Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

EU và Trung Quốc quy định khắt khe hơn về an toàn thực phẩm vào các nước này

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn thực hiện quy định mới về an toàn thực phẩm của EU, quy định về dư lượng ethylene oxide trong sản phẩm chế biến bột (mì ăn liền, bún, miến, phở, hủ tiếu, bánh tráng…).

Thực phẩm xuất khẩu vào châu Âu và Trung Quốc, trong đó có mặt hàng tinh bột đều chịu những quy định kiểm dịch mới. Ảnh:BCT

Theo đó, Bộ Công Thương nhận được kiến nghị từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến bột về việc thực hiện quy định (EU) 2021/2246 ban hành, sửa đổi quy định (EU) 2019/1793 của Liên minh châu Âu áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số thực phẩm nêu trên khi nhập khẩu vào EU.

Ethylene oxide là một hợp chất được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng rất hiệu quả dành cho sản phẩm nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, thị trường các nước ở châu Âu, Canada và Mỹ, thực phẩm được khử trùng bằng ethylene oxide là không được phép.

Theo hướng dẫn của EU, trước khi xuất khẩu các mặt hàng nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng chất ethylene oxide và chứng nhận theo mẫu tại quy định (EU) 2019/1793.

Để có cơ sở xem xét, chứng nhận phục vụ việc xuất khẩu các sản phẩm nêu trên vào EU, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương/Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị chứng nhận (nếu cần) kèm theo bằng chứng về thông tin được nêu về bộ.

Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp phối hợp với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước để lấy mẫu, kiểm nghiệm dư lượng chất ethylene oxide.

Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm và báo cáo xác nhận thông tin, Bộ Công Thương sẽ chứng nhận theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm xuất khẩu.

Còn tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể đăng ký qua hệ thống trực tuyến khi xuất khẩu mặt hàng tinh bột vào thị trường này.

Ngày 1-1-2022, Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc liên quan tới quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực, trong đó bao gồm việc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào nước này tiến hành đăng ký trên hệ thống trực tuyến https://cifer.singlewindow.cn/.

Hiện nay, thông tin đối với các mặt hàng tinh bột (mã HS 1108 và mã HS 3050) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cập nhật. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này có thể tự thiết lập tài khoản và đăng ký mặt hàng xuất khẩu trên hệ thống https://cifer.singlewindow.cn/ để được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cung cấp mã số đăng ký.

Danh sách 11 mã HS bao gồm tinh bột mì, tinh bột ngô (dùng làm thực phẩm), tinh bột khoai tây, tinh bột sắn…

Nhiều mặt hàng thực phẩm, tinh bột xuất khẩu từ Việt Nam những năm qua vào châu Âu đã bị trả về do vượt những quy định về an toàn thực phẩm. Nay với việc áp dụng những quy định này tại thị trường châu Âu và Trung Quốc, các nhà xuất khẩu phải chuẩn bị đủ hồ sơ đăng ký để đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới