Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

ESG tác động như thế nào đến kinh tế xã hội và thu hút đầu tư?

Ths. Hồ Ngọc Tú (*)       

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tiêu chuẩn ESG không chỉ là một xu hướng nhất thời mà là một yếu tố cơ bản của chiến lược kinh doanh hiện đại, mang lại lợi ích tài chính và tác động tích cực đến xã hội. Đối với các nhà đầu tư, ESG là lựa chọn phù hợp cho những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Một buổi giới thiệu thực hành ESG tại nhà máy của NS BlueScope Việt Nam.

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thì việc áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) được xem là thông lệ để đảm bảo sự phát triển bền vững của các hoạt động kinh tế. ESG giúp cải thiện các vấn đề về môi trường, bình đẳng, giảm thiểu rủi ro, gia tăng giá trị của doanh nghiệp, thu hút nguồn lao động và vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG có thể gia tăng chi phí hoạt động và áp lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khi mới bắt đầu triển khai thực hiện.

ESG giúp đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm

Tác động của ESG đến kinh tế xã hội được nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên của Muhammad Sadiqa (2023) cho rằng ESG ảnh hưởng tốt đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững SDG tại các quốc gia ASEAN thông qua việc cải thiện các vấn đề về giảm nghèo đói, bình đẳng giới, nước sạch, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức khoẻ và phúc lợi con người.

Tại Trung Quốc, việc đầu tư ESG đã có tác động đến đổi mới sáng tạo nhằm hướng tới xanh hoá nền kinh tế trong các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp có xếp hạng đánh giá ESG cao hơn có xu hướng sở hữu nhiều bằng sáng chế về môi trường và tăng cường vào các hoạt động đầu tư đổi mới nhằm xanh hoá các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong các ngành sản xuất gây ra nhiều ô nhiễm môi trường (Cheng Chen, 2023). Theo số liệu nghiên cứu tại 30 tỉnh thành của Trung Quốc, các doanh nghiệp tích cực đầu tư áp dụng các quy tăng ESG sẽ giảm mức độ xả thải khí carbon ra môi trường.

Về tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp sau khi áp dụng ESG theo nghiên cứu của Akhil Pasupuleti (2023), ESG cải thiện được các kết quả về tài chính trong doanh nghiệp như nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ferah Yildiz (2024) cho các doanh nghiệp hàng không thì ESG giảm thiểu rủi ro trong doanh nghiệp nhưng lại làm tăng chi phí hoạt động của ngành này.

Đối với ngành ngân hàng, mối quan hệ giữa ESG và lợi nhuận của các ngân hàng phi tuyến theo mô hình chữ U ngược. Đầu tư vào ESG có thể làm tăng lợi nhuận của ngân hàng nhưng nếu vượt quá một ngưỡng nhất định thì tác động của ESG lại làm giảm lợi nhuận ngân hàng (Seyed Alireza Athari, 2024).

Nghiên cứu cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán toàn cầu theo chỉ số S&P Global 1200 index, ESG làm giảm rủi ro về lợi nhuận trong tương lai. Tại Hàn quốc, khi nhà đầu tư là các công ty tài sản, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư mua cổ phần các doanh nghiệp thì quyết định của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và quản trị trong ESG hơn là yếu tố xã hội.

Các quy tắc đầu tư trong ESG cũng đã thay đổi định hướng và cấu trúc dòng với đầu tư nước ngoài trên toàn cầu. Tại các nước EU, việc triển khai các quy tắc ESG tại các doanh nghiệp đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và dòng người nhập cư từ các quốc gia khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động nhất là đối với những người lao động có trình độ cao.

Tuy nhiên, ESG cũng có thể làm cho nguồn vốn đầu tư trên toàn cầu không đồng đều gia tăng sự chênh lệch kinh tế và mức sống giữa các quốc gia và khu vực. Ngoài ra, việc kết hợp ESG và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ nâng cao năng suất lao động sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực hướng phát triển kinh doanh một cách bền vững.

ESG cũng khuyến khích, giảm thiểu sự bất bình đẳng tạo động lực trong công việc của nhân viên tại các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giữ chân được những nhân viên có năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy tắc ESG khi triển khai thực tế trong doanh nghiệp có thể sẽ tạo ra các áp lực cho đội ngũ cán bộ khi phải thay đổi phương thức làm việc mới trong thời gian đầu.

Nhà đầu tư chọn doanh nghiệp phát triển bền vững qua ESG

Vấn đề môi trường trong ESG được thể hiện qua các các chỉ số về biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, sự mất đa dạng hệ sinh học, tái tạo rừng, ô nhiễm môi trường, hiệu quả sử dụng năng lượng và quản lý nguồn nước. Yếu tố xã hội được đo lường thông qua các báo cáo về an toàn và sức khoẻ của người lao động, điều kiện làm việc, bình đẳng, sự hài lòng của khách hàng và sự gắn kết của người lao động trong doanh nghiệp.

Quản trị doanh nghiệp trong ESG nhằm giảm thiểu sự thiếu trung thực trong doanh nghiệp, đa dạng hoá đội ngũ điều hành, cấu trúc lại quản trị, và bảo vệ an toàn hệ thống thông tin, bảo mật trong doanh nghiệp. Hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố ESG trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều quốc gia đã hình thành dần các quy tắc chung về ESG trong các doanh nghiệp hướng tới kinh doanh bền vững hơn trong dài hạn.

Tại nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã công khai các báo cáo về ESG để đáp ứng các mục tiêu, định hướng về môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp. Các báo cáo này thường được thực hiện hàng năm, bao gồm thông tin chi tiết về các chỉ số ESG khác nhau được sử dụng để đo lường hiệu suất trong ba lĩnh vực cả bằng định lượng và định tính.

Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong danh sách của chỉ số S&P 500 tại Hoa Kỳ công bố báo cáo ESG dưới một số hình thức khác nhau. Báo cáo ESG giúp các nhà đầu tư xác định và quản lý rủi ro tiềm ẩn của công ty.

Báo cáo ESG được công bố cho phép các nhà đầu tư đánh giá rủi ro có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty. Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn một số bất ổn và những thay đổi về quy định, các yêu cầu xã hội ngày càng cao thì việc các công ty công bố việc đầu tư áp dụng các quy tắc về môi trường, xã hội và quản trị trong ESG được đánh giá là minh bạch hơn.

Theo số liệu từ báo cáo của Bloomberg Intelligence (BI), áp dụng ESG đang ngày càng trở thành chiến lược chủ đạo, thậm chí bắt buộc ở một số quốc gia. ESG không chỉ là một xu hướng nhất thời mà là một yếu tố cơ bản của chiến lược kinh doanh hiện đại tại các doanh nghiệp. Với những lợi ích về mặt tài chính và tác động tích cực đến xã hội, ESG là lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư quan tâm đến sự phát triển bền vững trong dài hạn.

-------------------------------------------------------

(*) Viện chiến lược chính sách tài chính

Tài liệu tham khảo:

  • Muhammad Sadiqa (2023). The role of environmental social and governance in achieving sustainable development goals: evidence from ASEAN countries. Economic Research -Ekonomska Istrazivanja, Vol 36, No 1, 170–190.
  • Cheng Chen (2023). The impact of ESG ratings under market soft regulation on corporate green innovation: an empirical study from informal environmental governance. Frontiers in Environmental Scienceopen access, Vol 11, 1-12.
  • Akhil Pasupuleti (2024). Assessing the impact of ESG scores on market performance in polluting companies: a post‑COVID‑19 analysis. Discover Sustainability, Vol 5, Issue 1.
  • Seyed Alireza Athari (2024). Examining the Quadratic Impact of Sovereign Environmental, Social, and Governance Practices on Firms' Profitability: New Insights from the Financial Industry in Gulf Cooperation Council Countries. Sustainability, Vol 16, Issue 7, 1-25

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới