Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dừng IPO mảng điện toán đám mây, Alibaba ‘bốc hơi’ 22 tỉ đô la vốn hóa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn Alibaba khiến nhà đầu tư choáng váng khi tuyên bố sẽ tạm dừng kế hoạch niêm yết đơn vị điện toán đám mây do bị cản trở bởi các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ. Tin tức này làm lung lay niềm tin vào người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, khiến vốn hóa của công ty này bị thổi bay hơn 22 tỉ đô la Mỹ.

Gian hàng triển lãm của mảng dịch vụ điện toán đám mây Alibaba Cloud tại Tuần lễ FinTech Hồng Kông diễn ra hồi đầu tháng 11. Ảnh: Bloomberg

Trong phiên giao dịch hôm 17-11, cổ phiếu của Alibaba ở Hồng Kông có lúc giảm sâu hơn 10%, khiến vốn hóa sụt giảm hơn 22 tỉ đô la. Cổ phiếu của Alibaba bị bán tháo sau khi ban lãnh đạo công ty thông báo dừng kế hoạch tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với mảng dịch vụ  điện toán đám mây Cloud Intelligence Group (CIG). Ngoài ra, hai công ty quản lý tài sản của Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, cũng tiết lộ kế hoạch bán gần 900 triệu trị giá cổ phiếu Alibaba. Jack Ma hiện là tỉ phú giàu thứ sáu Trung Quốc với giá trị tài sản ròng khoảng 25,1 tỉ đô la, theo ước tính của Forbes.

Kế hoạch IPO bị trì hoãn là bước thụt lùi so với chiến lược được công bố vào tháng 5, khi CIG cho biết sẽ tách khỏi công ty mẹ trong vòng 12 tháng tới và cuối cùng sẽ niêm yết độc lập. Alibaba đổ lỗi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ đã buộc công ty phải dừng kế hoạch IPO cho CIG. Alibaba giải thích, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mở rộng các hạn chế bán chip cao cấp sang Trung Quốc đã gây bất ổn cho đơn vị điện toán đám mây, vốn cần nhiều chip trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu.

Trong cuộc họp báo với các nhà phân tích hôm 16-11, ban lãnh đạo Alibaba khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào bộ phận đám mây.

Chủ tịch Joseph Tsai và CEO Eddie Wu của Alibaba cho biết tập đoàn cần “cài đặt lại” chiến lược. Wu giải thích, các hạn chế ngày càng tăng của Mỹ đối với việc bán chip sang Trung Quốc đã buộc Alibaba phải suy nghĩ lại về kế hoạch chia nhỏ đế chế kinh doanh thành sáu công ty được điều hành độc lập, được công bố hồi đầu năm.

Giới phân tích cho rằng CIG đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách hơn là các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Dù vẫn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất ở Trung Quốc đại lục xét về thị phần, nhưng tốc độ tăng trưởng của CIG đã chậm lại về mức một con số.

Nỗ lực khôi phục quỹ đạo tăng trưởng doanh thu hai con số là một thách thức đối với CIG do sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Huawei và Tencent, cũng như chi tiêu của các công ty cho dịch vụ công nghệ thông tin đang chậm lại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu.

“Đơn vị điện toán đám mây của Alibaba đang ở tình thế khó khăn. Tăng trưởng đã chậm lại xuống mức một con số và hiện tại đơn vị này không thể nhận được nhiều sự thúc đẩy từ trí tuệ nhân tạo”,  Ke Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của DZT Research, có trụ sở tại Singapore, bình luận.

Để phục hồi hoạt động kinh doanh, các lãnh đạo của Alibaba cho biết họ đang ưu tiên các dịch vụ đám mây công cộng, dễ mở rộng quy mô hơn so với các dự án độc lập mà CIG đang theo đuổi. Theo Wang Xiaoyan, nhà phân tích của Công ty nghiên cứu 86Research, những dự án đó có thể liên quan đến việc xây dựng các dịch vụ đám mây cụ thể cho khách hàng, chẳng hạn như các chính quyền địa phương và thường mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều. Xiaoyan tin rằng chiến lược tập trung vào dịch vụ đám mây công cộng của CIG là một bước đi đúng hướng.

Kenny Ng, nhà chiến lược của Everbright, cho rằng, nhà đầu tư có thể sẽ đợi ít nhất vài quí nữa để đánh giá lại triển vọng của CIG. Trong quí 2, mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,8 tỉ đô la, trong khi doanh thu của toàn tập đoàn tăng 9%, lên 30,8 tỉ đô la.

Giờ đây, thời điểm và địa điểm niêm yết của CIG trong tương lai vẫn còn bỏ ngỏ. Shen Meng, giám đốc cấp cao của ngân hàng đầu tư Chanson & Co., nhận định các quy định bảo vệ dữ liệu chặt chẽ của Trung Quốc có thể ngăn cản CIG theo đuổi kế hoạch niêm yết ở Hồng Kông. Hồi tháng 9, Bloomberg đưa tin rằng CIG có thể được định giá 55 tỉ đô la nếu IPO ở Hồng Kông.

Alibaba cũng xác nhận kế hoạch IPO chuỗi siêu thị thực phẩm Freshippo đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, quyết định này ít nhiều đã được dự báo trước do chi tiêu tiêu dùng mờ nhạt ở Trung Quốc, đồng nghĩa với mức định giá của Freshippo khó có thể đáp ứng được kỳ vọng.

Để xoa dịu các nhà đầu tư đang thất vọng vì không được hưởng lợi từ việc niêm yết nhiều đơn vị nhỏ hơn, Alibaba công bố khoản chi trả cổ tức hàng năm lần đầu tiên, tổng cộng khoảng 2,5 tỉ đô la.

Ban lãnh đạo Alibaba giờ đây đối mặt với thách thức hồi sinh mảng điện toán đám mây cũng như hoạt động kinh doanh tổng thể của toàn bộ công ty. Alibaba từng là công ty giá trị nhất châu Á, đạt mức định giá khoảng 830 tỉ đô la vào thời điểm đỉnh cao hồi tháng 10-2020. Tuy nhiên, vốn hóa hiện tại của Alibaba chỉ còn chưa đến 25% con số đó khi người khổng lồ thương mại điện tử này trở thành mục tiêu trong chiến dịch chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh và khi nền kinh tế Trung Quốc trì trệ.

Alibaba đang đặt cược lớn vào AI. Tập đoàn đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn, Tongyi Qianwen, và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI đang phát triển mạnh mẽ như Zhipu AI và Baichuan. Tháng trước, Chủ tịch Alibaba Joseph Tsai tiết lộ, đơn vị đám mây của tập đoàn hiện đang cung cấp dịch vụ cho một nửa số công ty AI tạo sinh của Trung Quốc và phục vụ khoảng 80% công ty công nghệ của đất nước.

Nhưng không rõ các hạn chế công nghệ chip của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực đó như thế nào. Đơn vị đám mây là trọng tâm trong các sáng kiến AI của Alibaba và cần sử dụng các loại chip mạnh mẽ mà Nvidia (Mỹ) cung cấp. Nhưng hiện tại, Mỹ đã cấm Nvidia bán hầu hết các sản phẩm chip cao cấp sang Trung Quốc.

Theo Forbes, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới