(KTSG Online) – Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu, đang xem xét giảm bớt các yêu cầu báo cáo bền vững đối với doanh nghiệp. Mục đích là để giảm gánh nặng thủ tục và chi phí hành chính, giúp doanh nghiệp trong khối tăng cạnh tranh.
- Doanh nghiệp ‘toát mồ hôi’ vì chi phí tuân thủ bền vững ở châu Âu
- Áp lực tuân thủ ESG đè nặng lên doanh nghiệp châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét lại các yếu tố của Thỏa thuận Xanh (Green Deal), chính sách khí hậu chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp lo ngại về chi phí tăng cao và tình trạng thiếu khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ.
Đầu tháng này, các quan chức EC đã họp với giới doanh nghiệp để thảo luận về những thay đổi rộng rãi đối với các quy định về phát triển bền vững có hiệu lực trong năm nay.
Cuộc họp diễn ra sau khi EC đưa ra báo cáo nêu những lo ngại về tính cạnh tranh của nền kinh tế khu vực, nhấn mạnh cần giảm thủ tục hành chính, đồng thời ủng hộ quá trình khử carbon để giúp EU phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“EU phải khẩn trương giải quyết những rào cản lâu đời và điểm yếu về mặt cấu trúc đang kìm hãm EU. Trong hơn hai thập niên qua, châu Âu không thể theo kịp các nền kinh tế lớn khác do khoảng cách dai dẳng về tăng trưởng năng suất”, báo cáo lưu ý.
Báo cáo vạch ra một kế hoạch nhằm thúc đẩy nền kinh tế của khối và giúp các công ty trong khối nâng cao tính cạnh tranh trên toàn cầu. Các biện pháp dự kiến bao gồm giảm gánh nặng tuân thủ pháp lý cho các công ty, giảm các rào cản gây tổn hại đến dòng chảy thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên EU và cung cấp các cơ hội đào tạo tốt hơn cho người lao động.
Để giải quyết những lo ngại về gánh nặng tuân thủ pháp lý đối với các công ty, EU dự kiến đưa ra một đề xuất vào cuối tháng này để cắt giảm các yêu cầu báo cáo trong một số quy định phát triển bền vững quan trọng của khối.
Hai chính sách quan trọng đang được xem xét sửa đổi là Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) và Chỉ thị thẩm định phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). Những chỉ thị này được coi là sáng kiến mang tính bước ngoặt về khí hậu của EU, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tác động xã hội và môi trường từ hoạt động kinh doanh.
CSRD và CSDDD dự kiến được thực hiện theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm nay và năm sau, ban đầu chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp lớn nhất châu Âu trước khi mở rộng sang các doanh nghiệp vừa.
Trong một số trường hợp, các công ty nhỏ hơn được miễn trừ một số yêu cầu báo cáo bền vững. Tuy nhiên, các tổ chức đại diện cho các nhóm ngành kinh doanh phàn nàn rằng, doanh nhiệp nhỏ vẫn có thể bị ảnh hưởng gián tiếp nếu họ là nhà cung cấp hoặc khách hàng của doanh nghiệp lớn.
Các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động đáng kể tại châu Âu cũng được yêu cầu báo cáo theo các chỉ thị này.
CSRD và CSDDD vấp phải sự chỉ trích cả trong và ngoài EU, khi giới doanh nghiệp cho rằng, việc tuân thủ yêu cầu báo cáo bền vững sẽ làm tăng chi phí và cản trở quá trình kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp của EU lo ngại điều này sẽ khiến họ đánh mất sức cạnh tranh với các công ty cùng ngành ở Mỹ.
Trong những tuần gần đây, Pháp và Đức đều kêu gọi Brussels hoãn hoặc nới lỏng một số quy định báo cáo phát triển bền vững. Tại EU, các chỉ thị này đặc biệt vấp sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái chính trị cánh hữu, vốn xem các chính sách khí hậu góp phần gây ra lạm phát và thiếu khả năng cạnh tranh, dẫn đến suy thoái kinh tế.
Làn sóng phản đối các quy định khí hậu nghiêm ngặt của EU đã dẫn đến nhiều thay đổi. Tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí hoãn một năm đối với việc thực hiện quy định chống phá rừng (EUDR) do vấp phải sự phản đối của các công ty và chính phủ nước ngoài. EUDR nhằm mục đích buộc các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như trồng ca cao và cà phê phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt để xác định xem sản phẩm của họ có sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hay không.
Phòng Thương mại Mỹ tại EU cho biết, kế hoạch đơn giản hóa một số quy định phát triển bền vững của khối này sẽ là bài kiểm tra thực tế đầu tiên cho nỗ lực cải thiện gánh nặng tuân thủ pháp lý đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bày tỏ sự thất vọng trước viễn cảnh thay đổi các quy định.
“Các công ty đa quốc gia gồm các công ty lớn ở Mỹ đã đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực. Nhiều công ty đã tái cấu trúc đội ngũ và quy trình nội bộ nhằm tuân thủ hiệu quả nghĩa vụ báo cáo phát triển bền vững và thẩm định chuỗi cung ứng của EU”, Paul Mertenskötter, đối tác của hãng luật Covington & Burling nói.
Một số doanh nghiệp kêu gọi EC giữ nguyên các quy định hiện hành. Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào tháng trước, Nestle, Mars và Unilever cùng nhiều công ty khác nhấn mạnh, hoạt động đầu tư và khả năng cạnh tranh của họ “dựa trên sự chắc chắn về chính sách và khả năng dự đoán về mặt pháp lý”. Việc EC xem xét lại luật khí hậu hiện hành có nguy cơ làm suy yếu cả hai sáng kiến CSRD và CSDDD.
Các nhóm đại diện cho các nhà đầu tư sở hữu tài sản lên tới 6,8 ngàn tỉ đô la Mỹ cũng kêu gọi EU không lùi nước trước áp lực và duy trì các yêu cầu báo cáo bền vững nghiêm ngặt hơn.
Nhóm nhà đầu tư tổ chức về biến đổi khí hậu (IIGCC), Diễn đàn đầu tư bền vững châu Âu (EUROSIF) và Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) cho rằng, các quy định khí hậu hiện hành của EU giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro, xác định cơ hội và định hướng lại vốn theo hướng nền kinh tế phát thải ròng bằng zero (Net-Zero) cạnh tranh hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.
Thỏa thuận Xanh của châu Âu được coi là một trong những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch EC Von der Leyen. Hiện nay, khi bà bước vào nhiệm kỳ thứ hai, thành tích đó đang bị xem xét lại.
Khi được hỏi liệu EU có đi quá xa trong việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững hay không, bà cho biết quá trình chuyển đổi xanh chưa từng được thực hiện trước đây, vì vậy, EU cần phải linh hoạt và thực tế trong cách tiếp cận.
Tuy nhiên, bà khẳng định, châu Âu vẫn giữ nguyên lộ trình hướng đến nền kinh tế Net-Zero.
Theo WSJ