Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đuối sức, bỏ dở mục tiêu và rời khỏi thị trường

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường xuất khẩu và trong nước ế ẩm kéo dài, khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục cầm cự, phải cho đóng cửa, hoặc tạm rời thương trường chờ tín hiệu hồi phục.

Đã có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng qua, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận con số cao kỷ lục các doanh nghiệp tạm dừng lại các mục tiêu kinh doanh, thoái lui khỏi trường.

Đáng chú ý, hơn 55.000 doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh và có đến gần 25.500 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, thứ tự tăng tăng 20,3% và tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái...

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu đang trải qua thời gian khó khăn về thị trường sụt giảm mạnh kéo dài. Ảnh minh họa: Gỗ Việt.

Những cuộc rời đi đầy lặng lẽ...

Ngành chế biến gỗ vốn có thế mạnh ở tỉnh Bình Định, nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động ngành này đang rơi vào tình trạng cắt giảm, sa thải lượng lớn lao động hoặc đóng cửa xưởng sản xuất, tạm rời thị trường.

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, cho biết trên địa bàn tỉnh có hơn 80 doanh nghiệp hoạt động ngành này xuất khẩu, nhưng khoảng một nửa lượng doanh nghiệp phải đóng cửa vì sụt giảm đơn hàng kéo dài và không còn đơn hàng sản xuất.

Theo ông Thiện, tình trạng sụt giảm, thậm chí mất hẳn đơn hàng ở các thị trường chính như Mỹ, EU, Anh... là vấn đề khó khăn ngành gỗ địa phương đang đối mặt, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người lao động.

Hiện hơn 40 doanh nghiệp chế biến gỗ duy trì hoạt động nhưng theo ông Thiện, phần lớn  chỉ sản xuất cầm chừng với lượng đơn hàng giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí một số doanh nghiệp chỉ sản xuất khoảng 20% so với năng lực.

Không riêng doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Định mà các địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến đồ gỗ khác như Bình Dương, TPHCM,... cũng gặp nhiều khó khăn khi bị sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu. Dù đã nỗ lực duy trì hoạt động nhưng không ít doanh nghiệp hiện nay cho biết đã đuối sức, lâm vào tình trạng buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất ở quy mô lớn.

Trên thực tế việc đóng cửa nhà máy hoặc cắt giảm nhiều lao động không chỉ xảy ra với doanh nghiệp đồ gỗ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh trong những tháng qua và đang có chiều hướng đuối sức khi đơn hàng không còn hoặc bị sụt giảm nhiều.

Đáng chú ý là doanh nghiệp da giày bị sụt giảm mạnh đơn hàng từ giữa năm ngoái đến nay, nhiều nhà máy phải ngừng dây chuyền sản xuất, đóng cửa.

Trao đổi với KTSG Online gần đây, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cũng cho rằng tình hình doanh nghiệp ngành da giày trong nhiều tháng qua thiếu đơn hàng trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng “lên bờ xuống ruộng” vì không có đơn hàng xuất khẩu.

Cũng theo ông Khánh, hiện nay đơn hàng xuất khẩu giảm tới 60-70% và tình hình thị trường nội địa cũng không ngoại lệ. "Nhiều năm trước, ở giai đoạn này doanh nghiệp sẽ có đơn hàng đến tháng 7, tháng 9 nhưng tại thời điểm này hầu như không có. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nơi đã ầm thầm đóng cửa, không công bố", ông Khánh chia sẻ thêm.

Nhiều doanh nghiệp ngành da giày trước đây dự đoán đến hết quí 2 này, tình hình đơn hàng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, tình hình đến nay cho thấy dự báo này khó có thể trở thành hiện thực khi mà mới đây ngay cả những "đại gia" ngành da giày tiếp tục áp dụng biện pháp sa thải đến hàng ngàn lao động hoặc rút đi.

Do đó theo ông Khánh tình hình không thể đoán định đơn hàng lúc này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngành da giày đang khó khăn hơn bao giờ hết. "Chúng tôi khuyến khích chủ doanh nghiệp đi nhiều hơn, tham gia các hội chợ để tìm đơn hàng, tìm đối tác, chuyển hướng sang châu Á, thậm chí cả châu Phi...”, ông Khánh nói.

... và "thoi thóp" vì đơn hàng tiếp tục sụt giảm

Nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cũng bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Tình hình khó khăn này cũng đang xảy ra tương tự với doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, điện tử, thủy sản, ...

Liên quan đến ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEK), cho rằng khó khăn tiếp tục kéo dài khi mà các doanh nghiệp của hội ghi nhận hiện tại chưa có tín hiệu nào để cho thấy niềm hy vọng đơn hàng có thể quay trở lại sớm.

Nỗi khó khăn sụt giảm mạnh và thiếu đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp kéo dài gần một năm qua đã dẫn đến 10-20% lượng doanh nghiệp hội viên buộc phải đóng cửa rời thị trường. Cũng theo chia sẻ của ông Chủ tịch AGTEK, hiện lượng đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp còn trụ lại chỉ ở mức 60-70%.

"Tình hình là doanh nghiệp rất khó khăn khi thiếu đơn hàng và lượng doanh nghiệp có thể rời thị trường còn cao hơn. Tuy nhiên vì mấu chốt là giữ chân công nhân, tạo việc làm cho người lao động,... nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn gồng mình cao nhất cố gắng duy trì sản xuất khi còn có thể", ông Hồng chia sẻ.

Báo cáo mới nhất của S&P Global cũng cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5 vừa qua khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4, từ đó báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh.

Có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng nhu cầu khách hàng yếu kém trong kỳ khảo sát mới nhất. Ảnh hưởng của điều này có thể cảm nhận rõ ràng nhất với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này đã giảm nhanh thành mức giảm lớn nhất trong vòng 20 tháng nay. Những khó khăn trong việc duy trì doanh thu cũng được ghi nhận ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty cũng giảm sản lượng vào thời điểm giữa quí 2 của năm. Sản lượng đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và tốc độ giảm là đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 1. Sản lượng đã giảm ở cả ba lĩnh vực sản xuất, với mức giảm mạnh nhất là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian.

Báo cáo của S&P Global nhìn nhận, sự yếu kém của nhu cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trở thành mức yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Theo nhận định của S&P Global, bất kỳ sự lạc quan nào còn lại thường là dựa vào hy vọng rằng quá trình hồi phục của ngành sản xuất sẽ diễn ra trong những tháng tới. Một số công ty giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm. Điều này, cộng với một số trường hợp nghỉ việc tự nguyện, đã khiến việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5, mặc dù mức độ giảm là nhẹ hơn so với kỳ khảo sát trước.

Việc doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng sản xuất ảnh hưởng đến thu nhập và việc làm của nhiều người lao động. Ảnh minh họa: TL

Bình luận về PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 cho thấy sự lo ngại ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các công ty đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giảm những áp lực còn lại với chuỗi cung ứng, nhờ đó thời gian giao hàng đã rút ngắn và chi phí đầu vào giảm...

Đánh giá về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng qua, Bộ Công Thương mới đây cũng nhận định, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 cả nước sang các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau.

Trong số 7.333/9.556 doanh nghiệp còn hoạt động, cơ quan nghiên cứu cho biết có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.

Tính theo địa phương, TPHCM có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Bên cạnh đó, có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

"Có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp", báo cáo của Ban IV nhận định.

Những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là về đơn hàng (59%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31%).

Kết quả khảo sát trên tương đối trùng với dự báo của Bộ LĐTBXH trong báo cáo gửi Chính phủ hồi giữa tháng 5 về việc cắt giảm, cơ cấu lại lực lượng lao động thời gian tới nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện. Việc cắt giảm lao động có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023 thay vì đến hết tháng 6 như nhiều dự báo trước đó.

Tình trạng cắt giảm lao động được công đoàn phản ánh từ giữa năm 2022, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao. Tình trạng cắt giảm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Trước thực trạng trên của doanh nghiệp, doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Trong đó, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh lãi kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng...

Doanh nghiệp cũng kiến nghị nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới