Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU tổn thất đáng kể. Điều này có thể đe dọa nguồn tài trợ một số dự án phát thải carbon thấp trong khu vực.

Giá carbon ở EU giảm mạnh trong năm nay do lượng khí thải của các ngành gây ô nhiễm giảm khi nhu cầu điện suy yếu và sản xuất năng lượng tái tạo tăng mạnh. Ảnh: Reuters

Sau khi tăng vọt lên trên 100 euro vào năm ngoái, chi phí cho một tín chỉ phát thải carbon (tương đương 1 tấn khí carbon) ở EU giảm gần một nửa vào tháng 2. Nguyên nhân là do lượng khí thải của các ngành gây ô nhiễm giảm khi nhu cầu điện suy yếu và sản xuất năng lượng tái tạo tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Công ty tư vấn Veyt, giá carbon giảm dự kiến làm tổn thất 4,1 tỉ euro (4,36 tỉ đô la Mỹ) doanh thu tiềm năng cho nguồn ngân sách mà EU phân bổ cho các dự án phát thải carbon thấp trong năm nay.

Lượng khí thải nhà kính giảm cho thấy thị trường carbon đang giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa hệ thống thương mại khí thải của EU (EU ETS) sẽ có ít nguồn thu hơn để cung cấp cho các quỹ chuyển đổi xanh và chi trả cho các nỗ lực bảo vệ khí hậu của các nước thành viên.

Quỹ Đổi mới EU là nguồn tài trợ chính dành cho các công nghệ xanh mới nổi như hydrogen và thu giữ carbon mà khối này đang dựa vào để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Theo ước tính của EU, quỹ này sẽ huy động được 40 tỉ euro trong thập niên này nếu giá CO2 trung bình đạt 75 euro/tấn trong giai đoạn đó. Giá carbon chuẩn của EU vẫn ở dưới ngưỡng này trong hơn 3 tháng qua và đang giao dịch ở mức khoảng 70 euro/tấn vào hôm 17-4. Kết quả là doanh thu carbon của EU trong năm 2024 tính cho đến nay thấp hơn 30% so với mức giá trung bình trong năm 2023 là 83,6 euro/tấn, theo dữ liệu của Veyt.

“Nếu doanh thu bán carbon suy giảm, điều đó sẽ ảnh hưởng đến số lượng dự án mà Quỹ Đổi mới của EU có thể hỗ trợ”, nhà phân tích Yan Qin của LSEG, nói.

EU ETS cũng cấp vốn cho Quỹ Hiện đại hóa để giúp các nước EU nghèo nhất loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng suy giảm sẽ là đòn giáng mạnh vào các ngành công nghiệp châu Âu đang nỗ lực hướng tới mục tiêu xanh trong khi vẫn tìm cách duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Một số công ty ở châu Âu bao gồm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đang chuyển đầu tư sang Mỹ để hưởng lợi từ chương trình trợ cấp công nghệ sạch.

Holcim (Thụy Sĩ) ghi nhận Quỹ Đổi mới cung cấp động lực cho các dự án đầu tư phát thải carbon ở châu Âu. Nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới đã nhận được nguồn tài trợ từ quỹ này cho các dự án thu hồi carbon ở Bỉ, Croatia, Pháp, Đức và Ba Lan.

“Chúng tôi chưa bao giờ đầu tư nhiều như vậy vào châu Âu trong nhiều thập niên qua và điều đó một phần là nhờ Quỹ Đổi mới”, Cedric de Meeus, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của Holcim, cho biết.

Các nhà phân tích nhận định, xu hướng carbon giảm giá ở EU có thể chỉ là tạm thời. Họ tin rằng giá carbon sẽ tăng trong thập niên này do thị trường được thiết kế để cắt giảm dần nguồn cung tín chỉ phát thải carbon miễn phí qua mỗi năm, trong khi một quỹ bình ổn thị trường cũng sẽ giúp giải quyết một số nguồn cung tín chỉ phát thải dư thừa.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã hạ dự báo về giá tín chỉ carbon trong khu vực. Cuộc khảo sát của Reuters với các nhà phân tích vào năm 2022 đưa ra dự báo giá trung bình carbon chuẩn ở EU là 94 euro/tấn vào năm 2024. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 1, họ giảm mức dự báo xuống còn 74 euro/tấn.

Ingvild Sorhus, nhà phân tích carbon của Veyt, giải thích giá carbon giảm do các yếu tố ngắn hạn bao gồm động thái gần đây của EU nhằm bán thêm hàng triệu tín chỉ phát thải carbon để quyên tiền giúp các nước thoát khỏi khí đốt của Nga.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EU) cho biết EU không thay đổi mức giá carbon 75 euro/tấn được sử dụng để ước tính quy mô của Quỹ Đổi mới. Quỹ này hỗ trợ các công nghệ carbon thấp mà các nhà phát triển cho rằng đang thiếu nguồn tài trợ vì chúng được coi là quá rủi ro đối với các nhà đầu tư và ngân sách đang căng thẳng của nhiều chính phủ ở trong khu vực.

Năm ngoái, công ty khởi nghiệp ICODOS (Đức) đã khởi động một nhà máy thí điểm sản xuất nhiên liệu metanol có hàm lượng carbon thấp. “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới, các dự án của chúng tôi sẽ không có khả năng huy động vốn”, David Strittmatter, CEO của ICODOS, nói và cho biết thêm rằng việc chính phủ Đức siết chặt ngân sách đã thúc đẩy các dự án khí hậu trong nước khác tìm kiếm vốn tài trợ từ Quỹ đổi mới. Tuy nhiên, quỹ này đang căng thẳng vì nhu cầu quá lớn. Năm ngoái, quỹ đã trao 3,6 tỉ euro cho 41 dự án lớn, sau khi có đến 239 dự án nộp đơn xin cấp vốn tài trợ.

Công ty khởi nghiệp Heatrix của Đức đang xem xét xin đăng ký hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới cho nhà máy thương mại đầu tiên để chuyển đổi điện tái tạo thành công nghiệp nhiệt độ cao.

Wei Wu, người đồng sáng lập Heatrix, khẳng định giá carbon giảm sẽ không khiến các công ty từ bỏ kế hoạch khử carbon, nhưng có thể trì hoãn đầu tư vào các dự án giảm khí thải.

“Tôi hy vọng đây chỉ là trạng thái tạm thời, và giá carbon sẽ tăng trở lại”, Wei Wu nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới