(KTSG Online) - Đường đi nào cho tỷ giá trong ngắn hạn là không dễ đoán định, nhưng điểm chung là sức ép lên tiền đồng vẫn còn đáng kể khi đô la Mỹ có xu hướng mạnh lên đi cùng mối lo áp thuế quan.
- Cân bằng giữa tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng kinh tế năm 2025 ra sao?
- Mở rộng dư địa tăng cho tỷ giá

Lo đô la trở lại xu hướng tăng?
Thị trường ngoại hối Việt Nam gần đây đã có những diễn biến mới, đi cùng chuyển động vĩ mô từ Mỹ. Theo đó, chỉ số DXY bắt đầu rơi từ vùng đỉnh là 110 vào cuối tháng 1 về vùng 103 điểm, tức giảm gần 6,5% chỉ trong một tháng, sau đó tăng dần lên vùng 104 điểm trong hai tuần qua. Tính đến ngày 31-3, chỉ số này giảm về quanh mức 103,8 điểm, nhưng vẫn cao với vùng đáy gần nhất nhất là 103,2 điểm.
Thực , sức mạnh đồng đô la tăng lên sau thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết không vội vàng cắt giảm thêm lãi suất. Đô la Mỹ vốn chịu áp lực từ đầu năm đến nay do lo ngại về tác động của chính sách thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, nay đang có dấu hiệu phục hồi.
Những diễn biến mới này dẫn đến nghi ngại về khoảng lặng của tỷ giá sắp kết thúc khi đồng đô la Mỹ tăng trở lại. Tuy nhiên, tương lai đồng bạc xanh vẫn đang là vấn đề mà nhiều nhà phân tích vĩ mô đặt dấu hỏi.
Theo ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore), chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ khách hàng gần đây, các thông tin hiện nay đang ủng hộ đồng đô la ngắn hạn tiếp tục tăng nhưng vẫn “không rõ ràng”.
“Chưa rõ ràng vì 'lạm phát gắn với ông Trump' vẫn ở mức cao nên lãi suất sẽ duy trì ở mức cao, từ đó đô la Mỹ vẫn mạnh. Tuy nhiên, nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại thì cả Trung Quốc hay Mỹ, các ngân hàng trung ương sẽ phải can thiệp”, ông Abel bình luận.
Trong dự báo mới, ông Abel Lim kỳ vọng Fed chỉ giảm 25 điểm cơ bản lãi suất trong năm nay, thay vì kỳ vọng 2 lần trước đây. Tuy nhiên, câu chuyện thế giới cũng sẽ khó đoán hơn khi Trung Quốc thể hiện quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế.
Ở góc độ khác, câu chuyện áp thuế đối ứng của Mỹ đang ngày càng nóng hơn với kỳ hạn tháng 4 đang tới. Gần đây, các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có sự thay đổi thuế quan, từ việc áp dụng cho mọi quốc gia cho đến ra tín hiệu có thể giảm quy mô kế hoạch áp thuế.
Những câu chuyện này đang đặt ra sức ép ngắn hạn cho tiền đồng. Trong tuần trước, ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tỷ giá giữa năm lên mức 26.000 đồng/đô la (mức trước đó là 25.450) và dự báo cuối năm lên 25.700 đồng/đô la (từ mức 25.000).
Giữ tăng trưởng để ổn định tỷ giá
Theo đánh giá của UOB, tiền đồng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào khoảng 25.600 đồng/đô la vào đầu tháng 3, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng giá bán đô la cho các ngân hàng lên mức 25.450 đồng/đô la, từ mức 25.698 đồng, đánh dấu lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Đây cũng là vùng tỷ giá mà thị trường gần như duy trì đi ngang trong thời gian qua, dù đồng đô la đang ở trong nhịp giảm trên thị trường thế giới.
NHNN sau đó tiếp tục nâng giá chào bán đô la lên mức kỷ lục mới với 26.000 đồng/đô la, tăng 2,1% kể từ đầu tháng 2-2025. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường có rất nhiều diễn biến khó đoán và bất thường, từ việc giá vàng thế giới và nội địa tăng mạnh, cũng như sự lo ngại về câu chuyện thương mại quốc tế.
Điều này cho thấy, NHNN dường như đang muốn tạo ra không gian lớn hơn cho chính sách quản lý ngoại hối, trong mục tiêu chung là ổn định tỷ giá chứ không phải là "cố định". Tức là cơ quan điều hành chấp nhận tăng giảm trong biên độ nhất định.
Dù vậy, tính đến hết tuần trước, tin tích cực là tỷ giá chào bán trên thị trường vẫn chưa có biến động nhiều. Tại các ngân hàng thương mại, giá chào bán vẫn quanh mức 25.720 đồng/đô la, thậm chí còn giảm nhẹ so với đầu tuần trước.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Maybank tính đến ngày 21-3, tỷ giá chào bán đô la Mỹ chỉ tăng 0,5-0,8% từ đầu quí, thấp hơn nhiều so với các biến động quan sát được trong các quí từ 2022-2024. Điều này có nghĩa tỷ giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát dù áp lực thị trường cao hơn.
“Trong tương lai gần, chúng tôi kỳ vọng thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định mà không làm gián đoạn các chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN. Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định ở mức khoảng 4%, lãi suất tín phiếu kho bạc trên thị trường mở cũng giảm, cho thấy NHNN đang có động thái đang muốn các ngân hàng thương mại chủ động trong việc giảm lãi suất”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank bình luận.
Một vấn đề khác của tỷ giá liên quan đến là câu chuyện áp thuế của Mỹ. Trong diễn biến gần đây, Chính phủ Việt Nam bắt đầu tính toán giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng.
“Triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần nên thận trọng và chờ đợi thêm thông tin từ chính sách thương mại của Mỹ, xét đến Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trong số các mặt hàng khác”, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, bình luận.
Nhìn chung, các chính sách ứng phó về mặt tỷ giá hiện nay đòi hỏi sự toàn diện hơn về chính sách chứ không đơn thuần xoay quanh chính sách ngoại hối và tiền tệ. Báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 3 của WorldBank đánh giá chính sách tiền tệ hiện nay vẫn đang phải đối mặt với "dư địa hạn chế" về tiếp tục cắt giảm lãi suất trong trường hợp đồng đô la tiếp tục mạnh lên và gây áp lực. Từ phía ngược lại, triển vọng tăng trưởng nội địa cũng như cam kết của NHNN về ổn định tỷ giá sẽ là trợ lực giúp giảm sức ép mất giá của tiền đồng.