Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng để đốt rác phát điện đi vào ngõ cụt!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dày 460 trang của dự án đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (TPHCM) của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đang tham vấn ý kiến cộng đồng, đăng công khai trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường cả tháng qua.

Đây là báo cáo đánh giá tác động môi trường đồ sộ, hơn nữa, trong danh mục doanh nghiệp phát thải khí nhà kính của Chính phủ thì trong lĩnh vực xử lý chất thải, bãi rác Đa Phước có sức chứa lên tới 3,65 triệu tấn/năm, cao nhất trong các bãi rác ở Việt Nam.

Nhưng, dù cho báo cáo này hay nói rộng hơn là dự án đốt rác phát điện có được thông qua hay không thì cuối cùng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (mà dân dã gọi là bãi rác Đa Phước) vẫn phải tìm cách đốt rác phát điện trong tình thế thời gian ngắn nữa thôi, bãi rác này sẽ không còn chỗ để chôn lấp. Các bãi rác khác ở thành phố cũng trong tình trạng tương tự.

Theo tài liệu thì Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đầu tư 420 triệu đô la (10.080 tỉ đồng) làm dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, TPHCM.

VWS dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nằm ở phía Tây Nam của bãi rác, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có một tổ hợp (mỗi tổ hợp 2 lò đốt, công suất thiết kế 750 tấn/ngày/lò). Chủ đầu tư ước tính dự án có công suất 46,06 MW điện sau khi khấu trừ điện tiêu thụ cho vận hành nội bộ và tổn thất và được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay bãi chôn lấp của VWS tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước được TPHCM giao xử lý 6.000 - 6.800 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác đã cũ, chủ yếu là chôn lấp, do đó mùi hôi phát tán từ bãi chôn lấp rác là không tránh khỏi. Đây là nguyên nhân mà người dân quanh vùng có khiếu nại mùi hôi trong các cuộc làm việc với đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy thành phố đang chịu áp lực thu gom xử lý chất thải bởi trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10.000 tấn chất thải sinh hoạt, 2.500-3.000 tấn chất thải công nghiệp, 1.500 tấn chất thải xây dựng và hàng trăm tấn chất thải nguy hại.

Đầu năm nay, trả lời cử tri quận 7, huyện Nhà Bè, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thành phố quyết tâm chuyển toàn bộ rác ở Đa Phước sang mô hình đốt phát điện sau 2025. Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố tới năm 2025 thì 80% rác thải rắn sinh hoạt sẽ chuyển sang đốt phát điện. Sau 2025 thì 100% rác thải rắn sinh hoạt sẽ đốt phát điện thay vì xử lý bằng phương pháp chôn lấp như hiện nay.

Đến đây thì ai cũng hiểu thành phố trong tình thế quá tải về rác xử lý theo phương pháp chôn lấp, buộc phải đốt và cũng phải chấp nhận những rủi ro về môi trường, công nghệ, tài chính...

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng như ý kiến của chuyên gia lâu nay về đốt rác phát điện ở Việt Nam thì một trong những lý do gây khó khăn cho đốt rác là Việt Nam chưa có phân loại rác tại nguồn. Hành động rất nhỏ của từng hộ gia đình nhưng lại ảnh hưởng lớn tới môi trường sống, cụ thể là xử lý rác thải.

Rác thải hiện nay có độ ẩm cao, lên đến trên 60%, chất thải hữu cơ chưa phân loại chiếm tỷ trọng lớn, vì vậy khi đốt sẽ không thể cho được nhiệt độ cao và kéo dài để sản xuất điện. Vậy nên khi thiếu nhiệt thì lò đốt dùng dầu DO hỗ trợ, đó là chưa kể chất thải hữu cơ nhiều thì nhiều khói thải ra môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng, trong đó đã có 3 nhà máy chính thức phát điện nhưng nhà máy nào cũng than phiền chuyện chưa phân loại rác tại nguồn.

Có thể các dự án đốt rác phát điện sắp tới của Đa Phước hay các bãi rác khác của TPHCM sẽ thuận lợi hơn một chút bởi kể từ ngày 1-1-2025, theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình; bị xử phạt 500.000-1.000.000 đồng nếu không thực hiện.

Đừng để đốt rác phát điện đi vào ngõ cụt như nhiều dự án sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải được đầu tư ở các bãi rác nhưng sau đó đắp chiếu vì đa phần chưa có phân loại rác tại nguồn. Và ngay chính tại Đa Phước cũng từng đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón lâu nay nhưng bỏ xó vì lý do tương tự.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hầu hết các dự án xử lý rác, lâu nay đều không phát huy hiệu quả. Triển khai không đến nơi đến chốn, năng lực nhà đầu tư yếu kém, hoặc bị biến tướng từ “xử lý” sang “chôn lấp” là chính. Nguyên nhân chủ yếu là không xuất phát từ cái gốc của câu chuyện: Rác thải/ Tài nguyên rác ? Nếu xem rác là tài nguyên, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới