Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ETC: Rào cản công nghệ hay rào cản lòng tin?

Long Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chuyện ùn tắc ở các trạm thu phí tự động không dừng (ETC) ở Việt Nam nếu tìm hiểu sâu xa thì không phải do vấn đề công nghệ mà nguyên nhân chính lại nằm ở chỗ… lòng tin. Theo dõi thông tin trên báo chí sau gần hai tuần triển khai đại trà thu phí ETC có thể thấy đây là một quy trình mà về phía bên thu phí ai cũng muốn nắm đằng cán do sợ bị ăn gian.

Do ngay từ đầu hệ thống thu phí đã được thiết kế trên lập luận phải chống gian lận phí ETC đầu vào từ các chủ xe nên việc thu phí bằng hình thức trả sau không được đặt ra. Cách kiểm soát phải triệt để thu tiền từ đầu vào đã dẫn đến tình trạng ùn tắc do các trạm BOT chỉ cho các xe có tiền trong tài khoản ETC đi qua.

Nhưng sâu xa hơn, việc kiểm soát chống thất thoát phí ETC còn diễn ra giữa nội bộ của bên thu phí nói trên và đây là cản trở chính cho mô hình trả sau phí ETC. Chuỗi thu phí ETC gồm có hai bên - bên trả phí là chủ xe và bên thu phí. Nếu như bên trả phí chỉ có một - là chủ xe - thì bên thu phí tới ba đơn vị lần lượt là (1) đơn vị cung cấp dịch vụ ETC cho trạm BOT, (2) đơn vị đầu tư BOT và (3) ngân hàng cho dự án BOT vay tiền. Dòng tiền thu được cũng từ chủ xe đi lần lượt qua tài khoản các đơn vị (1), (2) và (3).

Báo Giao Thông Online ngày 5-8 dẫn lời ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ), nhận định rằng về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí không dừng hiện nay đã đáp ứng được cho việc trả sau.

Theo ông Toàn, hình thức thanh toán trả sau phí ETC đang gặp hai điểm vướng mắc. Đầu tiên là quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Theo quy trình này, nhà cung cấp dịch vụ ETC phải chuyển tiền thu được trong ngày cho nhà đầu tư BOT. Tiếp đó, nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ.

Để gỡ vướng mắc cho mô hình trả sau phí ETC thì đầu tiên phải gỡ từ ba đơn vị phía thu phí và đây mới là điều khó giải quyết nhất. Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án(*).

Trong khi đó, việc ngăn chặn tình trạng bên trả phí ETC không thanh toán thì lại đơn giản hơn nhiều. Hãy tham khảo mô hình “tạm ứng” có sẵn và đang được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Grab, Apple, Facebook, Google… áp dụng.

Các hãng công nghệ này đều trừ tiền dịch vụ, sản phẩm qua thẻ tín dụng được khai báo thông tin trên hệ thống của họ. Trong trường hợp thẻ tín dụng hết hạn, không trừ được tiền mua ứng dụng (app), trò chơi (game) hay sử dụng các dịch vụ như đăng quảng cáo, thuê dung lượng lưu trữ thì cách ứng xử của họ rất nhẹ nhàng.

Họ chấp nhận một lần không thu được tiền, khách hàng vẫn sử dụng được bình thường. Sau đó, nếu cố tình không cập nhật thông tin thanh toán, tài khoản sử dụng dịch vụ của họ dù vẫn đăng nhập được nhưng sẽ bị chuyển sang trạng thái “từ chối phục vụ”, gần như bị đóng băng.

Với cách quản lý này, khách hàng chỉ còn cách bỏ luôn tài khoản mới "xù" nợ được. Tuy nhiên, so với số tiền chiếm dụng được, thiệt hại về phía người dùng lớn hơn nhiều nên chẳng mấy ai muốn ăn gian làm gì. Các hãng công nghệ cứ chờ khi khách hàng cập nhật thông tin thẻ tín dụng mới thì trừ tiền còn nợ là xong, hết sức nhẹ nhàng.

Nếu các nhà cung cấp dịch vụ ETC cũng áp dụng mô hình nói trên thì không khó để thu hồi tiền nợ từ các chủ xe. Hệ thống công nghệ hiện nay thừa sức quản lý tình trạng thiếu nợ phí ETC đồng thời kèm theo biện pháp chế tài như từ chối phục vụ trên tất cả các trạm BOT trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng có thể bổ sung quy định bắt buộc xe còn nợ phí ETC phải thanh toán thì mới được cho đăng kiểm như cách Bộ Công an đang làm với hình thức "phạt nguội" hiện nay.

Trường hợp xe bị từ chối dịch vụ mà cố tình đi vào cao tốc cũng đã có quy định chế tài vì khi đó xe bị xem là không dán tem ETC. Với vi phạm này, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Với mức phạt này, tình trạng ùn tắc do xe bị từ chối phục vụ vẫn cố tình vào cao tốc sẽ không nhiều vì người lái xe sẽ lãnh đủ hậu quả.

Có thể nói, cách quản lý thu phí của các nhà cung cấp dịch vụ ETC thể hiện tâm lý sợ bị ăn gian hiện vẫn còn phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi các công ty nước ngoài có thể vận hành bằng cách cho nhân viên làm việc từ xa trong đợt dịch Covid-19 năm ngoái, có công ty đến đầu tháng 6 năm nay mới làm việc trực tiếp trở lại thì không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể quản lý như vậy.

Nào phải doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức đầu tư được công nghệ quản lý để nhân viên làm việc từ xa, tuy nhiên cản trở chủ yếu là do tâm lý của lãnh đạo. Không ít nhà quản lý doanh nghiệp trong nước chỉ yên tâm khi nhân viên phải có mặt ở văn phòng đầy đủ, đây là một rào cản tâm lý mà không có công nghệ nào giải quyết được.

Vì vậy, để gỡ vướng mắc trong thu phí ETC trả sau hiện nay, điều đầu tiên cần làm là thay đổi quy trình xây dựng trên tâm lý sợ bị ăn gian để chuyển sang quy trình chống gian lận bằng công nghệ và luật pháp. Mà điều này cũng không đơn giản vì chỉ sau khi bên cung cấp dịch vụ chịu “tạm ứng lòng tin” cho khách hàng thì công nghệ mới có thể làm nốt phần còn lại.


(*) https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-cho-phep-xe-thu-phi-khong-dung-tra-tien-sau-d561707.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Trả trước hoặc trả sau cũng chỉ là phương tiện thanh toán mà thôi. Mọi người đều có sự lựa chọn phù hợp cho mình và nhà cung cấp phải đưa ra sản phẩm thích hợp, đảm bảo nguyên tắc “trả phí, qua trạm”, không phát sinh công nợ dưới mọi hình thức. Với công nghệ thanh toán qua ngân hàng hiện nay, các giải pháp đều rất dễ dàng thực hiện. Điều quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo năng lực kỹ thuật thông xe một cách hoàn hảo mỗi khi đi qua trạm thu phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới