Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVN: chưa có chủ đầu tư dự án điện chuyển tiếp nào đàm phán hợp đồng mua bán điện

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đến ngày 18-3-2023,  vẫn chưa có chủ đầu tư dự án nào gửi hồ sơ chuẩn bị đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án chuyển tiếp.

Trong văn bản ngày 18-3, EVN cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, ngày 9-3 vừa qua, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị: (1) Rà soát các hồ sơ pháp lý của Dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng . (2) có ý kiến của Đơn vị vận hành Hệ thống điện về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến Dự án (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022). (3) Đồng thời các chủ đầu tư phải xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tháng 12/2020. Mặt khác, phải cung cấp các hồ sơ tài liệu của Dự án theo danh mục (10 tài liệu theo danh mục).

Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã bị ngừng thu mua do chưa đàm phán hoặc hết hợp đồng mua bán điện với EVN. Ảnh minh họa: BCT

Theo thông tin cập nhật, EPTC cho biết đến ngày 18-3, vẫn chưa có chủ đầu tư nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo các đề nghị nêu trên.

“Để có cơ sở triển khai theo đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EVN/EPTC mong muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”, phía EVN cho biết.

Thời gian vừa qua, nhiều dự án điện gió, mặt trời trong quy hoạch điện lực, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và các nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực này, nhưng đã không kịp mốc thời gian được hưởng cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Với điện gió là dự án không kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021 để hưởng giá FIT, còn điện mặt trời là trước 31/12/2020.

Để có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với EVN để xác định giá mua bán điện. Giá đàm phán nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với EVN qua Công ty mua bán điện EPTC

Điều kiện là các dự án có trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư tính đến 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng giá FIT theo các quyết định 13, 39 trước đó.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã gửi văn bản kiến nghị về việc không bán được điện vì dự án chưa kịp vận hành thương mại trước tháng 10/2021 hoặc hết hợp đồng mua bán điện mà chưa được đàm phán ký tiếp với EVN. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản vì vốn vay đến hạn phải trả ngày một lớn.

Phía Bộ Công Thương thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong quy hoạch nhưng chưa triển khai xây dựng và thi công đến 26-1-2022 để chờ rà soát theo quy hoạch điện mới.

Trên thực tế, trong văn bản số 12158/ BCT năm 2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo: Kể từ ngày 1-1-2017, nếu các nhà máy điện (trừ các nhà máy lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng và các nhà máy điện phối hợp vận hành với các nhà máy điện lớn nói trên) thì không có hợp đồng hoặc hết hợp đồng mua bán điện, giá điện hết hiệu lực thì không được huy động các nhà máy này phát điện lên lưới quốc gia, trừ trường hợp cực kỳ cần thiết.

Cũng theo Thông tư số 13 năm đó, EVN không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho các nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 15 quy định về cách tính khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp mà không đáp ứng được các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng đối với điện gió, điện mặt trời và Quyết định 21 về khung giá các dự án chuyển tiếp. Khung giá phát điện cho năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) được xây dựng tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư, chi phí vận hành bảo dưỡng, sản lượng điện và tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) cho các dự án đang triển khai một cách phù hợp.

Trước khi tái ký được các hợp đồng mua bán điện, EVN yêu cầu 85 chủ đầu tư thuộc diện trên phải hoàn tất hồ sơ pháp lý và tham khảo phương pháp đàm phán giá điện để các bên ngồi lại đàm phán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới