Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

ESG – “xanh” thật hay “xanh” giả vờ

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thế giới kinh doanh luôn đẻ ra từ mới - ESG là một trong những từ đó, viết tắt các từ “environment, social, and governance” (môi trường, xã hội và quản trị), là các tiêu chí để các quỹ đầu tư xem xét rót tiền vào các công ty tôn trọng môi trường, chăm lo các vấn đề xã hội và biết quản trị tốt doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, người ta cũng đẻ ra từ mới - greenwashing - để chê trách chuyện giả vờ “xanh” theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Các quỹ đầu tư tìm mọi cách để chào mời khách hàng, một trong những cách “thời thượng” nhất là tuyên bố quỹ của chúng tôi chỉ rót tiền vào các nơi bảo vệ môi trường, các dự án giải quyết biến đổi khí hậu, những công ty chống phân biệt chủng tộc, tôn trọng bình đẳng giới; tránh xa những công ty mang tiếng để xảy ra quấy rối tình dục, kỳ thị người đồng tính, chuyển giới… Họ tự gọi chung là các quỹ ESG và… tính phí cao hơn các quỹ bình thường.

Chỉ trong vòng mấy năm, ý tưởng chỉ đầu tư vào công ty “tốt”, lánh xa công ty “xấu” để tác động lên các dòng chảy vốn làm thay đổi xã hội theo hướng tích cực đã bùng nổ như một xu hướng đầu tư ăn khách. Chỉ riêng năm 2021, các quỹ này tăng vọt 38%, đến tháng 3 năm nay họ đã quản lý một dòng tiền khổng lồ đến 2.700 tỉ đô la Mỹ. Số lượng quỹ ESG toàn cầu nay đã vượt 6.000.

Mọi công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock, Vanguard, State Street, Fidelity đều chào mời các danh mục đầu tư ESG với lời hứa hẹn đầu tư vào đây vừa có lãi, vừa làm điều tốt cho xã hội. Riêng các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản chuyên đi đầu tư cho giới nhà giàu thì quá khỏe, họ tính phí cao cho các danh mục đầu tư này mà không cần làm thêm điều gì cả. Cách phổ biến nhất là chọn các cổ phiếu trong danh mục bình thường đưa qua danh mục ESG rồi tô vẽ đây là những cổ phiếu “tốt”. Chẳng hạn nhiều quỹ ESG liệt kê cổ phiếu Microsoft vì Microsoft có nhiều tuyên bố về chống biến đổi khí hậu! Tương tự họ đưa ExxonMobil vào với lý do mặc dù đây là hãng khai thác dầu khí nhưng “tiến bộ”, đang cố gắng chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hay cố gắng đạt mức trung hòa phát thải.

Tuy nhiên, cộng đồng kinh doanh đã bắt đầu lên tiếng cho rằng các quỹ ESG có nhiều vấn đề, chỉ được cái hình thức chứ thực chất không bảo vệ cho ai, không có lợi cho ai. Lớn tiếng nhất là Elon Musk, sếp của hãng xe điện Tesla, nói thẳng quỹ ESG là “lừa đảo trắng trợn”. Đó là bởi hãng xe điện Tesla từng là công ty hàng đầu trong danh mục đầu tư của các quỹ ESG nhưng gần đây hãng S&P Global rút tên Tesla khỏi danh sách trong khi vẫn để tên hãng dầu ExxonMobil. Theo lập luận thông thường, xe của Tesla chạy bằng pin nên không có khí thải - lẽ ra là một điểm cộng to lớn về môi trường; ExxonMobil là hãng dầu khí khai thác nguồn năng lượng gây ô nhiễm và bản thân cũng từng gây ra nhiều thảm họa môi trường.

Tai tiếng chung quanh các quỹ ESG đã buộc Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vào cuộc. Lý do họ bắt đầu rà soát, điều tra các quỹ ESG là bởi họ e ngại các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị quỹ ESG “vặt lông” mà không biết; nhất là các quỹ cứ ném ra những từ đao to búa lớn như “bền vững”, “trung hòa carbon”, “công bằng xã hội” có thể đánh lừa nhà đầu tư. Đây chính là khái niệm “greenwashing” nói ở đầu bài - là khi các nhà quỹ đầu tư hay doanh nghiệp nói sẽ theo đuổi chính sách sản xuất kinh doanh “xanh sạch”, làm điều tốt cho thế giới trong khi thực ra không làm gì cả. SEC từng cảnh báo nhiều quỹ tiếng là ESG nhưng chủ yếu bao gồm cổ phiếu các công ty có điểm môi trường rất thấp.

SEC quyết định thành lập một ban đặc nhiệm theo dõi các quỹ ESG để buộc các quỹ tự gắn nhãn ESG phải tiết lộ chi tiết vì sao tự nhận như thế. Ban này cũng sẽ giám sát để phát hiện các tuyên bố sai lạc từ các quỹ này. Gần đây nhất SEC đã bắt đầu điều tra hãng Goldman Sachs về các quỹ ESG của hãng này. Trước đó SEC phạt bộ phận tư vấn đầu tư của ngân hàng Mellon 1,5 triệu đô la vì đã bỏ qua hay nói sai về các tiêu chí để đánh giá đầu tư nào là ESG. Deutsche Bank cũng bị điều tra liên quan đến các quỹ ESG của ngân hàng này.

Ở các nước khác, nhà chức trách cũng đẩy mạnh điều tra việc các hãng tiếp thị đầu tư ESG. Văn phòng tại Frankfurt của Deutsche Bank bị các cơ quan điều tra Đức lục soát do có cáo buộc nơi này thổi phồng các tuyên bố về ESG - sau đó trưởng bộ phận quản lý tài sản của Deutsche Bank phải từ chức. Tờ Wall Street Journal xem xét dữ liệu và đi đến kết luận các quỹ ESG thường đem về lợi nhuận thấp hơn cho nhà đầu tư so với các quỹ thông thường. Trong khi đó để được mang danh là nhà đầu tư ESG, giới nhà giàu phải trả thêm khá nhiều tiền cho các công ty quản lý quỹ.

Xem ra giấc mơ vừa đầu tư kiếm lãi vừa làm việc thiện cho thế giới là chuyện chỉ xảy ra trong mơ, khó lòng thành hiện thực trong cuộc sống đầy khắc nghiệt này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới