Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVN tiếp tục đề xuất được tăng giá điện vào tháng 9

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đầu tháng 5-2023, giá điện được điều chỉnh tăng 3%, tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại vừa đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9-2023. Thảo luận tại tổ, một số đại biểu Quốc hội đã đánh giá về đề xuất tăng giá lần hai trong năm 2023 để bù khoản lỗ dự kiến năm 2023 là 40.884 tỉ đồng của EVN.

Theo Cổng thông tin Văn phòng Chính phủ, trong báo cáo trình Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao.

Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ 26.463 tỉ đồng.

EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4-5, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỉ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỉ đồng.

EVN kiến nghị Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1-9-2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Theo Quochoi.vn, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, lý do tăng giá điện do EVN lỗ lớn, do tổn thất điện năng hay chi phí đầu vào tăng... là chưa thỏa đáng, chưa minh bạch. EVN cần giải trình rõ hơn về cách tính giá điện sinh hoạt, đồng thời báo cáo việc thực hiện tinh giản biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giá thành điện sản xuất, giải pháp cung cầu điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ra sao…

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, theo đó giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,01% so với tháng trước.

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và EVN báo cáo đầy đủ đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi thực hiện tăng giá điện và xem xét lại thang bậc tính giá điện đang chưa phù hợp với điều kiện thực tại.

Các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, không phải cứ thua lỗ là EVN xin tăng giá điện, chưa kể nhiều năm trước EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, đến nay việc thanh tra chưa công bố thông tin...

Trước mắt, EVN phải làm rõ các vấn đề còn tồn tại của ngành điện, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ trong đó có sự yếu kém trong quản trị, tiếp tục đổi mới và kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguyên liệu đầu vào, tính toán cơ cấu giá điện cho hợp lý nhất để người dân, doanh nghiệp và cả EVN không phải chịu thiệt, theo thông tin từ Quochoi.vn.

Bên cạnh đó, việc sản xuất điện cần phải song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải khi nhà nước đã đồng ý cho bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên khi điện được sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Nếu EVN tư vấn đầy đủ cho các chủ đầu tư dự án điện tái tạo thủ tục cấp phép hòa lưới điện, đàm phán giá công khai, minh bạch, sẽ không thiếu điện và không phải tăng giá điện.

1 BÌNH LUẬN

  1. Năm 2022 và cả mấy tháng đầu năm 2023, EVN luôn luôn khẳng định rằng EVN lỗ lớn vì giá nguyên liệu tăng, cụ thể là giá than tăng gấp mấy lần. Nhưng khi báo chí và đại biểu Quốc hội phát hiện trong năm 2022 các công ty nhiệt điện con của EVN, các công ty nhiệt điện tư nhân vẫn có lãi dù giá than tăng gấp mấy lần, thì một quan chức cấp trên của EVN nói EVN lỗ là do mua điện của các công ty nhiệt điện con của EVN, công ty nhiệt điện tư nhân giá cao rồi bán giá thấp. Vậy giá mua điện của EVN năm 2023 so với giá mua điện năm 2022 là năm EVN lãi lớn như thế nào, chẳng lẽ hợp đồng mua bán điện mỗi năm mỗi ký, năm 2023 mua giá cao hơn năm 2022, ai duyệt giá này. Tôi nhớ có một tập đoàn nổi tiếng thế giới khi đầu tư vào VN, năm nào cũng kêu lỗ nhưng đầu tư vào VN càng ngày càng nhiều, sau này mới phát hiện ra tập đoàn mẹ bán nguyên liệu giá rất cao cho công ty con ở VN, thành ra tập đoàn mẹ thì lãi lớn và công ty con thì lỗ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới