(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường có thời gian sử dụng 40 năm với tỷ lệ hao mòn là 2,5% năm.
- Năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc
- Bắt đầu xu hướng thanh toán tích hợp các dịch vụ trong giao thông đường bộ
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2024/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo thông tư này, danh mục tài sản, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản kết cấu hạn tầng giao thông đường bộ được tính theo quy định. Cụ thể, đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường; cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ có thời gian sử dụng 40 năm, tỷ lệ hao mòn 2,5% năm.
Kết cấu hạ tầng bến phà đường bộ, cầu phao có thời gian sử dụng 20 năm với tỷ lệ hao mòn 5% năm. Bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ có thời gian sử dụng 25 năm, tỷ lệ hao mòn 4% năm...
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được tính theo công thức:
Mức hao mòn hàng năm của tài sản = Nguyên giá của tài sản x Tỷ lệ hao mòn (%năm)
Thông tư này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15-12.