Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường về

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường về

Bài: Đỗ Thành - Ảnh: Mai Lĩnh

Một cổng vào làng trên đường từ Phnom Penh đi Bavet.

(TBKTSG Online) - Sihanouk Ville là thành phố cảng biển duy nhất của Campuchia được xây dựng vào cuối thập niên 1950. Nơi đây có nhiều ưu điểm để phát triển du lịch không thua kém Phuket hay Pataya của Thái Lan hoặc Nha Trang, Vũng Tàu của Việt Nam. Có vẻ như chỉ mới những năm gần đây, hạ tầng cơ sở du lịch mới được chú ý đầu tư trở lại sau thời kỳ Khmer Đỏ.

Kỳ 1: >>> Rong chơi xứ Chùa Tháp.

Kỳ 2: >>> Siem Reap - Xa mà gần.

Kỳ 3: >>> Phế tích Angkor.

Kỳ 4: >>> Bayon - Những nụ cười bí ẩn.

Kỳ 5: >>> Ta Prohm: Những bộ rễ cây và ngôi đền đổ nát.

Kỳ 6: >>> Banteay Srei và vùng núi Kulen.

Kỳ 7: >>> Con suối ngàn 'linga'.

Kỳ trước: >>> Thăm phố cảng Sihanouk Ville.

Khách Âu Mỹ đến đây chưa nhiều dù có cảng biển và sân bay đã lâu. Du khách đến từ các nước Asean và vùng Đông Á còn hiếm hoi. Tuy nhiên, lượng khách nội địa về đây khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ.

So với lượng khách đến Sihanoukville, số hàng quán có vẻ hơi nhiều. Các món hải sản tươi sống là một trong những điều hấp dẫn nhất của thành phố. Tất nhiên, cũng không thiếu những nơi phục vụ các món ăn nước ngoài - như các món của Việt, Thái, Úc, Pháp, Ấn Độ, Đức, Anh, Ý... có cả pizza, cafe espresso. Ban đêm, có nhiều tụ điểm nhộn nhịp, hàng quán mở cửa rất khuya như trên đồi Đài Khí tượng, chợ ẩm thực đêm trong khu vực trung tâm và các bar ngoài bãi biển Ochheuteal, Serendipity, Victory.

Thi, người lái xe tuk tuk ở Sihanouk Ville và đứa con trai theo cha trong lúc mẹ và em nó đi cấp cứu ở bệnh viện. Sáu giờ sau khi chụp ảnh này, đứa bé mới 7 ngày tuổi mất.

Thời gian không đủ để chúng tôi đặt chân đến nhiều điểm tham quan khác ở Sihanouk Ville như nhà máy bia Cambrew - nơi sản xuất bia Angkor, bia Bayon, các sản phẩm của Pepsi; thánh đường Hồi giáo Iber Bilkhalifah của cộng đồng người Chăm; nhà thờ Thiên Chúa giáo St Michael, xây dựng năm 1962 ở chân núi Sihanouk Ville và chưa có dịp ngắm mặt trời lặn từ bãi biển Victory.

Đêm trước khi chia tay Sihanouk Ville, tin Thi mất cháu bé khiến chúng tôi suy nghĩ khá nhiều. Con bệnh vào cấp cứu nhưng vì cuộc mưu sinh, anh ta vẫn phải chạy xe kiếm tiền; điều đó dễ hiểu, nhưng thái độ tận tình, chu đáo của anh ta khiến chúng tôi thực sự áy náy, thương cảm. Nếu có dịp trở lại thành phố này, chắc chắn chúng tôi sẽ tìm gặp lại Thi, một lái xe hiền lành, chất phác và nhiệt tâm với công việc.

Đêm ấy, chúng tôi đi nằm sớm; sáng ra cà phê cà pháo rồi lệt bệt xách hành lý ngồi chờ, không còn cái hào hứng như khi đến, dù một ngày ở thành phố này chúng tôi cũng thấy hài lòng. Nhà xe hẹn đón lúc hơn 07g30 mà phải đến 08g45 mới thấy xe trung chuyển đến. Tập trung ở phòng vé hôm trước, lại chờ một lúc đến gần 09g30 xe đường dài mới lăn bánh.

Nếu chuyến đi nào cũng đầy háo hức thì chuyến về nào ít nhiều cũng thấy nhuốm bâng khuâng. Bao hình ảnh chồng chất, bao kỷ niệm chập chờn, những khuôn mặt, những nụ cười, những dáng chắp tay búp sen, những ân tình hướng dẫn, rồi Sophia ở Siem Reap và Thi ở Sihanouk Ville và năm ngày tung tăng đường phố gần như không có tiếng còi xe... khiến chúng tôi quên bẵng không khí đinh tai điếc óc, thỉnh thoảng lại giật mình toanh toách ở Việt Nam.

