Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường sách sông Seine – ‘di sản sống của Paris’

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay tại trái tim Paris, nơi dòng sông Seine quanh co chảy qua trung tâm lịch sử của thành phố, một truyền thống hàng trăm năm đã chiến thắng. Những người bán sách cũ, cổ và hiếm, đã phản đối quyết định đóng cửa các quầy sách do lo ngại vấn đề an ninh liên quan đến Thế vận hội Mùa hè 2024 (Jeux olympiques d’été de 2024) diễn ra vào cuối tháng 7 tới đây ngay tại thủ đô Paris.

Truyền thống bán sách cũ dọc theo sông Seine đã tồn tại ít nhất từ thế kỷ 17. Ảnh: Getty

Chợ sách, với các quầy màu xanh nằm dọc theo bờ sông Seine, không chỉ nhằm bán hàng mà còn là nơi gìn giữ, bảo vệ một loại kho tàng văn hóa. Những cuốn sách với tranh khắc lá vàng, những tập sách bọc da tuổi đời cả hai thế kỷ, và những tác phẩm tinh tế được bọc màng nylon như đang chờ đợi ánh nhìn tò mò của sinh viên, người thưởng ngoạn, người có ảnh hưởng và cả du khách. Những chủ nhân của chúng không ngẫu nhiên được cho là những người bảo vệ danh tính cho Paris, liên kết với di sản văn hóa sâu sắc của thành phố này.

Văn hóa trăm năm

Khi cảnh sát thành phố Paris, với lý do lo ngại về an ninh, ban hành lệnh đóng cửa các quán sách trong những ngày diễn ra Thế vận hội Mùa hè 2024, sự phản đối đã nổ ra. Alexandre Jardin, một nhà văn Pháp, nói rằng: “Seine, con sông chính của chúng ta, chảy giữa những hàng sách. Bác bỏ chúng, xem người bán sách chỉ như người bán sách đơn thuần là không hiểu biết về vai trò của họ trong việc định hình bản chất của Paris - một thành phố sinh ra từ những ước mơ của những cây bút”. May là vị đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã can thiệp khi tuyên bố quầy sách và người bán sách ở đó là “di sản sống của thủ đô” và cho rằng phải bảo toàn di sản văn hóa quý giá này.

Quả thật điều này giúp an ủi không chỉ những người bán sách mà cả người dân Paris yêu văn hóa, lãng mạn và trí tuệ thành phố. Le Monde hồi tháng 8-2023 từng đăng tải ý kiến của người dân về việc bảo tồn văn hóa với câu trích dẫn lời nhà văn Albert Camus: “Mọi thứ làm giảm giá trị của văn hóa sẽ khiến con đường dẫn đến nô lệ thêm ngắn ngủi”. Sự hỗ trợ dồn dập đã làm nổi bật tác động sâu sắc của những quầy sách này đối với bức tranh văn hóa của Paris.

Gìn giữ truyền thống lâu đời

Truyền thống bán sách cũ dọc theo sông Seine đã tồn tại ít nhất từ thế kỷ 17. Năm 1859, vị vua Pháp Napoleon III đã cho phép giữ lại những quầy sách này, không để cho chúng bị di dời, củng cố vị trí của chúng trong lịch sử Paris. Những người bán sách cũ ngày nay đã biến sông Seine thành thị trường sách cũ lớn nhất châu Âu. Họ sở hữu hơn 930 quầy sách với khoảng 300.000 cuốn sách, dọc bờ sông, kéo dài cả ba cây số.

Những cái quầy màu xanh đó chứa cả một kho tàng văn hóa. Chúng giúp người dân Paris thỏa mãn hai thú vui cơ bản là đi dạo và đọc sách. Jérôme Callais, Chủ tịch Hội Văn hóa những người bán sách cũ đã nói: “Không thành phố nào có được những quầy sách như thế này. Các quầy sách mở cửa hầu như mỗi ngày trong suốt 450 năm qua”.

(Theo Le Monde và The New York Times) 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới