(KTSG Online) - Những chuyển động trong lĩnh vực sản xuất gần đây cho thấy có tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, khi đơn hàng xuất khẩu rục rịch trở lại. Tuy nhiên, chuỗi ngày dài khó khăn vẫn còn ở phía trước khi cầu thị trường vẫn còn yếu và dự báo đến giữa hoặc cuối năm 2024 mới có thể trở lại trạng thái như trước đây.
- Thị trường xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng
- Dấu hiệu sản xuất phục hồi nhẹ với chỉ số thu mua vượt trên mức cân bằng
Khó khăn còn dài và tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, theo các chuyên gia, doanh nghiệp không thể đứng chờ thị trường sáng ấm lên, tổng cầu tăng trở lại để khôi phục sản xuất kinh doanh mà cần có cái nhìn về một chiến lược phát triển bền vững, có sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học để tính bước tiến trong tương lai.
Tìm thị trường mới, "chắt chiu" từng đơn hàng cũ
Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới đang có dấu hiệu tăng nhẹ so với hơn nửa đầu năm nay. Có được đơn hàng sản xuất, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm khai thác thị trường mới và chắt chiu từng đơn hàng với khách hàng truyền thống.
Công ty TNHH Gia Nhiên chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuyền buồm xuất khẩu gần đây nhận được sự tìm kiếm thông tin của nhiều khách hàng mới. Đáng chú ý, công ty sắp có đơn hàng sản xuất từ hai khách hàng mới ở Hà Lan và Ba Lan.
"Đây được xem là một tín hiệu tích cực về thị trường sau chuỗi ngày dài không có đơn hàng sản xuất mới nào", ông Trần Hữu Hoài, Giám đốc Công ty Gia Nhiên chia sẻ, và cho biết "Kết quả này là do doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí cao để quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử và công ty "năng" tham gia các hội chợ quốc tế,..."
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), cho biết các đơn hàng xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu hồi phục. Đơn hàng đã bắt đầu trở lại, có những doanh nghiệp đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy. Và xu hướng này đang tăng lên dần.
Tương tự, theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Nguyễn Quốc Khanh, các đơn hàng bắt đầu trở lại. Các doanh nghiệp đã đón những đơn hàng để phục vụ cho mùa mua sắm nội ngoại thất cuối năm của thị trường thế giới. "Tuy lượng đơn hàng chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng đây là những tín hiệu khả quan để ngành đỗ gỗ có thể hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu", ông Khanh nhận định.
Tương tự, với ngành dệt may, theo các doanh nghiệp đơn hàng đã rục rịch trở lại. Đơn cử Công ty may mặc Dony gần đây xuất khẩu thành công các lô hàng đi Trung Đông, Singapore và tiếp tục nhận được đơn đặt hàng mới. Đây là nỗ lực thay đổi chiến lược của Dony trong việc mở rộng sản phẩm để khai thác thị trường mới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường truyền thống lâu nay.
Tương tự theo báo cáo của Công ty Dệt may Thành Công, tình hình xuất khẩu gần đây có những tín hiệu tích cực và các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Việt Nam tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng so với trước.
Kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu dệt may và nguyên liệu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo đó, lượng xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.
Trên thực tế kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8 ước đạt khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ, tương đương với tháng trước đó. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng trở lại từ mức đáy hơn 3 tỉ đô la của tháng 5.
Cùng với đó, ngành thủy sản, da giày... đơn hàng dần phục hồi nhẹ khi các doanh nghiệp đã ký được những đơn hàng mới.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 vừa qua ước đạt 846 triệu đô la Mỹ. Tuy vẫn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Giảm giá mạnh, xoay chuyển để thích ứng...
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) PMI được xem là chỉ số đo lường "sức khỏe" của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ. Sau nhiều tháng liên tục suy giảm, mới đây, S&P Global công bố báo cáo PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 8 vừa qua khi một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong sáu tháng liên tục bị sụt giảm. Với kết quả 50,5, tăng so với mức 48,7 của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.
Theo báo cáo của S&P Global, sự phục hồi trở lại của “sức khỏe” ngành sản xuất đã phản ánh những dấu hiệu cải thiện của nhu cầu. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong sáu tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng.
Dù vậy, các doanh nghiệp cho biết để có đơn hàng bên cạnh "chăm" đi hội chợ quốc tế chuyên ngành để tìm kiếm khách hàng, họ cũng phải buộc giảm giá bán, thay đổi theo tình hình thị trường dẫn đến sản phẩm làm ra lợi nhuận rất thấp, thậm chí là không có lời.
Ông Trần Hữu Hoài của Công ty Gia Nhiên chia sẻ: “Chúng tôi có chính sách giảm giá mạnh so với thời gian trước. Mức giảm lên đến 30% cho sản phẩm và chấp nhận làm không có lợi nhuận”. Việc này giúp doanh nghiệp giữ khách hàng, duy trì sản xuất chờ thị trường hồi phục.
Tương tự, theo ông Trần Quốc Mạnh của Vietcraft đánh giá, các đơn hàng hiện nay khác với trước kia bởi giá cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều.
Đơn cử một chiếc ghế gỗ phối hợp với các nguyên phụ liệu hiện nay khách hàng yêu cầu giảm bớt sắt, gỗ nhưng các nguyên phụ liệu này phải đặt ở những công ty có uy tín và các công ty phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. "Khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ, phụ liệu phải tái chế, nhưng chất lượng phải cao hơn. Đây là một áp lực đối với doanh nghiệp", ông Mạnh nói.
Còn với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May – Thêu – Đan TPHCM (Agtex), hiện nay nhà nhập khẩu phần lớn chỉ đặt số lượng nhỏ và khá đặc thù, theo đó chi phí sản xuất cũng tăng lên cao 10-15%.
“Yêu cầu khó khăn hơn, sản xuất phải nhanh hơn, số lượng lại ít hơn và hàng hóa đặc thù hơn… Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận giá bán ra thấp hơn trước đây để duy trì được sản xuất và giữ chân người lao động”, ông Hồng chia sẻ, và cho biết có doanh nghiệp nói dù đơn hàng thậm chí làm ra chỉ hòa vốn cũng phải chấp nhận thực hiện.
Đó là chưa kể hàng loạt yêu cầu của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu về sản xuất xanh, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế... gây nhiều áp lực và tăng chi phí với nhà sản xuất trong nước.
Đường còn dài để về trạng thái cũ
Dù đơn hàng đã rục rịch trở lại, những tia sáng đã lấp ló giữa gam màu tối nhưng theo các doanh nghiệp và nhà sản xuất tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ đơn hàng chủ yếu trong thời gian ngắn, quy mô nhỏ và cơ cấu mặt hàng đa dạng hơn và phải có sự thích ứng nhanh chóng...
Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng nhận định ngành dệt may Việt Nam dù đã qua “đáy xấu nhất” và hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, nhưng tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
Các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ thì dự báo đến giữa năm hoặc cuối năm 2024 tình hình sản xuất mới có thể quay về trạng thái cũ khi thị trường phục hồi trở lại.
Tương tự, dù Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam mới nhất của S&P Global vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại. Tuy nhiên, theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, sự cải thiện nói chung vẫn còn yếu khi lực cầu vẫn còn mỏng manh. Do đó, có thể còn quá sớm khi nói rằng ngành sản xuất đã ở trạng thái phục hồi trọn vẹn.
Tương tự, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtex, diễn biến thị trường chưa có chuyển biến rõ nét do đó cũng rất khó để dự báo tình hình cuối năm. Thời điểm này, phần lớn khách hàng vẫn đang ở trạng thái theo dõi diễn biến thị trường, sức mua, tình hình tồn kho mới có động thái tiếp theo.
Tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể còn kéo dài sang năm tới, 4 tháng cuối năm chưa có động lực tăng, thị trường theo đó sẽ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều biến động đòi hỏi doanh nghiệp giám sát từng ngày, từng giờ để điều chỉnh. Hiện tại, đà phục hồi chậm khiến doanh nghiệp nhiều lĩnh vực vẫn chật vật tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất và có việc làm cho người lao động.
Thực tế, doanh nghiệp không phải đang đối mặt với cú sốc ngắn hạn để có thể sớm vượt qua và quay trở lại đà tăng trưởng cao. Những khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài cộng hưởng có thể còn gây ra những tác động bất lợi cho nhiều lĩnh vực của Việt Nam trong những năm tới, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để đón sóng thị trường.
Đáng chú ý, theo giới phân tích doanh nghiệp cần linh hoạt tìm hướng đi phù hợp, giải quyết khó khăn trước mắt để tính bước tiến trong tương lai.
Trong tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, doanh nghiệp không thể đứng chờ thị trường sáng ấm lên, tổng cầu tăng trở lại để khôi phục sản xuất kinh doanh mà cần có cái nhìn về một chiến lược phát triển bền vững, có sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học.
Dân gian có câu: mạnh vì gạo bạo vì tiền. DN sắp hết gạo hết tiền thì phải có người cho mượn thông qua vay tín dụng, cho thuê tài chính, trái phiếu, cổ đông, một số nguồn quỹ, đặc biệt là một số chính sách hỗ trợ, bảo lãnh của chính quyền, hiệp hội