Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường dây ‘tốc độ ánh sáng’

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hơn hai tuần trước, ngày 16-5, trong chuyến công tác tại TPHCM, TS. Lê Đăng Doanh gọi xe hợp đồng trong sảnh nhà ga quốc nội ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về khách sạn. Về đến nơi sau quãng đường khoảng ba cây số, ông được tài xế yêu cầu trả tiền cước 198.000 đồng, và khi ấy, xem lại hợp đồng, ông mới thấy giá ghi trên đó là 180.000 đồng.

Trong phản ảnh với nld.com.vn, TS. Doanh cho rằng ông phải trả số tiền như vậy là quá đắt. Và như thế, mỗi ngày có bao nhiêu hành khách sẽ bị “chặt chém” với mức cước này. Ông yêu cầu cơ quan quản lý liên quan làm rõ và niêm yết giá cước cụ thể cho khoảng cách vận chuyển, không thể chấp nhận hiện tượng tùy tiện ra giá. Cùng ngày, nld.com.vn đăng bài nêu trường hợp của TS. Doanh và nói sẽ tiếp tục thông tin về việc này(1).

Ngày hôm sau, trang mạng này đăng bài tường thuật Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết đã mời tài xế taxi và đại diện công ty quản lý đến làm việc về trường hợp của ông Doanh(2). Theo thông tin ban đầu, tài xế và công ty đã nhận thu sai so với giá đăng ký. Người tài xế bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày. Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng thông báo đang xem xét trường hợp này theo quy định và sẽ thông báo kết quả.

Từ câu chuyện trên có thể thấy phản hồi từ một hành khách đã được xử lý khẩn trương và kết quả được báo chí thông báo rộng rãi chỉ sau một ngày. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, hành khách đó là “VIP”. Tên tuổi của TS. Lê Đăng Doanh chắc không cần phải giới thiệu nhiều, đủ bảo đảm phản ảnh của mình được phản hồi kịp thời, thích đáng.

Giá như mọi người dân, mọi hành khách bình thường khác cũng có một kênh hiệu quả để phản ảnh chính xác một hiện tượng tiêu cực nhằm được xử lý và phản hồi với “tốc độ ánh sáng” như vậy. Nhưng không lẽ chỉ có phản ánh từ những nhân vật “VIP” như TS. Lê Đăng Doanh mới xứng đáng được phản hồi với “tốc độ” này?

Thực ra, lâu nay nhiều cơ quan đã thiết lập đường dây nóng để người dân phản ảnh các yêu cầu. Nhưng nhiều đường dây nóng hoạt động không hiệu quả và trở thành cái mà có người gọi đùa là “đường dây nguội”. Có lúc, các bên liên quan đổ lỗi cho nhau. Cơ quan nhà nước thì nói người dân không chịu phản ảnh, còn người dân lại bảo họ có phản ảnh thì cũng như không nên chẳng còn quan tâm nữa.

Trường hợp của ông Doanh có thể gợi ý một cách giải quyết tình trạng “đường dây nguội”. Đó là khi có phản ảnh, cơ quan liên quan phải giải quyết nhanh chóng và báo chí đưa tin ngay kết quả. Nếu chịu khó làm như vậy một thời gian, đường dây nóng sẽ không nguội. Câu chuyện của vị tiến sĩ đã chứng minh rằng, “đường dây nóng không chính thức” của ông đã hoạt động rất hiệu quả khi được kích hoạt.

Xin nói tiếp về “hiệu ứng TS. Doanh”. Hai ngày sau, thứ Tư 18-5, nld.com.vn đăng tiếp phản hồi từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM về ý kiến của ông Doanh(3). Theo đó, chiều cùng ngày, sở này đã có văn bản khẩn gửi nhiều đơn vị liên quan nhằm yêu cầu chấn chỉnh tình trạng taxi đưa ra giá cước quá cao.

Văn bản của Sở GTVT đề nghị Tân Sơn Nhất tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách chọn các loại phương tiện và phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải trong sân bay để có giải pháp ngăn ngừa vi phạm tái diễn. Sở này cũng đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm cho tác hãng taxi công nghệ nhằm xử lý vi phạm, nếu có.

Văn bản này là một điểm cộng cho Sở GTVT. Tuy nhiên, liệu một văn bản có đủ sức nặng răn đe cần thiết để ngăn ngừa một hiện tượng gây bức xúc trong xã hội? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải tiếp tục theo dõi và xử lý vi phạm để bảo đảm hiệu lực của văn bản này.

Cần nói thêm là sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ hàng không quốc tế thuộc loại lớn nhất nước và TPHCM là một địa phương dẫn đầu về lượng khách du lịch trong và ngoài nước ở Việt Nam. Cũng có thể nói Tân Sơn Nhất và TPHCM phần nào đó thể hiện bộ mặt của Việt Nam. Vì vậy, làm sao để các đường dây nóng hoạt động hiệu quả ở đó cũng là cách giữ thể diện cho địa phương và quốc gia.

----------

(1) https://nld.com.vn/kinh-te/gan-200000-dong-cho-cuoc-xe-3km-o-san-bay-tan-son-nhat-20220516115815798.htm

(2) https://nld.com.vn/kinh-te/vu-tien-si-bi-lam-gia-khi-dat-xe-o-tan-son-nhat-cong-ty-nhan-sai-dinh-chi-nu-tai-xe-20220517163236407.htm

(3) https://nld.com.vn/thoi-su/tien-si-le-dang-doanh-bi-lam-gia-o-tan-son-nhat-so-gtvt-tp-hcm-ra-cong-van-khan-20220518150732729.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Taxi “cưỡng bức” là chuyện xảy ra thường ngày ở sân bay lớn như TSN/ NB. Chặt chém có mặt khắp nơi trong các sân bay, kể cả dịch vụ ăn uống, thường gấp 2-3 lần so với bên ngoài. Người đi taxi đôi khi cũng thông cảm cho cánh tài xế. Nhưng gốc gác vấn đề là tình trạng chặt chém trở nên quá phổ biến, chất lượng dịch vụ kém cỏi, khiến khách hàng rất chán nản. Mọi thứ đều bắt nguồn từ cung cách quản trị của các sân bay hiện nay theo lối độc quyền, cửa quyền, tùy tiện.

  2. Chung quanh các sân bay là một hệ thống nhóm lợi ích khổng lồ (quảng cáo/ dịch vụ các loại…), thì làm sao mà không chặt chém cho được? Ngoài ra còn có chuyện đất đai khu vực sân bay mang đi phân lô, làm sân golf, đủ các kiểu… Cần thiết phải mổ xẻ và đại phẫu thuật gấp các kiểu làm ăn này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới