Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng để nỗi sợ làm mất cơ hội

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tuyển lao động nam không cần kinh nghiệm, chỉ cần học hết lớp chín, sức khỏe tốt, tuổi từ 18 đến 35, cao một mét sáu trở lên. Tuần làm việc năm ngày, mỗi ngày tám tiếng. Lương tháng 40 triệu đồng, chưa kế tăng ca và phụ cấp. Ngân hàng sẽ cho vay đến 80% chi phí ban đầu. Người được tuyển sẽ lái máy xúc tại Nhật Bản.

Lời rao tuyển có vẻ hấp dẫn quá phải không quý độc giả? Ấy thế mà báo mạng vnexpress.net dẫn lời một lãnh đạo công ty than rằng công ty của ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển các ứng viên như vậy(1). Lý do: người lao động Việt Nam còn sợ không dám sang Nhật làm việc.

Họ sợ gì? Nỗi sợ đầu tiên thì chắc độc giả cũng có thể hình dung được: sợ Covid-19. Trong mắt họ, Nhật Bản ở xa Việt Nam. Nếu chuyện không hay xảy ra, họ lo không kịp trở về nhà, nguy hiểm đến tính mạng. Có người sợ chính sách xuất nhập cảnh thay đổi. Người khác lại ngại đồng yen Nhật mất giá.

Theo bài báo của vnexpress.net, Nhật Bản là một trong những thị trường chủ lực cho lao động Việt Nam. Trước đại dịch Covid-19, nước Nhật có khoảng 200.000 thực tập sinh và 30.000 lao động kỹ thuật làm việc. Nhưng trong hai năm đại dịch bùng phát, nguồn cung cấp lao động Việt Nam cho thị trường Nhật bị gián đoạn, và chỉ mới được khởi động lại trong năm nay. Trong ba tháng đầu năm, có khoảng 600 lao động Việt Nam sang Nhật trong tổng số 2.500 người Việt đi làm việc tại nước ngoài.

Một mặt, nỗi sợ của người lao động Việt Nam không phải là không chính đáng và họ có quyền quyết định chuyện đi hay ở. Làm việc ở quê nhà, tuy lương thấp nhưng bù lại đỡ vất vả hơn. Vả lại, với nhiều người trong số họ, mối lo phập phồng cho sinh mạng của mình còn lớn hơn cả khát vọng đổi đời với đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt nơi xứ người.

Nhưng mặt khác, về phía các công ty chuyên đưa lao động trong nước sang làm việc tại Nhật Bản, thời điểm này vừa là cơ hội, vừa là thách thức.

Theo vnexpress.net, tháng 3 năm nay, chính phủ Nhật Bản đã mở lại cánh cửa đối với lao động nước ngoài. Theo quy định mới, thực tập sinh Việt Nam tiêm đủ ba mũi vaccine chống Covid-19 được phép nhập cảnh Nhật. Thậm chí, giới chức Nhật còn bỏ qua quy định phải cách ly theo dõi trong bảy ngày có hiệu lực trước đây.

Tuy nhiên, như đã nói ở đầu bài, cánh cửa đã mở nhưng các công ty lại tuyển không đủ người muốn đi qua cánh cửa đó. Theo vị lãnh đạo công ty nêu trên, trước khi đại dịch xảy ra, thông thường chỉ cần hai tuần lễ, công ty của ông đã có thể tuyển đủ các vị trí đáp ứng yêu cầu trong một đợt tuyển dụng của đối tác Nhật. Còn hiện nay, tình trạng lưỡng lự, nửa ở nửa đi của số đông lao động Việt Nam khiến công ty này không thể cam kết về thời gian thực hiện yêu cầu với phía Nhật.

Hậu quả là do không thể chờ lâu hơn, một số đối tác Nhật đã tìm nguồn cung ứng lao động từ các thị trường khác, chuyển từ Việt Nam sang Indonesia và Myanmar.

Như vậy, cơ hội tạo ra do nước Nhật mở cửa lại thị trường lao động của mình cho người nước ngoài lại đang chuyển thành một thách thức khi nguy cơ mất một khách hàng truyền thống lớn như Nhật Bản không phải là không có.

Liệu có thể làm gì để ngăn nguy cơ này? Chuyện có bay sang Nhật hay không thuộc quyền quyết định của người lao động. Nhưng theo vị lãnh đạo công ty nói trên, một việc cần làm ngay là giúp người lao động có ý định sang làm việc ở Nhật loại bỏ nỗi sợ hãi không cần thiết đối với dịch bệnh.

Để làm được việc này, các công ty tuyển dụng phải đi dầu trong nỗ lực hợp sức với giới truyền thông để giải thích thêm về điều kiện an toàn khi làm việc ở Nhật. Theo vị lãnh đạo này, ngay trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh, người Việt ở Nhật an toàn, không bị nguy hiểm đến tính mạng do được tiêm vaccine đầy đủ. Thông qua báo chí, các công ty tuyển dụng cần đưa ra các bằng chứng hay số liệu cụ thể để chứng minh tỷ lệ người lao động Việt ở Nhật bị lây nhiễm và khỏi bệnh để chứng minh thực tế này nhằm thuyết phục người lao động.

Một bằng chứng khác nếu được giải thích đầy đủ có thể giúp thuyết phục những người còn chần chừ quyết định một cách dứt khoát lựa chọn đến Nhật của mình. Đó là thực tế ngay cả khi dịch bệnh hoành hành toàn thế giới, khiến nhiều quốc gia - trong đó có Việt Nam - phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch, thì nước Nhật vẫn sống chung với dịch, trong đó người lao động Việt Nam vẫn được làm việc để có thu nhập ổn định.

Có lẽ trong nỗ lực của các công ty tuyển dụng trong việc giải thích thuyết phục các ứng viên Việt Nam sang Nhật lao động cũng cần nhấn mạnh đến ý sau đây. Thực tế chống dịch ở Việt Nam đã chỉ ra rằng biết sợ dịch là điều cần thiết, nhưng nỗi sợ hãi quá mức chưa bao giờ là một lựa chọn đúng. Trong tình trạng hiện nay, nếu để nỗi sợ lấn át, chúng ta sẽ mất một cơ hội tốt khó tìm lại được. Cơ hội đó không chỉ về phía người lao động mà ảnh hưởng đến cả quốc gia.

-----------

(1) https://vnexpress.net/luong-di-nhat-40-trieu-dong-van-kho-kiem-lao-dong-4466459.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Làm chủ hoặc làm thuê không quan trọng, miễn là làm đúng vai trò của mình. Khi chưa thể làm chủ, bạn vẫn cứ đóng vai làm thuê một cách bình thường, nhưng đừng bao giờ bỏ qua cơ hội vươn lên trở thành một trong những ông chủ tốt. Khi đã là ông chủ, cũng đừng bao giờ quên mình từng là người đi làm thuê, cảm giác này sẽ mang lại cho bạn sự tự tin và sự cảm thông với tất cả mọi người. Tự tin để dẫn dắt hành động của chính mình. Cảm thông để định hướng hành động cho cả một tổ chức. Nếu ai cũng làm tròn vai thì không có gì cản trở bản thân/ tổ chức/ quốc gia ngày càng phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới