Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường về Cù Lao

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Buổi sáng. Những ngọn gió nhẹ vừa đủ luồn qua hè nhà trong xóm của một ngôi làng đặc trưng xứ biển miền Trung. Quanh co đường ra bến sông, tôi thấy bỗng dưng quen thuộc.

Bến sông nơi xóm nhỏ

Xóm ấy thường được người dân trong vùng và kể cả khi đi xa đều gọi tên thân thương là xóm Cù Lao (tên địa danh hành chánh là xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), bởi ngày trước nơi đây là một doi đất nhô ra, được bao bọc là những nhánh sông. Con sông Trà Bồng trong bài thơ Nhớ con sông quê hương nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh, qua bao biến động hàng triệu năm trước, đã quây bọc lấy xóm nhỏ này và ấp ủ bao thế hệ mưu sinh nơi chớp bể, một quần cư ngư dân luôn hướng ra biển thẳm.

Thuyền thúng là “trái bóng khổng lồ lì lợm”, theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng. Ảnh: T.T.B

Thầy giáo Nguyễn Tấn Huy, một giáo viên dạy chuyên văn kỳ cựu của trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) và cũng là người am hiểu vùng này, dẫn chúng tôi đi quanh co qua con đường nhỏ, tìm đến bến sông, nơi thuyền bè mỗi lúc ra khơi lại hướng cửa Sa Cần. Sông xanh lăn tăn sóng ngày đông. Tàu thuyền về nằm bờ an nhiên yên lặng. Thầy Huy vừa nhìn ra những chiếc tàu ấy, vừa nói: “Vùng này ngư dân thường đi biển xa câu mực xà(1), nên hầu như tàu nào cũng có một bộ giá kềnh càng ở trên boong để phơi mực phơi cá. Giá được làm bằng tre hoặc gỗ, chằng buộc lại rất chắc chắn để chịu sức gió. Nhìn vậy chứ mỗi lúc nhổ neo là tàu chạy băng băng ra muôn trùng sóng nước biển khơi”.

Ngôi đền cổ kính giữa xóm Cù Lao. Ảnh: T.T.B

Mỗi chuyến đi như vậy, ngư dân xóm Cù Lao bám biển hàng tháng trời, thường khoảng thời gian ăn Tết Âm lịch xong là trực chỉ khơi xa. Vì vậy, lúc chúng tôi đến với xóm nhỏ này, bà con ngư dân đã về bờ, nghỉ ngơi được khoảng hơn một tháng để cùng gia đình chuẩn bị vui đón xuân về. Cho nên bến sông rất trữ tình lao xao sóng ấy, lại ôm ấp những con tàu lặng lẽ. Và trên bờ là những chiếc thuyền thúng huyền thoại của ngư dân Việt được kéo lên úp lại, nằm chờ ngày được bập bênh ngoài khơi xa. Nhìn chúng, tôi chợt nhớ đoạn mô tả những chiếc thuyền thúng của ngư dân rất hay trong cuốn Hồn biển (NXB Thông Tấn in năm 2022) của một người bạn, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng:“Thuyền thúng là cánh tay của ngư dân, là thuyền con của tàu mẹ, là phao cứu sinh, là trái bóng khổng lồ lì lợm. Mặc gió to sóng cả, thuyền thúng vẫn lừng lững cùng ngư dân giữa biển xa một mình. Ra khơi với tàu lớn, bên hông tàu bao giờ cũng có vài cái thúng chai (thuyền thúng) là ngư dân yên tâm…” (chương Văn hóa thuyền và biển, trang 99).

Trên đường từ bến sông về lại, chúng tôi dừng lại bên một ngôi đền cổ kính được dựng ngay giữa xóm Cù Lao, che mát bởi một cây bàng cổ thụ, thấy bên trong có tấm biển ghi thời gian dựng đền là năm 1781, nhẩm tính nay đã hơn 240 năm. Hỏi một vị lão niên, được cho biết đó là đền thờ vị thần Nam Hải. Có lẽ, đó cũng là khoảng thời gian kể từ lúc thế hệ ngư dân đầu tiên đến ngụ nơi này!

Cù lao sóng vỗ miên trường

Con đường về xóm Cù Lao rất nhiều lần là chứng nhân cho những cuộc hội tụ của một nhóm bạn bè khi về thăm quê của một người bạn tri kỷ, sinh ra và lớn lên ở nơi này. Bởi thế, có lần thầy giáo - nhà thơ Trần Cao Duyên (người Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) cách đây mấy năm, đã viết bài thơ Xanh như màu buổi ấy tặng bạn mình trong một dịp về dự đám giỗ. Để rồi, sau đó được nhạc sĩ Văn Phượng (Phòng Chuyên đề - Văn nghệ và Giải trí của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi) phổ thành bản nhạc Hát với sông quê, có câu nghe thấm tình, da diết: “Về Cù Lao, về với quê cha, lao xao lao xao những mảnh đời đầu sông cuối bể, ùa vào trong tôi những ngọt ngào thẳm sâu”. Nơi cuối bể, mấy lần về đây trong đêm khuya, dường như tôi vọng nghe sóng cửa biển Sa Cần vỗ về, khi nước dòng sông Trà Bồng tuôn chảy giao thoa ra ngõ ấy.

Xóm nhỏ, tựu lại khoảng vài trăm nóc nhà. Mà những biến thiên lịch sử qua bao nhiêu giai đoạn, xóm đã dần dần rộng hơn. Một người bạn và là người dân địa phương ở đây nhiều đời, tên là Nguyễn Đình Lên, năm nay vừa hơn 50 tuổi, kể rằng: “Hồi nhỏ tôi thường chạy chơi khắp xóm. Có khi chèo ghe qua bên kia cồn hay rong ruổi cùng chúng bạn khắp chốn. Như chỗ mình ngồi bây giờ, lúc ấy có những hôm cua còn bò lên tận đây. Bắt, rồi đun lửa nướng lên cùng nhau ăn, thích lắm”.

Dáng nét đậm chắc với giọng nói âm vang, chú Lên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xóm giềng, về ân nghĩa ăn ở, đi lại và cùng nhau sống cuộc đời chân chất mộc mạc, tối lửa tắt đèn có nhau. Mà có lẽ, cái giềng mối làng mạc ấy, tôi nghĩ những địa phương như xóm Cù Lao này rất bền chặt. Vì họ cùng nhau mưu sinh trên biển. Vì họ đối diện với biết bao sóng to gió cả ngoài khơi, tựa vào nhau mà sinh tồn.

*

* *

Bởi thế, cái ý nghĩ dội vào tôi sáng ấy, khi đi trên con đường của xóm Cù Lao, bỗng nhiên trở thành suy ngẫm miên man. Rằng sự hợp thành của những xóm làng ven biển trên đất nước này, khi bao thế hệ sống đời ngư dân ở ăn cùng biển cả, phải chăng đã tạo nên một sức mạnh tinh thần rất lớn, là hồn cốt, phong vị quê hương trải dài ven biển Việt Nam, ít có quốc gia nào có lợi thế như vậy.

Và chợt tôi bật cười ngồ ngộ với câu chuyện ngắn dễ thương, khi nhạc sĩ Văn Phượng buổi sáng đi dạo một vòng quanh xóm, đã tấm tắc khen “con gái Cù Lao xinh thật”, thì người bạn thân quê xứ ở xóm này đã kể: “Hồi trước có một nhà báo về xóm này viết ký sự, sau khi nhìn ngắm, đã “hạ” một câu kết rằng, phụ nữ Cù Lao có đôi mắt rất đẹp, đôi mắt vời vợi của những ngày ngóng trông ra biển, để đón tàu về”!

(1) Mực xà còn gọi là mực ma, có đuôi màu đen, dày và xòe như đuôi cá, thường dùng làm khô mực. Mực xà có ở một số địa phương duyên hải miền Trung Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… và có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới