(KTSG Online) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giãn thời hạn thanh toán tiền than, cho vay than để duy trì hoạt động sản xuất điện do đang thiếu hụt dòng tiền.
- Giá điện tăng, người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
- EVN phê duyệt giá mua tạm thời nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Viên An
- Gần 4.000 doanh nghiệp ký thỏa thuận tiết kiệm điện
Trước diễn biến nắng nóng kéo dài, các hồ thủy điện hiện thiếu nước, còn nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh, xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5-2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5-2022.
Trong khi đó, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện đang gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Theo Cổng thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 2 đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện, đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than.
EVN cho biết, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.
Vì vậy, EVN mong muốn TKV và Tổng công ty Đông Bắc tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho EVN giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện.
EVN cũng có văn bản tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đề xuất vay 52.000 tấn than mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp nhận về cảng, để sử dụng nguồn nhiên liệu này cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.
EVN cho biết, giá than nhập khẩu đã tăng 3 lần so với năm 2022 khiến chi phí sản xuất điện tăng lên 47.000 tỉ đồng trong năm 2022; giá khí ăn theo giá dầu cũng tăng 5.500 tỉ đồng... Từ ngày 4-5, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT); mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3%, EVN ước thu về 8.000 tỉ đồng và chỉ đủ bù phần nào khoản lỗ 31.300 tỉ đồng EVN đang gánh.