo cập nhật sau đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho thấy bị sụt giảm sâu hơn. Cụ thể với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,04 tỉ đô la, thu hút vốn ngoại của TPHCM giảm đến 49,4% so với năm 2023, sau Bắc Ninh (gần 5,12 tỉ đô) và Hải Phòng (hơn 4,94 tỉ đô).
Việc TPHCM xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương thu hút nhiều đầu tư nước ngoài khiến các nhà quan sát kinh tế có phần quan ngại. Bởi lẽ, “đầu tàu kinh tế” ở phía Nam này sở hữu nhiều ưu thế về hạ tầng, nguồn nhân lực… và trong hai năm trước đó (2022 và 2023) đã dẫn đầu cả nước về vốn FDI đăng ký lần lượt là 3,94 tỉ đô và 5,85 tỉ đô.
Trong khi đó, đối với giới đầu tư, sự chững lại và giảm dần của dòng vốn ngoại này là điều đã được dự báo trước. Bởi lẽ dù TPHCM có thế mạnh phát triển dịch vụ và tài chính nhưng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng là lĩnh vực quan trọng phát triển kinh tế thành phố. Thế nhưng, quỹ đất sản xuất công nghiệp của thành phố dần cạn kiệt hoặc bị vướng về giải tỏa hay pháp lý; trong khi các khu công nghiệp mới lại chậm triển khai đầu tư.
Nói thêm về kết quả thu hút đầu tư trong năm qua, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho rằng, để thu hút được nhiều vốn đầu tư thì quỹ đất rất quan trọng nhưng hiện quỹ “đất sạch” trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố còn rất ít. Hiện chỉ có vài chục hecta sẵn sàng cho thuê nhưng không tập trung một khu mà rải rác ở nhiều khu và không liền thửa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư cần diện tích đất lớn. "Các khu công nghiệp chúng tôi hiện tại không thể đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án quy mô lớn", ông Hà nói.
Dù theo quy hoạch, tổng quỹ đất công nghiệp của TPHCM dự kiến khoảng 6.000 hecta, nhưng khoảng 1.500 hecta đang gặp vướng mắc về pháp lý, chưa thể giải phóng mặt bằng. Một số khu công nghiệp có một phần đáng kể đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang tiến hành bồi thường thì chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước, chưa thể mời gọi đầu tư.
Tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), quỹ đất sẵn sàng cho các dự án thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch… cũng khá thấp so với nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là những “đại bàng” công nghệ cần diện tích lớn. Chẳng hạn đang có 7 nhà đầu tư muốn phát triển dự án trung tâm dữ liệu nhưng tại đây hiện chỉ có một lô đất để đầu tư loại này.
Nhà đầu tư than phiền về thủ tục hành chính phức tạp
Một khó khăn khác là tình trạng chậm xử lý các thủ tục hành chính và đây là vấn đề khiến các nhà đầu tư đang quan ngại.
Đơn cử như trường hợp của Công ty Castrol BP Petco đợi hai tháng kể từ khi làm thủ tục đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để gia hạn thời gian thực hiện dự án nhưng không nhận được phản hồi từ các cơ quan tham mưu của thành phố.
Trong khi doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh về việc mất nhiều thời gian và công sức khi giải quyết các thủ tục liên quan. Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, đã chỉ ra khâu thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém nhiều thời gian là một trong những vấn đề chính mà các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết các thủ tục liên quan đến xây dựng hoặc sửa chữa nhà xưởng có thể kéo dài tới 6 tháng.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Tan-thuan.jpg)
Tại Hội nghị đối thoại giữa Chính quyền TPHCM với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) vào cuối năm 2024, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phàn nàn về việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính.
Ông Nakagawa Motohisa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Môi trường kinh doanh của JCCH, cho hay doanh nghiệp Nhật Bản khi xin giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi ở thành phố vẫn bị các cơ quan thực hiện yêu cầu kiểm tra kinh tế. Trong khi theo điều khoản liên quan đến đầu tư dịch vụ của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam bãi bỏ yêu cầu về kiểm tra kinh tế từ ngày 14-1-2024.
Một số doanh nghiệp trong khu chế xuất thì phản ánh thủ tục hải quan trong khâu xử lý nguyên vật liệu bị hư, phế phẩm… khá phức tạp, không đồng nhất.
Cụ thể, để báo cáo, giải trình về phế thải thì chưa có mẫu thống nhất của cơ quan quản lý mà doanh nghiệp phải tự tạo riêng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp nội dung yêu cầu của cán bộ hải quan cũng không rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp phải sửa đi sửa lại nội dung báo cáo nhiều lần. Khi thực hiện việc giám sát tiêu hủy thì nội dung yêu cầu từ cơ quan hải quan mỗi lần mỗi khác, không thống nhất khiến doanh nghiệp lúng túng...
Tăng quỹ đất, cải thiện thủ tục để hấp dẫn nhà đầu tư
Do đó, để tăng thu hút FDI và lấy lại vị trí dẫn đầu, các chuyên gia cho rằng thành phố cần sớm cải thiện thủ tục hành chính, hóa giải các khúc mắc của nhà đầu tư. Cùng với đó là rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ bằng cách tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và minh bạch hóa quy trình cấp phép đầu tư, kịp thời giải quyết các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Để duy trì sức hấp dẫn và giữ vững vị dẫn đầu trong thu hút đầu tư, TPHCM cần một giải pháp đồng bộ, tập trung vào việc tối ưu hóa quỹ đất sản xuất, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, và ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Mer-3.jpg)
Liên quan đến quỹ đất sản xuất, đại diện Hepza cho biết đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư KCN Phạm Văn Hai I và II để có quỹ đất thu hút các dự án lớn. Ngoài ra, việc tháo gỡ được giá thuê đất tại KCN Hiệp Phước cũng đang được đẩy nhanh để có hàng trăm hécta đất cho nhà đầu tư.
SHTP cho biết sẽ rà soát các dự án chậm triển khai để thu hồi nhằm nhường đất cho các nhà đầu tư có tiềm lực hơn.
“TPHCM sở hữu thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Địa phương có nhiều trường đại học hàng đầu, là yếu tố hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài và Nhật Bản”, ông Nobuyuki Matsumoto nói và cho rằng cần tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp từ các trường uy tín có cơ hội tìm được công việc giá trị cao, phù hợp với năng lực.
"Đây sẽ là nền tảng để TPHCM khai thác tối đa lợi thế về nhân lực, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao", ông nói.