(KTSG Online) - Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất phân loại các nhà máy điện hạt nhân và điện khí (sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên) như là các khoản đầu tư xanh, có thể giúp châu Âu cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Đây là đề xuất mang tính bước ngoặt, mà nếu được thông qua, có thể giúp hồi sinh năng lượng hạt nhân trên lục địa này trong những thập niên sắp tới. Tuy nhiên, đề xuất đang vấp phải nhiều tiếng nói chỉ trích gay gắt vì họ vẫn xem đây là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
Được xem là nguồn năng lượng xanh “chuyển tiếp”
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cho biết bắt đầu tham vấn với các nước EU về đề xuất trên, nhằm đưa ra một định nghĩa chung về những gì cấu thành “các khoản đầu tư bền vững” ở châu Âu. Bất kỳ kế hoạch cuối cùng nào sẽ phải được đa số các nước thành viên EU hoặc Nghị viện châu Âu thông qua.
“EC coi khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân đóng vai trò như một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo”, tuyên bố của EC đưa ra hôm 1-1 cho hay.
Đề xuất này nhằm khép lại những tranh cãi chính trị ở các nước châu Âu vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo của họ cam kết đưa trái đất thoát khỏi bờ vực của thảm họa khí hậu. Nó được đưa ra sau nhiều tháng vận động hành lang căng thẳng, trong đó khối các nước ủng hộ hạt nhân dẫn đầu là Pháp, nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vấp phải sự phản đối của Đức và các nước EU khác đang thận trọng về việc phổ biến năng lượng hạt nhân ở lục địa châu Âu.
Cụ thể, vào cuối tuần qua, một dự thảo văn bản pháp lý đã được công bố ở Brussels (Bỉ), trụ sở của EU, nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp. Dự thảo này đề xuất xem khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là các nguồn năng lượng xanh “chuyển tiếp”, được sử dụng để làm cầu nối trong tiến trình chuyển đổi từ than đá và các năng lượng thải carbon khác sang các công nghệ năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời.
Theo đó, điện hạt nhân sẽ được coi là một khoản đầu tư bền vững nếu các nước có thể xử lý an toàn chất thải phóng xạ, một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với khối các nước EU phản đối điện hạt nhân do Đức đứng đầu. Các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được coi là khoản đầu tư bền vững cho đến năm 2045 và sẽ phải trải qua các nâng cấp an toàn trong suốt thời gian tồn tại của chúng để đảm bảo đạt được “các tiêu chuẩn an toàn cao nhất”.
Các nhà máy điện khí sẽ được coi là nguồn năng lượng xanh “chuyển tiếp” cho mục đích đầu tư nếu chúng đáp ứng các tiêu chí phát thải nhất định và thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hơn, ví dụ như than.
EU đang nỗ lực để đưa các cân nhắc về tính bền vững và khí hậu trở thành một phần không thể thiếu trong các quy tắc tài chính của tổ chức này nhằm hỗ trợ cho kế hoạch mang tên “Thỏa thuận xanh” (Green Deal) với mục tiêu đưa châu Âu trở thành một khu vực trung hòa khí nhà kính vào năm 2050.
Các quy tắc này nhằm thúc đẩy vốn tư nhân và ngân sách nhà nước chảy vào các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo và ngăn chặn tình trạng “tẩy sạch xanh” (greenwashing), khi các công ty đưa ra những tuyên bố gian dối về nỗ lực giúp làm sạch môi trường.
Phe ủng hộ và phản đối tranh cãi gay gắt
Những nước EU ủng hộ đề xuất trên của EC nói rằng khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân có thể cung cấp các nguồn điện quan trọng khi các nền kinh tế chuyển đổi sang các nguồn sạch hơn như điện gió, điện mặt trời và các công nghệ mới như năng lượng hydro.
Nhưng khối các nước phản đối cho rằng chúng không xứng đáng được coi là khoản đầu tư xanh vì khí đốt tự nhiên vẫn sản sinh khí thải CO2 khi đốt và những rủi ro môi trường từ chất thải phóng xạ của các nhà máy điện hạt nhân.
Bas Eickhout, nhà lập pháp từ đảng GreenLeft từ Hà Lan, nói rằng việc phân loại khí tự nhiên như một khoản đầu tư xanh có nghĩa là “toàn bộ vai trò lãnh đạo về khí hậu của EU bị đổ sông đổ bể”.
Tuy nhiên, trong số hai công nghệ trên, năng lượng hạt nhân là vấn đề chính trị gây tranh cãi gay gắt nhất.
Năm nay, Pháp đã dẫn dắt một liên minh bao gồm các nước ở Đông Âu, khu vực phụ thuộc vào than nhiều nhất của châu Âu, để vận động phân loại năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên như là khoản đầu tư bền vững.
Cao ủy phụ trách thị trường nội khối châu Âu, Thierry Breton, chính trị gia của Pháp, ủng hộ việc dán nhãn “xanh” cho các nhà máy điện hạt nhân và điện khí vì điều này giúp EU đạt được mục tiêu đưa phát thải CO2 về mức zero ròng vào năm 2050.
Ông nói: “Khí đốt tự nhiên không phải là giải pháp tốt nhất để giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó vì nó vẫn thải CO2 nhưng ít nhất, nó vẫn tốt hơn than trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.
Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Romania nằm trong số trong những nước muốn thu hút đầu tư nhiều hơn cho điện hạt nhân khi họ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Ngược lại, Đức, cùng Áo, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Đan Mạch bày tỏ lo ngại số nhà máy điện hạt nhân gia tăng sẽ dẫn đến các rủi ro từ chất thải phóng xạ.
Hôm 1-1, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, thành viên của đảng Xanh trong liên minh cầm quyền tại Đức, cho rằng đề xuất phân loại trên của EC sẽ làm suy yếu định nghĩa về đầu tư bền vững.
Bộ trưởng Bảo vệ Khí hậu Áo, Leonore Gewessler cảnh báo không nên phân loại điện hạt nhân lẫn khí đốt như là khoản đầu tư thân thiện với khí hậu vì chúng gây hại với môi trường và “hủy hoại tương lai của con em chúng ta”. Ông đe dọa Áo sẽ kiện EC về vấn đề này.
Việc đưa năng lượng hạt nhân và khí đốt vào bộ quy tắc đầu tư bền vững của châu Âu, được gọi là hệ thống phân loại xanh, có thể dẫn đến những tác động lớn ở trong và ngoài khu vực châu Âu.
Tại châu Âu, điều này sẽ cho phép hàng tỉ euro trợ cấp của nhà nước đổ vào các dự án năng lượng hạt nhân tốn kém. Các ngân hàng và quỹ hưu trí, đang cung cấp các khoản đầu tư đề cao các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), sẽ thấy dễ dàng hơn khi đưa các công ty năng lượng hạt nhân và sản xuất điện khí vào các quỹ đầu tư bền vững của họ.
Marisa Drew, người đứng đầu bộ phận đầu tư bền vững tại Ngân hàng Credit Suisse, cho biết: “Nhìn chung, điện hạt nhân không được coi là thân thiện với ESG”. Tuy nhiên, bà cho rằng nếu EU xem đây là khoản đầu tư bền vững, điều này sẽ mở ra một làn sóng đầu tư lớn với hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư ESG có thể chảy vào lĩnh vực điện hạt nhân.
Sandrine Dixson-Declève, thành viên của Ban tư vấn về tài chính bền vững của EC (PSF), nói rằng cả điện hạt nhân và khí đốt đều không thể được xem là thân thiện với khí hậu được. Hồi đầu năm nay, PSF kết luận rằng các nhà máy điện hạt nhân áp đặt các rủi ro gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường vì rủi ro rò rỉ chất thải phóng xạ của chúng cũng như các lo ngại về việc bảo quản an toàn chất thải phóng xạ này.
Các tranh cãi trên có thể khiến EU mất nhiều năm mới có thể thông qua bộ quy tắc phân loại đầu tư bền vững.
Dù vậy, làn sóng chính trị đang ngày càng chuyển sang ủng hộ điện hạt nhân như một giải pháp carbon thấp để chống lại biến đổi khí hậu, đặc biệt là thế hệ mới của các nhà máy nhỏ hơn, rẻ hơn, theo George Borovas, người đứng đầu bộ phận tư vấn về điện hạt nhân tại hãng luật quốc tế Hunton Andrews Kurth.
Ông nói: “Điện hạt nhân sẽ phục hưng nhưng điều này chỉ diễn ra ở một số nước, chứ không phải tất cả các nước EU”.
Theo New York Times
Xanh hay không xanh phải dựa trên những tiêu chuẩn khoa học/ khách quan/ tuần hoàn. Ví dụ, năng lượng mặt trời có xanh không ? Chắc chắn là xanh vì điện phát ra từ bức xạ quang năng của mặt trời. Nhưng năng lượng mặt trời sẽ là không xanh nếu không quan tâm đến toàn bộ “chuỗi” công đoạn trước và sau khi sản xuất ra nguồn điện, từ trang thiết bị cho đến quá trình tiêu hủy, tái sử dụng sau đó nữa, liệu có đảm bảo thực sự là nền kinh tế tuần hoàn ?