Những người nghèo không có mặt bằng kinh doanh thường dùng kiểu xe độ thế này để bán lưu động. Ở Campuchia, người nghèo may mắn là những phương tiện độ chế để làm ăn của họ không bị cấm lưu thông và cũng không thấy xe cảnh sát đi hốt đồ đạc của dân buôn bán lề đường.
Xe du lịch cũng dùng chở hàng.

Chẳng cần nói ra, chúng tôi nhìn nhau và ngầm hiểu là trong thâm tâm mỗi người như đang có ý hẹn ngày trở lại xứ Chùa Tháp. Cứ nghĩ đến những công trình kiến trúc đền đài, nhưng nét cười đầy ắp bóng Apsara, những hình ảnh lịch sự nhịn nhường nhau giao thông trật tự, những câu chào thân thiện... chắc chẳng ai không nghĩ đến một lần quay trở lại.

Tiếng là mua vé xe chạy suốt, nhưng đến Phnom Penh lại cũng phải sang xe. Chiếc xe khởi hành từ Phnom Penh về TPHCM có hơn 40 ghế nhưng chỉ có 11 người khách vẫn chạy một mạch đến gần cửa khẩu Bavet mới tấp vào quán ăn bữa cơm chiều trước khi qua biên giới.

Ngồi trên xe, tôi nghĩ miên man về sự phát triển của du lịch Campuchia trong hơn chục năm qua. Ngoài Siem Reap và quần thể Angkor được tổ chức khai thác dịch vụ khá tốt và văn hóa ứng xử của người dân Khmer, dường như còn nhiều tiềm năng vẫn chưa được khơi dậy đúng mức.

Dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia có khá nhiều cửa khẩu, nhưng chỉ có cửa khẩu Mộc Bài - Bavet có tuyến xe khách chạy suốt qua biên giới, còn các cửa khẩu khác chỉ có người dân vùng biên qua lại nhiều. Theo tôi nếu cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang) có tuyến xe khách chạy suốt từ TPHCM hay từ Cần Thơ đi Sihanouk Ville, chắc chắn du khách Việt sẽ đến các tỉnh ven biển phía Nam Campuchia nhiều hơn. Lúc đó sẽ hình thành tuyến tham tham vòng tròn (tour), đi qua cửa khẩu Bavet - Mộc Bài, về qua Xà Xía - Hà Tiên hoặc ngược lại.

Công nhân tan ca.

Khi đi ngang khu công nghiệp Tai Seng Bavet Sez thuộc đặc khu kinh tế Bavet, tỉnh Svay Rieng gặp đúng giờ tan ca, suốt dọc dài gần 10km, chúng tôi gặp hàng đoàn xe tải nhỏ chở công nhân về. Trước cổng Tai Seng Bavet Sez có quốc kỳ của nhiều nước, còn nhiều đám đông đứng chờ xe. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của họ - phần đông là nữ - lên xe đứng chen chúc trong những chiếc xe bọc khung hoặc lưới thép chung quanh như cái rọ mà thấy thương.

Đến cửa khẩu, mọi thủ tục nhà xe lo hết, khách chỉ việc theo vào phòng, đợi nghe gọi tên thì nhận lại hộ chiếu của mình. Công việc nhoáng tí là xong vì cách giải quyết của phía bạn hợp lý, ai đến trước phục vụ trước, không phân biệt khách đoàn hay khách đi lẻ. Dân đi buôn chuyến, dân từ sòng bạc về, dân tứ xứ, dường như ai cũng đã quen nên thản nhiên đứng chờ.

Anh em chúng tôi nhận hộ chiếu, xem xét lại và được nhà xe dặn đừng cất vội vì còn qua thủ tục kiểm bên phía Việt Nam. Đoạn này mới thấy nhiêu khê, mất thì giờ.

Và đây trở lại với vùng trời quê hương, đèn đã lấp lóe ánh điện, đường phố rộn rịp, xe cộ chen lách nhau đi, tiếng còi xe lại thi nhau chọc vào tai, cả chiếc xe chúng tôi đi suốt buổi trên đất Campuchia im lặng, về đến đây cũng hòa chung vào những lần bấm vô tội vạ trên đường phố.

Xe qua Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn và lừ đừ vào thành phố. Cửa hàng thi nhau mở, đèn chớp lập lòe, những loa đua nhau gào inh ỏi, xe cộ chen chúc nhau như đan cửi...

Xe dừng bến cuối, chúng tôi xuống xe, vội vàng như chạy trốn. Nhảy lên xe ôm chạy vèo về khu nhà trọ gần ga Sài Gòn, lo vệ sinh cá nhân, kiếm cái gì bỏ bụng rồi lăn kềnh ra ngủ. Sáng hôm sau, vào mua vé tàu trở về phố biển Nha Trang.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới