Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

FAO: sản lượng gạo của Việt Nam giảm trong niên vụ 2024-2025

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) dự báo, sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong niên vụ 2024-2025, đạt 534,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với niên vụ trước nhưng thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. Với Việt Nam, sản lượng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này đều suy giảm trong niên vụ mới.

FAO dự đoán, sản lượng gạo sản xuất và xuất khẩu đều suy giảm trong niên vụ 2024-2025. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo Triển vọng Thực phẩm thế giới của FAO, công bố hôm 13-6, cho biết với sản lượng gạo dự kiến tăng 0,6% lên 478,9 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, châu Á sẽ chiếm phần lớn mức tăng của sản lượng gạo toàn cầu.

Theo đó, giá gạo cao và sự hỗ trợ của các chính phủ ​​sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích trồng lúa gạo trong niên vụ mới. Trong khi đó, năng suất lúa gạo ở châu Á có thể cải thiện khi các điều kiện khô hạn của hiện tượng El Niño suy yếu dần.

“Tại khu vực châu Á, Bangladesh, Ấn Độ và Philippines đều sẽ đạt sản lượng thu hoạch kỷ lục nhờ điều kiện trồng trọt được cải thiện và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Nỗ lực mở rộng diện tích trồng lúa để tận dụng mức giá hấp dẫn cũng được dự đoán sẽ thúc đẩy sản lượng gạo ở Campuchia, Nepal và Pakistan”, theo báo cáo.

Với năng suất tốt hơn, FAO kỳ vọng diện tích trồng lúa của Trung Quốc sẽ mở rộng trong niên vụ mới sau ba năm suy giảm. Sản lượng gạo của nước này dự kiến tăng 0,6%, lên 142,3 triệu tấn trong niên vụ mới. Sản lượng gạo cũng sẽ phục hồi ở Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở những nơi khác trong khu vực, triển vọng kém tích cực hơn. Chẳng hạn, tại Thái Lan, triển vọng tăng trưởng sản lượng gạo bị hạn chế vì việc trồng trọt có thể bị trì hoãn do tình trạng khô hạn vào đầu mùa cùng với những bất ổn xung quanh các cải cách liên quan đến các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

FAO dự báo, sản lượng ​​gạo trong vụ mùa mới sẽ suy giảm ở Hàn Quốc, Myanmar, Malaysia, Timor-Leste, Việt Nam và Indonesia. Với Việt Nam, sản lượng gạo sẽ đạt 27,8 triệu tấn trong niên vụ 2024-2024, giảm 1,4% so với niên vụ trước.

Châu Phi sẽ hướng tới năm thứ liên tiếp mở rộng sản xuất gạo, với sản lượng dự kiến đạt tổng cộng 28,4 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, tăng 4% so với niên vụ trước và đánh dấu mức cao kỷ lục.

Trong năm nay, thương mại gạo quốc tế giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 51,4 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm. Về phía nhập khẩu, các nước châu Phi dự kiến giảm mua gạo trong niên vụ mới. Nhập khẩu gạo của các nước châu Á có thể ổn định ở mức tương đối mạnh mẽ. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu ​​tăng ở các khu vực khác.

Về xuất khẩu, Ấn Độ đóng góp phần lớn sự sụt giảm thương mại gạo toàn cầu do các hạn chế hiện tại đối với hoạt động xuất khẩu gạo trắng phi basmati và gạo tấm. Tuy nhiên, với sản lượng xuất khẩu dự kiến đạt gần 15,4 triệu tấn trong năm 2024, Ấn Độ vẫn nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới.

FAO cho biết, đối với các nhà xuất khẩu gạo ở Đông Nam Á, triển vọng của Việt Nam sẽ suy giảm so với năm 2023 và Myanmar sẽ ở “dưới mức tiềm năng”. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể vẫn ở gần mức 8,6 triệu tấn của năm 2023.

Với Campuchia, triển vọng xuất khẩu sẽ do nhu cầu xuyên biên giới mạnh mẽ từ Việt Nam để tiêu dùng nội địa và tái xuất khẩu. Sản lượng gạo của Campuchia sẽ tăng 1,8% lên 7,9 triệu tấn trong năm nay, trở thành nước sản xuất gạo lớn thứ 10 thế giới sau khi vượt qua Brazil và Nhật Bản vào năm ngoái.

Trung Quốc được dự báo là nước sản xuất gạo lớn nhất trong niên vụ này, tiếp theo là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Pakistan.

Tỷ lệ sử dụng gạo của thế giới trong niên vụ mới dự kiến tăng lên 531,4 triệu tấn, nguồn cung dồi dào giúp thúc đẩy tăng trưởng việc sử dụng gạo trong thực phẩm. Dù vậy, do sản lượng gạo cao kỷ lục nên dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ tăng thêm 2,7%, lên mức cao nhất lịch sử là 205,1 triệu tấn. Tuy nhiên, không giống các niên vụ trước, dự trữ gạo sẽ ít tập trung hơn và tăng lên ở nước xuất khẩu lẫn nước nhập khẩu.

FAO ghi nhận, giá gạo trên thị trường quốc tế đã dịu lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Trong tháng 4, chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO ở mức trung bình 137,3 điểm, giảm 2,7% so với cuối năm 2023 nhưng cao hơn 7,5% so với cuối năm 2022.

Theo Fao.org

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới