(KTSG) - Thường khi bước ra khỏi phòng chiếu - đặc biệt các phim chuyển thể văn học - tôi vẫn gặp cảm giác chông chênh do phim quá… hay, dở, vui, buồn, ám ảnh… Nhưng chưa bao giờ chống chênh vì một phim quá… khác nguyên bản.
Đó là trường hợp Eugénie Grandet của Marc Dugain. Cảm giác này rất mạnh bởi tôi từng xem nhiều phiên bản thế giới trung thành Balzac, đích thân năm 2018 đã dựng vở kịch về nàng Eugénie bất hạnh “khiến người xem rơi nước mắt”. Vậy rồi giữa Paris, tôi gặp nàng Eugénie bất… tuân.
Hiện thực, lãng mạn và phân tâm học
Vẫn là câu chuyện thời Phục hưng của chế độ quân chủ thế kỷ thứ 19, về lão Felix Grandet ở tỉnh lẻ Saumur, sống khổ hạnh với vợ con để che giấu sản nghiệp to lớn. Vẫn là sự xuất hiện bất ngờ của đứa cháu trai bảnh bao người Paris khiến cuộc sống thôn nữ Eugénie bị đảo lộn. Vẫn là tình yêu hào phóng của cô với chàng em họ mồ côi, khánh kiệt khiến ông bố tham lam nổi điên; nhưng Eugénie thế kỷ 21 không mềm yếu, mà cô gái tự giải phóng.
Như mọi dè dặt trước những cách tân đột ngột, chuyển thể này gây sốc, nhưng Dugain có lý khi nói chỉ muốn làm nổi bật âm vang câu chuyện cũ trong thời hiện tại. Rằng Balzac luôn có cách nhìn mến yêu, trắc ẩn về phụ nữ, và mỗi cuốn sách là cơ hội để ông nói lên thân phận nô lệ đau buồn của họ, cho nam giới, cho những nguyên tắc tôn giáo cổ hũ. Trong bộ phim bắt nguồn từ âm vang đó, Dugain đã cho mẹ con Eugénie sức mạnh.
Khi được nhận xét đây là bộ phim hiện thực chủ nghĩa hơn là lãng mạn, Dugain nói lên một ý riêng: “Eugénie là người yêu tình yêu trước khi gặp nó”. Eugénie của ông vì vậy không che giấu cảm xúc, luôn manh nha vùng thoát để bảo vệ tình yêu. Theo Dugain đó là phần lãng mạn của câu chuyện. Dù vậy bộ phim vẫn là một khảo cứu phong hóa xã hội như mục đích của Balzac, nơi những người đàn ông luôn là tù nhân của lợi ích nhỏ nhặt, còn phụ nữ có nhân cách hơn và sáng dạ hơn.
Qua bà Grandet, Dugain phác ra cách đọc Balzac mang tính phân tâm học, khi người đàn bà sống ẩn dật, buồn tẻ, trước phút lâm chung đã trăn trối với con một kết luận tinh tế, rằng mọi hành vi áp đặt của cha cô phản ánh ý chí quyền lực tuyệt đối trên con gái. “Ý tưởng này - Dugain nói - thường thấy trong báo cáo các vụ án loạn luân nhưng Balzac không đề cập, tôi vì thế không thể phản bội ông, mà chỉ giữ ý tưởng về sự chiếm hữu điên rồ”.
Là nhà văn thành công, Marc Dugain nhận hơn 30 giải văn học Pháp và quốc tế. Ông khởi sự viết tiểu thuyết năm 1998 với La chambre des officiers đoạt hơn 20 giải và được đạo diễn Francois Dupeyron chuyển thể ba năm sau. Marc Dugain bắt đầu sự nghiệp đạo diễn phim với Une execution ordinaire (2010) chuyển thể tiểu thuyết cùng tên. Sau đó là La bonté des femmes (2011) và L’échange des princesses (2017) được giải César.
Giống tiểu thuyết, Grandet trong phim là hiện thân chế độ phụ quyền - phương thức thống trị nảy nở trong bình minh chủ nghĩa tư bản. Grandet không tin Chúa nhưng sử dụng nhà thờ để nô dịch vợ con. Eugénie Grandet là câu chuyện về sự chiếm đoạt quyền lực bằng tôn giáo, tiền bạc, luân lý phụ quyền. Chính sự thống trị của chế độ phụ quyền là một trong những khía cạnh hiện đại của câu chuyện cổ, di họa đến hôm nay trong giáo dục, luật pháp, nghệ thuật…
Eugénie trong phim là nhân vật duy nhất có quan hệ với thiên nhiên, cho thấy nhiệt thành của đạo diễn với môi trường. Dugain nói sự tàn phá thiên nhiên có liên quan đến lòng tham - chủ đề then chốt của Balzac. Trong khi Grandet phá hoại thì con gái ông tìm thấy ở thiên nhiên sự an ủi, hướng thượng. Eugénie trong phim có một tâm linh tự tạo bên ngoài các gò bó tôn giáo, để chịu đựng ông cha tôn sùng chủ nghĩa duy vật.
Không minh họa sơ sài như các phiên bản trước, xem Eugénie Grandet của Dugain ta liên tưởng các bức tranh cổ, thấy bên cạnh khó khăn của các cảnh quay là thẩm mỹ tinh tế và tư duy thiết yếu. Chính ánh sáng, khung hình và nội lực diễn xuất đã tạo ra tính cách Eugénie thuần khiết trong khi tự Joséphine Japy không có gương mặt nạn nhân hay nổi loạn. Tương tự, Olivier Gourmet vai Grandet với vẻ ngoài nhân hậu đã khiến sự tàn bạo trở nên xảo quyệt.
Tuyên ngôn cho một thế giới công bằng
Hài hòa là một trong những từ Eugénie thốt ra ở cuối phim, cho thấy con người đạt đến sự hài hòa khi tìm được khoảng cách phải chăng với thế giới, đặc biệt khi ta có đủ phương tiện trở thành người tự do.
Chính Grandet, qua sự cưỡng bức nghiệt ngã, trớ trêu thay đã giúp con tách khỏi kiếp nô lệ đàn ông, tìm lại mối liên hệ với thiên nhiên. Không than khóc đau đớn, không lặp lại lối sống tôn sùng vật chất của cha như tiểu thuyết, Eugénie của Dugain trong cảnh cuối, trước viên công chứng đang choáng váng bởi thái độ tung hê tiền bạc của cô, đã thanh thản đến nhìn ra cửa sổ, nói về dự tính… du lịch. “Đó là lời chúc lạc quan bộ phim gửi đến mọi người, và theo cách nào đó triển khai tuyên ngôn vì một nhân loại có trách nhiệm hơn, bình đẳng hơn cho phụ nữ”. Dugain tuyên bố.
Chưa thật ưng xử lý đạo diễn, nhưng người viết hoan hô góc nhìn nhân văn của phim khi để con người nói chung được… đổi mới.