Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đường sắt Việt Nam ‘suy kiệt’, muốn tiếp cận gói tín dụng khẩn cấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường sắt Việt Nam ‘suy kiệt’, muốn tiếp cận gói tín dụng khẩn cấp

Lan Nhi

(KTSG Online) – Dù bị dịch bệnh tàn phá khoảng 61% vốn chủ sở hữu nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn chưa là đối tượng được Chính phủ hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn, trong khi tình trạng của doanh nghiệp đã rơi vào mức suy kiệt.

Đường sắt Việt Nam 'suy kiệt', muốn tiếp cận gói tín dụng khẩn cấp
Hoạt động vận tải hành khách 6 tháng đầu năm của VNR gần như trong trạng thái tê liệt và ngắc ngoải vì sự tác động của Covid-19. Ảnh minh họa: ĐVCC

Đã nhiều năm nay, kể cả trong điều kiện bình thường, ngành đường sắt của Việt Nam luôn lạc hậu và khó có thể phát triển để cạnh tranh với những loại hình vận tải khác. Đến dịch bệnh Covid 19, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành đường sắt càng ngày càng tê liệt.

Trao đổi với KTSG Online hôm 1-7, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết: “Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp đã thua lỗ và dự kiến mất 2.000/3.250 tỉ đồng vốn chủ sở hữu (nói khác đi là âm vốn chủ sở hữu khoảng 61%) nhưng hiện chưa tìm được lối ra”.

Cái khó của VNR là vẫn có doanh thu dù mức doanh thu rất èo uột. Ví dụ như trước kia doanh thu 50% là vận tải hàng hóa và 50% là vận tải hành khách. Nay hầu như lượng vận tải hành khách tê liệt. Tuyến đường sắt Bắc- Nam chỉ chạy một đội tàu duy nhất nhưng tỉ lệ khách chỉ khoảng 40%, thậm chí khách xuất phát từ ga Sài Gòn còn không có do dịch bệnh căng thẳng.

Sau 6 tháng đầu năm 2021, VNR dự kiến lỗ khoảng 942 tỉ đồng và cả năm dự kiến lỗ gần 2.000 tỉ đồng.

Vận tải hàng hóa của doan nghiệp, trong đó có tuyến liên vận quốc tế tăng được khoảng 20-30% so với năm trước, tính ra tổng doanh thu cỡ khoảng 500-600 tỉ đồng vẫn không giúp doanh nghiệp cân bằng được tài chính.
Cái khó của VNR là do vẫn là doanh nghiệp có doanh thu, dù rất eo hẹp nên từ năm 2020 đến nay, người lao động của VNR không được hỗ trợ tài chính. Hiện có 1.576 lao động bị hoãn hợp đồng và hơn 10.000 lao động phải nghỉ việc hoặc làm luân phiên với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Ông Minh cho biết là đối tượng được nhận trợ cấp trong Nghị quyết của Chính phủ là lao động của các doanh nghiệp mất hết vốn chủ sở hữu và có trên 50% lao động mất việc. VNR lại không thuộc đối tượng doanh nghiệp này nên không thể làm đề xuất xin hỗ trợ.

Cụ thể, Nghị quyết 42/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh có quy định rõ: "Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng". Chiếu theo quy định này, người lao động ở VNR dù làm việc theo chế độ nghỉ luân phiên, gặp khó nhưng doanh nghiệp chưa mất toàn bộ doanh thu nên không thuộc đối tượng hỗ trợ. Hiện VNR đã sử dụng cạn kiệt các nguồn quỹ tại doanh nghiệp để hỗ trợ cho người lao động nhưng chưa tìm thấy lối ra khi Chính phủ chưa có biện pháp hỗ trợ.

Mới đây, VNR đã gửi văn bản tới các cơ quan quản lý xin được cấp gói hỗ trợ tín dụng khẩn cấp, không tính lãi suất để có dòng tiền hoạt động nhưng chưa có kết quả.

Đến nay, ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được áp dụng chủ trương tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng thì các doanh nghiệp hàng không khác hay doanh nghiệp đường sắt (100% vốn nhà nước) vẫn đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới