Chủ Nhật, 27/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường nào cho mô tô phân khối lớn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường nào cho mô tô phân khối lớn?

Hoàng Sơn

Đường nào cho mô tô phân khối lớn?
Một mẫu xe phân khối lớn của Kawasaki vừa nhập về Việt Nam. Nếu Bộ Giao thông Vận tải cho phép xe phân khối lớn chạy trên đường cao tốc thì đây là cơ hội kinh doanh của nhiều hãng xe. Ảnh: Quốc Hùng.

(TBKTSG Online) – Gợi ý của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại một cuộc họp ngày 13-5 tại Hà Nội về việc cho phép thí điểm người sử dụng mô tô phân khối lớn có dung tích xylanh từ 175cc trở lên được đi vào ba tuyến đường cao tốc đã thật sự gây “bão” dư luận.

Trong khi những người đang sở hữu xe phân khối lớn – và đặc biệt là những đơn vị kinh doanh loại xe này – có lý do rất chính đáng để “hồ hởi, phấn khởi” trước tin vui, thì “phần còn lại của dư luận” đã thật sự băn khoăn, lo lắng trước một viễn cảnh an toàn giao thông sẽ tồi tệ hơn, và nguy cơ lớn hơn cho xã hội do điều kiện hạ tầng chưa cho phép.

Giải thích về ý định này, ông Thăng nói: “Chúng ta cho nhập về, tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe phân khối lớn nhưng lại không cho chạy thì cho thi lấy bằng làm gì!”

Theo chỉ đạo của bộ trưởng, sẽ cho phép thí điểm xe từ 175cc trở lên được đi vào ba đường cao tốc gồm Hà Nội – Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương. Tổng cục Đường bộ được giao chuẩn bị các quy định để tiến hành thí điểm, làm bước đệm cho việc sửa luật để chính thức cho phép mô tô phân khối lớn chạy trên đường cao tốc sau giai đoạn thí điểm này.

Động thái của Bộ GTVT được cho là bắt nguồn từ kiến nghị của một số hội viên thuộc các hội chơi xe máy phân khối lớn. Tại một cuộc họp vào ngày 6-5-2015, các hội viên này đã kiến nghị với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xin cho phép xe máy phân khối lớn được chạy trên đường cao tốc vì loại xe này có tốc độ cao, công suất lớn lại phải chạy chung làn với xe máy với tốc độ 30 - 40 km/giờ thì không thể chạy được, còn nếu chạy vượt quá 40 km/giờ là vi phạm, bị xử phạt.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều cho xe phân khối lớn đi vào đường cao tốc. Song khi đi đường cao tốc, người lái xe này bị giới hạn về tốc độ, cụ thể là phải đi tốc độ chậm hơn so với ô tô. Ví dụ, như Nhật Bản chỉ cho phép xe máy phân khối lớn đi với tốc độ từ 70 – 100 km/giờ.

Các lập luận và động thái nêu trên cho thấy việc cho phép xe mô tô phân khối lớn tham gia lưu thông trên cao tốc chỉ còn là vấn đề thời gian.

Điều kiện chưa cho phép

Nhưng, liệu các điều kiện hiện nay đã thích hợp để cho phép xe mô tô phân khối lớn tham gia lưu thông trên cao tốc hay chưa? Chắc chắn là chưa.

Điểm mấu chốt đầu tiên là cả ba tuyến đường cao tốc mà Bộ trưởng GTVT cho phép xe phân khối lớn lưu thông thí điểm chỉ được thiết kế dành cho xe ô tô với hai làn, cùng với một làn dừng khẩn cấp, chứ không có làn đường dành cho xe hai bánh. Nếu xe mô tô được phép lưu thông, các phương tiện này sẽ phải chia sẻ làn đường với xe ô tô.

Trong trường hợp này lại nảy sinh một vấn đề phức tạp, đó là vận tốc quy định khác nhau giữa xe ô tô và xe mô tô. Trên các cao tốc này, xe ô tô được cho phép chạy với vận tốc 120km/giờ, trong khi xe mô tô do các yêu cầu về tính an toàn nên theo dự kiến chỉ được phép chạy trong dải tốc độ 70 đến 100km/giờ. Việc quy định vận tốc khác nhau trên cùng một làn đường chắc chắn sẽ làm nảy sinh xung đột giữa các phương tiện, và gây mất an toàn.

Hơn nữa, về mặt logic, nếu xe mô tô phân khối lớn được phép chia sẻ làn lưu thông với xe ô tô trên các tuyến đường cao tốc, thì chẳng có lý do gì không cho phép hai loại phương tiện này chia sẻ chung làn xe trên mọi tuyến quốc lộ khác, vì thực ra, xe mô tô phân khối lớn lưu thông cùng làn với ô tô trên các tuyến quốc lộ thậm chí còn an toàn hơn do vận tốc quy định trên quốc lộ thấp hơn so với cao tốc. Có thể hình dung ra ngay tình trạng rối loạn giao thông sẽ nghiêm trọng như thế nào, tình hình tai nạn giao thông sẽ tồi tệ ra sao khi cho phép chung làn xe như thế, bất kể là trên cao tốc hay quốc lộ.

Một yếu tố kỹ thuật nữa cũng không thể không nhắc đến, đó là có hay không việc kiểm định xe mô tô phân khối lớn trước khi cho các phương tiện này tham gia lưu thông trên đường cao tốc.

Quy định hiện hành buộc mọi xe ô tô phải được định kỳ kiểm định nhằm bảo đảm an toàn khi lưu thông, hạn chế tối đa việc xe hỏng hóc bất tử trên đường. Hiện nay xe mô tô không phải kiểm định định kỳ, và thực tế cho thấy có khá nhiều xe mô tô cũ nát vẫn đang lưu thông, không kể nhiều xe đã qua “độ, chế” có thể gây mất an toàn. Nếu không chuẩn bị thành lập sớm các cơ sở kiểm định chất lượng mô tô mà cứ cho mô tô lưu thông trên cao tốc thì cần phải lường trước tình trạng nhiều xe có thể chết máy đột ngột, uy hiếp an toàn các phương tiện khác trên cao tốc.

Tại sao các nước khác cho phép?

Cả Bộ GTVT lẫn Tổng cục Đường bộ đều lập luận rằng một số nước khác đã cho phép xe mô tô phân khối lớn đi vào các đường cao tốc, nên không có lý gì Việt Nam lại không cho phép.

Nhưng, như đã phân tích ở trên về điều kiện hạ tầng, hầu hết các nước – nhất là ở các nước phát triển – xe mô tô phân khối lớn được lưu thông do đã có làn đường riêng cho các phương tiện này. Việc so sánh giữa Việt Nam và các nước chỉ thích hợp trong các điều kiện tương đồng về cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, các ví dụ so sánh mà Tổng cục Đường bộ nêu ra cũng chưa thật sự chuẩn xác, theo trang wikipedia. Theo trang này, ở khu vực Đông Á, việc mô tô phân khối lớn đi vào đường cao tốc bị hạn chế ở nhiều nơi, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan, trong đó có cả hạn chế về tốc độ và cấm chở theo hành khách.

Ở Trung Quốc, một số tuyến đường cao tốc cho phép xe mô tô phân khối lớn lưu thông nhưng không được phép chở theo người, và tại nhiều tỉnh ở nước này, mô tô phân khối lớn hoàn toàn không được phép lưu thông. Tại Nhật Bản, xe mô tô có dung tích xylanh trên 125cc được lưu thông và chở theo người, nhưng lái xe phải từ 20 tuổi trở lên và đã có bằng lái ít nhất ba năm. Thêm vào đó, vẫn có một số tuyến cao tốc, chẳng hạn như cao tốc Shuto, vẫn cấm xe mô tô phân khối lớn chở theo người do điều kiện hạ tầng chưa thích hợp.

Trong khi đó, Hàn Quốc cấm tất cả mô tô lưu thông vào đường cao tốc, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp như xe cảnh sát, xe công vụ, xe cứu thương… Tương tự như thế, Đài Loan cấm tất cả các xe mô tô đi vào đường cao tốc, trừ các xe cảnh sát và xe công vụ, bởi vì các tuyến đường cao tốc ở Đài Loan không có làn riêng cho xe mô tô, trong khi chia sẻ làn với xe ô tô sẽ rất nguy hiểm và mất an toàn giao thông.

Trở lại với trường hợp Việt Nam, các mối quan ngại với việc cho phép thí điểm mô tô phân khối lớn tham gia lưu thông trên đường cao tốc rõ ràng là có cơ sở, đơn giản vì hạ tầng không cho phép.

Trên một số diễn đàn, có nhiều ý kiến đề đạt nguyện vọng cho xe mô tô đi trên đường cao tốc để “thoả chí đam mê tốc độ.” Cách đặt vấn đề như thế tự nó đã tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì đường sá là để lưu thông, không thể cho phép sử dụng đường sá cho thỏa chí đam mê như lập luận.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải tính toán lại trong việc xây dựng các tuyến đường cao tốc mới cần thiết kế thêm một làn riêng cho xe mô tô phân khối lớn để đáp ứng nhu cầu lưu thông hợp lý của người sử dụng mô tô phân khối lớn. Ngoài ra, với những tuyến đường có hai làn xe cho xe hai bánh – chẳng hạn dọc theo Xa lộ Hà Nội – có thể cân nhắc cho phép mô tô phân khối lớn lưu thông với một tốc độ cao hơn thay vì ấn định cùng một tốc độ cho tất cả các loại xe.
 

Xem thêm:

VEC: "Không có chuyện mô tô 400cc được đi đường cao tốc"

Sẽ thí điểm cho xe máy phân khối lớn đi vào 3 đường cao tốc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới