Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dung hòa nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dung hòa nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng

An Yên

(SGTT) - Xuất phát từ sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia hôm 17-9 vừa qua, nhiều cuộc tranh luận trái chiều lại tiếp tục diễn ra trên các mạng xã hội, xoay quanh những tác động hai mặt của chính sách đến người tiêu dùng.

Dự luật hạn chế rượu bia liệu có khả thi?

Luật Phòng chống rượu bia nên điều chỉnh hành vi con người

Hai lý do vì sao Bộ Y tế nên soạn lại dự thảo rượu bia

Các cuộc tranh luận trên có cùng quan điểm về sự cần thiết cho ra đời một đạo luật nhằm giảm hậu quả do việc sử dụng rượu, bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Các báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan đề xuất luật, cho thấy việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm.

Theo một bản báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người Việt Nam tiêu thụ rượu, bia ở mức khá cao. Cụ thể, một người Việt Nam trên 15 tuổi trung bình tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm 2016, con số này tương đương với mức trung bình của Thái Lan, song cao hơn nhiều so với các nước khác ở châu Á, như Mông Cổ: 7,4 lít, Trung Quốc: 7,2 lít, Campuchia: 6,7 lít, Philippines: 6,6 lít và Singapore: 2 lít.

Theo tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, có nhiều bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm tiêu thụ rượu, bia. Một giải pháp khác là hạn chế sự tiếp cận dễ dàng và tính sẵn có của rượu, bia trên thị trường. Ông Park cũng cho rằng, nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm lượng tiêu thụ, đặc biệt là từ nhóm thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không phải rượu, bia hoàn toàn có hại, mà chỉ khi lạm dụng mới có hại. Ngoài ra, việc dự thảo luật có quy định không được bán rượu, bia trên mạng Internet và máy bán hàng tự động là không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Rõ ràng, việc xây dựng và ban hành những quy định nhằm hạn chế những tác hại của rượu bia, những mối nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển đất nước, mà vẫn dung hòa được quyền lợi tiêu dùng chính đáng của người dân và sự phát triển ổn định của ngành sản xuất thức uống có cồn, là một thách thức lớn đối với các ngành chức năng. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan xây dựng luật cần đánh giá kỹ tác động của các chính sách trong dự án luật. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 sắp tới đây.

Bên cạnh đó, theo lời khuyến nghị của WHO, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần quan tâm và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa tác hại do rượu, bia vì điều này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội. Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, cứ mỗi 1 đô la Mỹ chi ra để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 đô la Mỹ.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới