Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Fed chịu áp lực tăng lãi suất cao hơn dự kiến vì lạm phát còn ‘nóng’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá tiêu dùng ở Mỹ vẫn còn neo ở mức cao vào đầu năm nay do chi phí nhà ở tăng mạnh và giá năng lượng lần đầu tiên tăng trở lại trong 3 tháng. Đó là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát vẫn dai dẳng và có thể thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thậm chí lên cao hơn dự kiến trước đó.

Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 6,4% so với một năm trước, cao hơn mức dự báo tăng 6,2% của các nhà kinh tế. Ảnh: Getty

Đà giảm giá cả tiêu dùng chững lại

Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14-2. Đây là mức tăng CPI hàng tháng cao nhất trong ba tháng qua do chi phí năng lượng và nhà ở cao. CPI của Mỹ trong tháng trước tăng 6,4% so với một năm trước đó, chỉ giảm nhẹ so với mức tăng 6,5% trong tháng 12.

CPI cốt lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 0,4% trong tháng trước và cao hơn 5,6% so với một năm trước đó. Các nhà kinh tế coi thước đo này là một chỉ báo tốt hơn về lạm phát.

Tốc độ tăng hàng năm của cả hai thước đo lạm phát nói trên đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế và cho thấy đà giảm giá cả tiêu dùng chậm hơn nhiều so với những tháng gần đây. Các mức tăng lạm phát trong tháng 1 đều cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Các số liệu lạm phát, khi kết hợp với dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến trong tháng 1 và các dấu hiệu về sức tiêu dùng ổn định của người Mỹ cho thấy áp lực giá cả vẫn còn bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed.

Các chi tiết của báo cáo lạm phát cho thấy chi phí nhà ở là nguồn đóng góp lớn nhất cho mức tăng lạm phát hàng tháng, chiếm gần một nửa mức tăng CPI tổng thể. Giá ô tô cũ, yếu tố chính khiến lạm phát hạ nhiệt trong những tháng gần đây, đã giảm tháng thứ bảy liên tục. Nhưng giá năng lượng tăng trở lại lần đầu tiên trong ba tháng.

Trong khi một thị trường việc làm mạnh mẽ đã củng cố tăng trưởng tiền lương trong những tháng gần đây, lạm phát đã làm xói mòn những mức tăng đó vào tháng 1. Một báo cáo riêng cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giảm 0,2% so với tháng trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6-2022.

Tất cả những dữ liệu trên cho thấy các quan chức Fed có cơ sở khi họ nói Fed cần tăng lãi suất hơn và có thể lên mức đỉnh cao hơn so với dự kiến trước đây. Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Santander U.S. Capital Markets, nói: “Chừng nào chi phí nhà ở còn tăng nhanh như hiện nay, sẽ rất khó để kéo lạm phát xuống gần mức mà Fed mong muốn”.

Các quan chức Fed cảnh báo tăng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến

Con đường để Mỹ hướng đến giá cả ổn định có thể sẽ vừa dài vừa gập ghềnh. Tình trạng hạ nhiệt giá hàng hóa dường như đang mất động lực và sức mạnh của thị trường lao động tiếp tục gây ra những rủi ro tăng tiền lương và giá dịch vụ.

Các quan chức Fed cảnh báo lãi suất cần tăng lên mức cao hơn dự kiến trước đó để bảo đảm lạm phát tiếp tục giảm. Hồi tháng 12, các quan chức Fed dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức đỉnh khoảng 5,1% trong năm nay.

Trao đổi với Bloomberg hôm 14-2, Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ khu vực Richmond (1 trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ), cho rằng nếu lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu của Fed trong thời gian dài, “có lẽ chúng tôi cần phải hành động nhiều hơn nữa”.

Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ khu vực Dallas, nói: “Chúng ta phải sẵn sàng tăng tiếp lãi suất trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây nếu đó là con đường cần thiết để đáp ứng với những thay đổi trong triển vọng kinh tế hoặc để bù đắp bất kỳ sự nới lỏng không mong muốn nào trong các điều kiện tài chính”.

Logan nhận định lạm phát của Mỹ đang bình thường hóa nhưng giảm chậm. Bà nhấn mạnh có hai rủi ro đối với chính sách tiền tệ hiện nay: hành động không đầy đủ, khiến lạm phát tăng trở lại, và thắt chặt chính sách quá mức, gây ra tổn thương quá lớn trên thị trường lao động. Bà lưu ý rủi ro lớn nhất là hành động không đầy đủ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đặc biệt lo lắng trước đà tăng của giá cả dịch vụ, một phần do tình trạng thiếu lao động trầm trọng hơn kể từ sau  đại dịch Covid-19. Trong tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 1969.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng còn nhiều điều cần phải làm để kiềm chế lạm phát.

Ông nói trong một tuyên bố hôm 14-2: “Lạm phát ở Mỹ đang tiếp tục giảm. Đó là tin tốt cho các gia đình và doanh nghiệp trên cả nước. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm khi chúng ta chuyển tiếp sang tăng trưởng ổn định hơn và có thể có những trở ngại trong tiến trình này”.

 Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới