Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường ai nấy đi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường ai nấy đi

Công nhân Công ty Ssangyong đình công phản đối nhà đầu tư Trung Quốc.

(TBKTSG) – Năm 2004 khi tập đoàn công nghiệp xe hơi Thượng Hải quyết định mở rộng hoạt động ra nước ngoài, họ bỏ ra 510 triệu đô la Mỹ mua 48,9%, sau tăng lên 51,33% số cổ phần của Công ty xe hơi Ssangyong của Hàn Quốc. Vào lúc ấy Ssangyong là công ty chuyên sản xuất xe đa dụng (SUV) và xe du lịch hạng sang có tên tuổi.

Theo ông Hu Maoyuan, Chủ tịch tập đoàn xe hơi Thượng Hải, vụ mua bán này cho phép tập đoàn Thượng Hải “vươn ra thị trường toàn cầu” và hy vọng các nhà nghiên cứu của Ssangyong sẽ giúp Thượng Hải phát triển những thương hiệu xe độc lập thay vì chỉ “gia công” cho các tập đoàn xe hơi phương Tây.

Nhưng chỉ sau năm năm, cuộc “hôn nhân” giữa Ssangyong và Thượng Hải tan vỡ trong cay đắng, trong những cuộc điều tra hình sự và hai bên tố cáo nhau bằng những lời lẽ nặng nề.

Trước đó, vào năm 2003 Công ty Điện tử Hydis – một doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc – cũng đồng ý sáp nhập vào tập đoàn Điện tử BOE của Trung Quốc với mức giá 380 triệu đô la. Hydis là một tên tuổi quốc tế trong lĩnh vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng cho điện thoại di động và máy tính xách tay.

Nhưng chỉ sau ba năm, khi BOE xây dựng được một nhà máy riêng tại Bắc Kinh, sử dụng công nghệ chuyển giao từ Công ty Hydis thì Hydis bị bỏ bê, kinh doanh đình đốn, công nhân bị sa thải, buộc công ty phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2006.

“BOE đã thủ đắc được công nghệ mà họ muốn. Phần của chúng tôi là mất việc,” ông Hwang Pil-sang, một nhân viên cũ của Hydis, nhận xét.

* * *

Trước đây làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn công nghiệp quốc doanh Trung Quốc diễn ra vào lúc kinh tế Hàn Quốc gặp khó khăn do hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã mua được các nhà máy, ngân hàng của Hàn Quốc với giá rẻ. Sau này, khi phần lợi nhuận của mình bị thu hẹp, xung đột quyền lợi xảy ra, công nhân Hàn Quốc gọi các nhà đầu tư này là “meoktwi” – một từ lóng, có nghĩa là “những kẻ cắp, chỉ biết ăn rồi bỏ đi”.

Các công ty Ssangyong và Hydis rơi vào trường hợp như vậy. Chấp nhận bán cổ phần cho tập đoàn xe hơi Thượng Hải, Công ty Ssangyong hy vọng sẽ thu hút được vốn để phát triển các mẫu xe mới và đẩy mạnh việc bán xe vào thị trường Trung Quốc bị nhà nước kiểm soát chặt.

Nhưng hy vọng thâm nhập thị trường Trung Quốc của Ssangyong nhanh chóng tan biến khi công ty phải đối mặt với thuế suất nhập nhẩu cao; kế hoạch xây dựng một nhà máy liên doanh ở Trung Quốc cũng thất bại trước những thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Hai bên cũng xung đột chung quanh những vấn đề tài chính.

Công đoàn với 5.200 đoàn viên của Công ty Ssangyong đòi phải tăng đầu tư, song phía tập đoàn xe hơi Thượng Hải nói rằng, họ chỉ tái đầu tư phần lợi nhuận thu được từ Ssangyong mà không bỏ thêm vốn. Vì thế khi lợi nhuận của Ssangyong sa sút thì tiền đầu tư cũng giảm theo, buộc các nhà quản lý người Trung Quốc phải thực hiện việc sa thải hàng loạt công nhân Hàn Quốc từ năm 2006.

Căng thẳng giữa các cán bộ quản lý người Trung Quốc với công nhân người Hàn Quốc ngày càng tăng; dẫn tới vụ công nhân biểu tình và phong tỏa nhà máy suốt hai tháng trời vào năm 2006. Tháng 12 năm ngoái, đoàn viên công đoàn ở Ssangyong đã chặn chiếc xe chở các viên chức quản trị của công ty ở ngoại ô Seoul và bắt giữ những người này suốt bảy tiếng đồng hồ, cáo buộc họ tìm cách bỏ trốn với những bí mật công nghệ đánh cắp được.

Những lời cáo buộc của công nhân rằng giới quản lý Trung Quốc đánh cắp bí quyết công nghệ của công ty Ssangyong buộc cơ quan điều tra phải ra tay, một lần vào năm 2006 và một lần nữa vào cuối năm ngoái. Tháng 7-2008, các công tố viên Hàn Quốc đã lục soát trung tâm nghiên cứu của Ssangyong, tìm bằng chứng của hành vi rò rỉ công nghệ trái phép. Sự việc chỉ tạm lắng khi Công ty Ssangyong nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 1-2009.

“Người Trung Quốc hứa với chúng tôi những lời đường mật rồi phản bội chúng tôi”, ông Lee Chang-kun, thành viên công đoàn của Công ty Ssangyong, cay đắng nói.

Về phía mình, tập đoàn xe hơi Thượng Hải cho rằng việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ giữa tập đoàn với các công ty con là điều bình thường; tập đoàn đã chia sẻ những bí quyết công nghệ của mình với Ssangyong và đã thanh toán sòng phẳng cho những công nghệ của Hàn Quốc mà tập đoàn đưa về sử dụng ở Trung Quốc. Theo phía Thượng Hải, những rắc rối trong quan hệ với Ssangyong bắt nguồn từ thành kiến sâu nặng của dân Hàn Quốc đối với người Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Seoul luôn cam kết mở cửa nền kinh tế nhưng theo tập đoàn xe hơi Thượng Hải, Hàn Quốc đầy rẫy những khó khăn chờ đón nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi hy vọng mọi tầng lớp dân chúng Hàn Quốc sẽ có thái độ khách quan và công bằng, từ bỏ những thành kiến đối với nhà đầu tư nước ngoài”, tập đoàn xe hơi Thượng Hải viết như vậy trong bài trả lời phỏng vấn báo New York Times.

* * *

Dù sao, thất bại của liên doanh xe hơi Ssangyong – Thượng Hải cũng là một thiệt thòi cho Trung Quốc. Tập đoàn xe hơi Thượng Hải là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc nhờ liên doanh với các tập đoàn General Motors (Mỹ) và Volkswagen (châu Âu), cũng là một trong những tập đoàn quốc doanh hàng đầu được tài trợ từ quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc để đầu tư ra nước ngoài. Thất bại lần này đã gióng hồi chuông cảnh báo cho các công ty phương Tây đã và đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với những doanh nghiệp lắm tiền của Trung Quốc.

Trong hơn một thập niên qua, Hàn Quốc luôn coi Trung Quốc là một đối tác kinh tế và chính trị, một phần để thoát ra khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào thị trường Mỹ, một phần để chống đỡ áp lực của kinh tế và công nghệ Nhật Bản. Từ khi hai nước Trung-Hàn khôi phục quan hệ bình thường vào năm 1992, Trung Quốc đã dần dần thay thế Mỹ ở vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc.

Tuy vậy, vài tháng gần đây, tin tức về những vụ tan vỡ như liên doanh Ssangyong-Thượng Hải, Hydis-BOE được báo chí Hàn Quốc đưa lên trang nhất và thảo luận sôi nổi cùng với những phóng sự về các viên chức cao cấp của các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc – như xe hơi Hyundai và Kia, điện tử LG, đóng tàu Daewoo và thép Posco – bị cáo buộc hoạt động gián điệp công nghệ, đánh cắp hoặc mưu toan đánh cắp các công nghệ nhạy cảm để chuyển cho các công ty Trung Quốc, đã làm gia tăng sự cảnh giác trong xã hội Hàn Quốc đối với đầu tư của Trung Quốc. Không may là những chuyện này diễn ra đúng vào lúc Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch mới nhằm thôn tính các tập đoàn năng lượng và công nghệ nước ngoài đang cạn tiền vì khủng hoảng kinh tế.

Ông Yang Hyeong-geun, công nhân đã làm việc 20 năm trong dây chuyền lắp ráp xe Ssangyong, cho biết trước đây ông và đồng sự rất hào hứng chào đón tập đoàn xe hơi Thượng Hải vì đối tác Trung Quốc hứa bảo đảm công ăn việc làm, thâm nhập thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầu tư tăng gấp đôi công suất của nhà máy, lên 400.000 chiếc xe/năm. Nhưng giờ đây, “họ không hề giữ lời hứa mà chỉ nhằm tìm được cái họ muốn: công nghệ của chúng tôi”, ông Yang than thở.

THÁI BÌNH (theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới