(KTSG Online) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng đường nhập khẩu từ 5 nước Campuchia, Malaysia, Indonesia, Lào và Myanmar tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng đây là dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá của đường Thái khi vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký VSSA, cho biết việc 5 nước trên xuất khẩu số lượng lớn đường vào Việt Nam là bất thường. Từ trước đến nay cả 5 quốc gia nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường, nhưng hiện tại lại xuất khẩu ồ ạt đường vào Việt Nam.
Cụ thể, năng lực sản xuất đường của Indonesia không đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Nước này từ trước đến nay được biết đến là quốc gia nhập khẩu đường thứ 2 châu Á. Tương tự, năng lực sản xuất đường của Myanmar không cao, phải nhập khẩu đường cung cấp cho thị trường trong nước.
Trong khi đó, Malaysia lại không trồng mía nhưng năm nay lại xuất khẩu đường, và chỉ xuất khẩu duy nhất vào Việt Nam. Lào, Campuchia mặc dù có trồng mía nhưng diện tích và sản lượng không nhiều. Hai nước này từ trước đến giờ xuất khẩu đường vào Việt Nam chủ yếu bằng đường tiểu ngạch.
Với những lý do trên, ông Lộc cho rằng đây là dấu hiệu lẩn tránh thuế của đường Thái Lan khi nhập vào Việt Nam. Trước đó, vào tháng 6-2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, phân loại theo mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.91.00, 1701.99.90, 1701.99.90 và 1702.90.91.
Trong khi đó, nếu qua các trạm “trung chuyển” từ 5 quốc gia trên, đường nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo từng loại.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Cần Thơ, cho rằng bản chất của hành vi này chính là việc bán phá giá đường từ Thái Lan. Với việc chỉ chịu mức thuế 5% thông qua các nước nói trên khiến cho đường trong nước không thể cạnh tranh nổi.
Trước đó, đường từ nước này vào Việt Nam bằng con đường nhập lậu đã diễn ra trong một thời gian dài. Nó giống như vòi nước, bịt đường này sẽ rò rỉ qua đường khác. Nếu không có những động thái quyết liệt từ Nhà nước thì doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc canh tranh.
Theo số liệu thống kê của VSSA, trước việc giá đường nhập khẩu thấp hơn nhiều so với đường trong nước đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Hiện tại chỉ còn 24 trong số 40 nhà máy mía đường còn duy trì hoạt động. Diện tích trồng mía cũng sụt giảm hơn một nửa trong thời gian qua, chỉ còn khoảng 150.000 héc ta so với hơn 300.000 héc ta trước đó. Từ đó, trong niên vụ vừa qua sản lượng đường sản xuất trong nước chưa tới 700.000 tấn, thấp nhất từ trước đến nay.
Trước hiện tượng nêu trên, đại diện VSSA cho biết hiệp hội đã có báo cáo Bộ Công Thương về những dấu hiệu bất thường này. Sau khi được Cục Phòng vệ thương mại hướng dẫn, hiệp hội đang tích cực đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra hành vi bán phá giá đường.