Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EU nhất trí đánh thuế carbon hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau cuộc đàm phán kéo xuyên đêm, rạng sáng 13-12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận áp thuế khí thải carbon dioxide (CO2) đối với hàng nhập khẩu gây ô nhiễm như thép và xi măng. Động thái này nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho các ngành công nghiệp ở châu Âu khi họ đang nỗ lực loại bỏ phát thải carbon trong quy trình sản xuất.

Ngành công nghiệp thép là một trong những ngành phát thải carbon nhiều nhất. Thép nằm trong danh sách các mặt hàng bao gồm nhôm, xi măng, phân bón và điện sẽ bị EU áp thuế phát thải carbon. Ảnh: Getty

Đây là chính sách thuế carbon xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới.

Các nhà đàm phán từ các nước EU và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận lúc khoảng 5 giờ sáng ngày 13-12 tại Brussels (Bỉ) về luật áp đặt chi phí phát thải CO2 đối với hoạt động nhập khẩu sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện. Theo đó, các công ty nhập khẩu những mặt hàng này vào EU sẽ được yêu cầu mua giấy phép phát thải CO2.

Kế hoạch này được thiết kế nhằm áp dụng cùng một mức chi phí phát thải CO2 công bằng cho các công ty nước ngoài và các ngành công nghiệp ở các nước EU vốn cũng bị bắt buộc mua giấy phép phát thải từ thị trường carbon của EU nếu hoạt động sản xuất của họ gây ô nhiễm.

Mohammed Chahim, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu về luật này, cho biết thuế biên giới carbon, có tên gọi chính thức là Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các nỗ lực của EU nhằm chống lại biến đổi khí hậu. “Đó là một trong những cơ chế duy nhất mà chúng tôi có để khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong ngành sản xuất của họ”, Chahim nói.

Mục đích của CBAM là để giúp ngành công nghiệp sản xuất của châu Âu tránh được sự cạnh tranh không công bằng từ hàng hóa rẻ hơn được sản xuất tại các nước bên ngoài EU có quy tắc bảo vệ môi trường lỏng lẻo hơn. Ngoài ra, CBAM cũng giúp ngăn ngừa rủi ro “rò rỉ carbon”, ám chỉ đến việc các ngành công nghiệp ở EU có thể thuê các đối tác bên ngoài khối này, những nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, sản xuất hàng hóa cho thị trường EU.

“Việc rò rỉ carbon như vậy có thể chuyển lượng khí thải ra bên ngoài châu Âu, do đó làm suy yếu nghiêm trọng các nỗ lực về khí hậu của toàn cầu và của EU”, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khi CBAM được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 7-2021. EC tiết lộ thêm rằng một số nước, bao gồm Canada và Nhật Bản, cũng đang lên kế hoạch cho các sáng kiến tương tự.

CBAM cũng sẽ áp dụng cho hydrogen nhập khẩu vào EU, vốn không có trong đề xuất ban đầu của EU, nhưng được các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu bổ sung trong các cuộc đàm phán.

Một số chi tiết về CBAM, bao gồm cả ngày bắt đầu áp dụng, sẽ được xác định vào cuối tuần này trong các cuộc đàm phán liên quan về cải cách thị trường carbon của EU.

Hiện tại, EU cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí ở một mức nhất định cho các ngành công nghiệp sản xuất ở khu vực này để bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Nếu phát thải carbon vượt mức này, họ phải trả tiền để mua giấy phép phát thải.

Tuy nhiên, EU có kế hoạch loại bỏ dần các giấy phép miễn phí đó khi thuế biên giới carbon được áp dụng theo từng giai đoạn để tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các giai đoạn đó diễn ra nhanh như thế nào sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán về cải cách thị trường carbon của EU.

Brussels cho biết các nước bên ngoài EU có thể được miễn thuế carbon nếu họ có các chính sách về biến đổi khí hậu tương đồng với EU.

Chính sách thuế carbon nói trên là một phần trong gói chính sách của EU được thiết kế để giúp thế giới tránh được các ảnh hưởng thảm khốc của biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính ở EU vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm của EU đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước bao gồm cả Trung Quốc. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa EU và Mỹ xung quanh các khoản trợ cấp dành cho công nghệ xanh trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.

EU cho rằng các khoản trợ cấp như vậy sẽ gây bất lợi cho các công ty châu Âu. Các chính phủ trên khắp EU đang lo lắng về nguy cơ đảo ngược công nghiệp hóa ở châu Âu khi hóa đơn năng lượng tăng cao buộc các công ty trong khu vực phải cắt giảm sản xuất đồng thời có thể chuyển hoạt động sang Mỹ để hưởng các ưu đãi từ Đạo luật Giảm lạm phát.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới