Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đừng tạo khoảng cách số

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo hiểm y tế không phải là việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào ứng dụng VNeID. Chuyển đổi số thông suốt là bắt đầu từ khi người dân xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, nhân viên bệnh viện chỉ cần gõ số thẻ vào máy là hệ thống sẽ hiển thị mọi thông tin cần thiết. Sau đó mọi chi phí cho người bệnh do bệnh viện nhập vào sẽ được tự động tính toán, phần nào do bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, phần nào do người bệnh tự chi trả… Đó là chỉ nói ở các khâu liên quan đến người dân; còn sau đó giữa bệnh viện và bảo hiểm y tế còn biết bao khâu được tự động hóa nữa.

Nếu có dịp quan sát ở các quầy tiếp nhận bệnh ở các bệnh viện, hầu như sẽ không thấy có ai mở điện thoại di động ra bấm chạy ứng dụng VNeID, gõ mật mã, vào mục ví giấy tờ, chọn thẻ bảo hiểm y tế, gõ passcode để đưa cho nhân viên hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế tích hợp trong VNeID. Người ta lấy chiếc thẻ vật lý ra trao sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần.

Tương tự như vậy, với các loại giấy tờ tùy thân như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, chuyển đổi số là làm cho cảnh sát giao thông khi cần có thể nhanh chóng biết xe đã chính chủ chưa, trước đó có vi phạm giao thông nào không, người lái xe có bị tước bằng lái lần nào chưa… Chuyện tích hợp vào ứng dụng VNeID có lẽ chưa cần thiết bằng, nhất là khi vẫn có rất nhiều trường hợp không tích hợp được vì dữ liệu không thông suốt. Ngay cả việc đơn giản nhất là dùng VNeID thay cho thẻ căn cước công dân khi đi máy bay, tại sân bay Tân Sơn Nhất qua hai tháng thí điểm, chỉ có 0,21% người sử dụng VNeID.

Nói như thế không có nghĩa không khuyến khích số hóa mọi loại giấy tờ tùy thân - đây là việc nên làm, nhưng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, cái nào làm trước cái nào làm sau, nhất là khi so sánh giữa lợi ích và chi phí, kể cả chi phí nhân lực và chi phí cơ hội. Vấn đề là, song song với chuyển đổi số, cần chọn các khâu thiết thực đến đời sống của người dân và đặc biệt cần duy trì các hình thức “phi kỹ thuật số”, vì luôn luôn sẽ còn những người dân không đủ điều kiện, những người không thể tiếp cận công nghệ.

Lấy ví dụ người dân khi đăng ký thường trú, tạm trú thì cơ quan công an hướng dẫn phải thực hiện trực tuyến, rất nhiều trường hợp bị trục trặc, đi lại nhiều lần, chờ đợi nhiều ngày vẫn không thực hiện được. Việc xin xác nhận cư trú trực tuyến cũng nhiêu khê với nhiều người. Đây là chuyện khó tránh khỏi, vì theo thông tin của Công an TPHCM, tính đến hết ngày 9-8-2023, trong số hơn 4 triệu tài khoản định danh điện tử thu nhận được thì người dân mới kích hoạt, sử dụng thành công hơn 1,9 triệu tài khoản. Trong khi chưa hoàn chỉnh hệ thống hay ứng dụng, dữ liệu thô chưa được làm sạch hoàn toàn, cần duy trì cách làm truyền thống để giải quyết các khâu giấy tờ thông dụng cho người dân.

Thiết nghĩ, thay vì tích hợp ngày càng nhiều tính năng chưa cần thiết, trùng lắp với các ứng dụng khác như xác thực, mở tài khoản ngân hàng, cho vay trực tuyến, ví điện tử, làm nền tảng thanh toán, VNeID nên làm tốt chức năng chủ chốt là cung cấp thông tin cư trú như một dạng sổ hộ khẩu điện tử. Các chức năng khác, nếu tích hợp, nên là các chức năng do ngành công an quản lý như đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, điều các nhà chuyên môn thường khuyến cáo là không nên tạo ra khoảng cách số với những người không có điều kiện, dù là do tài chính, tuổi tác hay mức độ tiếp cận cái mới. Đây là một khuyến cáo rất đáng lưu tâm với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi phải chở chị tôi lên công an phường để làm thủ tục tạm trú vì chị tôi không có điện thoại thông minh. Nhờ anh công an khu vực thì anh báo có công việc bận, sau này khi tôi làm thủ tục trên App mới hiểu lý do tại sao. Tôi mở tài khoản định danh trên điện thoại của tôi ra để làm thủ tục cho chị tôi, dù có một cô công an hướng dẫn rất tận tình, nhưng phải mất trọn một buổi sáng mới làm xong thủ tục tạm trú cho chị tôi vì trên App báo lỗi liên tục. Mất một buổi sáng làm trên App cho một thủ tục trước đây làm trên giấy chỉ mất vài phút. Và một người chị khác của tôi lên công an phường xin giấy xác nhận tạm trú để bổ sung hồ sơ, hơn một tháng sau, anh công an mới đem giấy xác nhận định danh cho chị tôi, trước đây chỉ chờ lấy giấy khoảng nửa tiếng mà thôi.

  2. Số hóa là liền mạch và toàn vẹn. Bởi vậy không có khoảng cách số. Chỉ có khoảng cách trong tư duy ứng dụng số. Nói khác đi, cách làm hiện nay là chưa bài bản, chưa đến nơi đến chốn, chưa hệ thống hóa, chưa đặt người dùng vào trung tâm của chiến lược chuyển đổi số. Dữ liệu số hóa vẫn là quan trọng nhất. Không thể ứng xử với dữ liệu theo kiểu tư duy “một nửa ổ bánh mì là một ổ bánh mì”. Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử thì tôi đã tiêm 3 mũi Covid. Nhưng khi sang VneID thì chỉ còn có 2 mũi ? Nếu cứ như vậy sẽ dẫn đến mọi quá trình xử lý và ứng dụng dữ liệu vào đời sống kinh tế xã hội sẽ không bao giờ thành công trọn vẹn.

  3. Vai trò chủ đạo của nhà nước trong chiến lược chuyển đổi số là kiến tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ khởi nghiệp, người đặt hàng ứng dụng sản phẩm. Đặc biệt, Nhà nước, các bộ ngành, không ôm đồm việc triển khai từ A-Z các ứng dụng chuyển đổi số, vừa kém hiệu quả, vừa không tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, không tạo ra động lực mạnh mẽ, đồng bộ cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính hiện rất nhiêu khê, rối rắm. Phân vai lại cho đúng, cái gì nhà nước quản, cái gì thị trường làm tốt hãy để thị trường làm… Đó là công việc quan trọng nhất hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới