(KTSG Online) - Tại cuộc kéo dài đến khuya ngày 30-5 ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU nhất trí cấm vận phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga để gia tăng sức ép lên nước này vì cuộc chiến ở Ukraine.
- Châu Âu chạy đua tìm phương án giải tỏa ngũ cốc tồn đọng ở Ukraine
- Cuộc chiến ở Ukraine khiến các vụ M&A công nghệ châu Á sụt giảm
Thỏa thuân đạt được sau khi họ chấp nhận loại trừ một tuyến đường ống dẫn dầu từ Nga khỏi lệnh cấm để giành sự ủng hộ của Hungary. Theo các nhà ngoại giao EU, lệnh cấm vận sẽ bao gồm dầu và các chế phẩm dầu mỏ của Nga được vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu mà EU nhập khẩu từ Nga mỗi năm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết động thái này giúp cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU vào cuối năm nay vì Đức và Ba Lan đã cam kết dần giảm và tiến đến chấm dứt tiếp nhận dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống Druzhba đến lãnh thổ của họ. Trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine, 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga.
Thỏa thuận sẽ không áp dụng đối với dầu thô được vận chuyển bằng đường ống tới Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech nhưng các nước EU vẫn chưa thống nhất thời gian miễn trừ sẽ kéo dài bao lâu.
Miễn trừ cho các đường ống dẫn dầu từ Nga khỏi bất kỳ lệnh cấm vận nào là yêu cầu chính của Hungary vì nước này cho rằng một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ khiến nền kinh tế nước này gặp rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dầu thô của Nga.
Ngoài ra, Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán cũng bảo đảm được các biện pháp cho phép Budapest vẫn có thể tiếp cận dầu của Nga từ các nguồn khác nếu xảy ra sự cố với hệ thống đường ống dẫn dầu Druzhba đi qua Ukraine.
Thỏa thuận trên sẽ mở đường cho gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Moscow, bao gồm các biện pháp nhắm đến các ngân hàng và các đài truyền hình nhà nước của Nga. Gói trừng phạt này chỉ có hiệu lực khi được tất cả 27 thành viên EU nhất trí. Đó là lý do các lãnh đạo EU phải nhượng bộ Hungary.
Năm vòng biện pháp trước đó bao gồm hạn chế tiếp cận thị trường vốn, đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài, loại bỏ các tổ chức tài chính của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, và cấm nhập khẩu than và một số hàng hóa khác của Nga.
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói rằng thỏa thuận trừng phạt dầu thô sẽ tạo ra “áp lực tối đa đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine”.
Nhưng thỏa thuận trên chỉ đạt được sau nhiều tuần thương lượng căng thẳng giữa các nước thành viên EU và kết quả là các lãnh đạo EU phải nhượng bộ Hungary và các nước láng giềng, do họ phải gánh chịu tổn thất kinh tế ngày càng gia tăng sau nhiều đợt trừng phạt nhằm vào Nga.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz cho biết thỏa thuận chứng minh rằng EU đã đoàn kết. Ông nói: “Chúng tôi đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn nữa đối với Nga và sẽ có lệnh cấm vận với phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga”.
Thỏa thuận cấm vận trên có nguy cơ bóp méo cạnh tranh trên thị trường dầu của EU, với các nhà máy lọc dầu được kết nối với đường ống từ Nga sẽ được hưởng lợi thế về giá. Giá dầu của Nga chiết khấu sâu do các khách hành châu Âu lánh xa dầu thô vận chuyển bằng đường biển của nước này kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Giá dầu Urals của Nga đang giao dịch ở mức 93 đô la/thùng so với 120 đô la/thùng của giá dầu quốc tế Brent.
Hãng nghiên cứu giá cả thị trườg hàng hóa Argus cho biết trong tháng 4, dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga tới châu Âu giảm 500.000 thùng/ngày nhưng dầu của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba để đến khu vực này tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 1.
Hungary đã tăng mua dầu của Nga thêm 65.000 thùng/ngày trong khi Ba Lan nhập khẩu thêm 130.000 thùng/ngày. Nếu xuất khẩu dầu qua đường ống Druzhba đạt công suất tối đa là 750.000 thùng/ngày, thì Nga kiếm được 2 tỉ đô la mỗi tháng từ các khách hàng EU.
Hôm 31-5, Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, kêu gọi EU tiến xa hơn nữa và thảo luận về viễn cảnh cấm vận khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo, Karl Nehammer bác bỏ ý kiến này vì cho rằng không dễ để tìm nguồn cung thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Phản ứng trước sự đồng thuận của EU về lệnh cấm vận phần lớn dầu của Nga, Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở thủ đô Vienna (Áo) , nói Moscow sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.
Theo Financial Times, AFP
Giá dầu có thể xuống ,từ lâu OPEC muốn hất văng Nga ra khỏi thị trường dầu mà chưa làm được kể cả down giá sát sàn ,giờ EU cai hẳn họ mới mở van thêm