(KTSG Online) – Nhìn loạt hình ảnh trong tin “Lũ cát ập xuống khu du lịch ở Mũi Né, vùi lấp ô tô” trên báo điện tử Vnexpress(*), rồi sau đó là phóng sự ảnh của của báo này với nhiều hình ảnh chi tiết hơn, cho tôi mường tượng tới những lâu đài, dù thực tế không có lâu đài, đang xây trên đồi cát có thể dịch chuyển bất kỳ lúc nào trước mưa lũ.
Quang cảnh phía trên đồi cát sụt lở tạo “lũ cát” màu đỏ gạch chính là đồi trọc, không thấy cây cối gì nhiều, lại có các con đường trục cho thấy đã được san ủi và làm đường nội bộ. Một trận mưa lớn biến thành dòng nước lũ nhỏ gây xói lở đồi cát, nước theo đường trục tạo thành dòng, xói lở dần và khi chảy đến chân đồi, do bị xây bao bọc nên nước sẽ tạo dòng chảy lớn, ào ạt hơn và rửa trôi cát ở bất cứ chỗ nào nước thoát ra. Càng rửa trôi, càng tạo thành dòng lớn, phá huỷ mạnh mẽ trên đường đi của nó và tạo thành lũ cát nhỏ, đủ để ngập cát trên đường, nhà dân và các điểm du lịch ven đường lộ bên dưới chân đồi.
Rất may mắn cơn lũ cát màu đỏ không không gây thiệt hại về người, chỉ vùi lấp ô tô, xe máy, gây tắc nghẽn tuyến đường du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (Phan Thiết) sáng 21-5.
Có lẽ nhiều bạn đọc không quên vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc làm chết 4 người vào cuối tháng 7 năm ngoái. Mặc dù nhiều chuyên gia nêu những giả thiết khác nhau về nguyên nhân nhưng tôi còn nhớ lúc đó PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ (nguyên giảng viên bộ môn địa kỹ thuật, khoa địa chất và dầu khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM) đưa ra nhận định rất đáng quan tâm. Đó là tại vị trí sạt lở đã trồng sầu riêng, tức lớp che phủ của rừng bên trên đã bị mất. Đã gọi là vườn thì cỏ cũng thưa, cây ít nên mưa xuống thì ngấm thẳng vào đất chứ không được phân tán. Nước mưa nhiều ngấm vào đất làm trọng lượng tăng lên thì lớp phủ sẽ có xu hướng trượt xuống vùng thấp là thung lũng bên cạnh.
Các đồi cát dọc dài ven biển miền Trung sở dĩ hình thành chính là nhờ sóng biển, cát bay hàng bao nhiêu năm qua và sau đó được cố định thành đồi nhờ các rừng phi lao, rừng cây ven biển, thậm chí kể cả những bụi rau muống biển xinh đẹp bò sát mặt cát cũng góp phần cố định đồi cát, không cho sạt lở hay cát bay. Hình ảnh trong bài báo sáng nay nói trên, nhìn đồi cát màu đỏ được “nạo” sạch cây cối thì nghĩ rằng mưa lớn vài giờ sẽ tạo thành dòng nước xói lở là đương nhiên.
Quan trọng nhất trong phòng chống sạt lở núi đồi, lũ quét, lũ cát là phải tôn trọng thiên nhiên, nương theo thiên nhiên. Thế nhưng, rất tiếc nhiều dự án du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển miền Trung vốn dựa vào địa thế các đồi cát lại hay làm theo cách dễ dàng nhất là “cạo trọc”, sau đó xây dựng và cố mang “thiên nhiên” cây cối nơi khác tới trồng cho ra vẻ sinh thái môi trường.
Các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà tôi đã xem thì thường làm cho có và hơi na ná nhau, cho tôi cảm giác họ sao chép.
Nhưng, đặc điểm chung của các báo cáo đánh giá tác động môi trường là thường nói tới xây dựng, tốn kém sắt thép, xi măng, gỗ, tạo khói thải, rác, xà bần…, mà hiếm có dự án khu nghỉ dưỡng nào nói tới tác động đến cộng đồng xung quanh, hoặc nếu có nói thì nói chung chung.
Trở lại với trường hợp ở Phan Thiết nói trên, nhìn hình ảnh đã đăng báo, lo rằng nếu mưa liên tục 2-3 tiếng với lưu lượng lớn thì còn tiếp tục có “lũ cát”.
(*)https://vnexpress.net/lu-cat-ap-xuong-khu-du-lich-o-mui-ne-vui-lap-oto-4748536.html
Lâu đài trên cát, vẫn có trên cuộc đời, với nhiều cách khác nhau. Với trẻ con, đó là món quà vô cùng thú vị. Nhất là khi các em bé vui đùa với cát trên bờ biển, tạo hình cát theo sở thích của chính mình. Một niềm vui thực sự, cho dù ngắn ngủi, nhất là khi sóng bỗng ập vào, đánh tan cát vào lòng biển. Với người lớn thì lại khác. Lâu đài trên cát của họ thường tồn tại dưới hình thức hoàn toàn khác. Là biểu tượng cho sự giàu sang và tráng lệ, cứ tưởng có thể tồn tại mãi với thời gian ? Tuy nhiên, lâu đài thì có, nhưng lâu dài hay không, thì vẫn không chắc chút nào? Vậy nên, ngôi nhà hay lâu đài đều giống nhau, tất cả đều phải xuất phát từ một nền móng vô cùng vững chãi.