(KTSG Online) – Số lượng việc làm mới ở Mỹ tăng mạnh ngoài dự kiến trong tháng 9, cho thấy thị trường lao động vẫn còn ‘nóng’, có thể buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Nhưng quan chức Fed có thể hài lòng khi tăng trưởng tiền lương của người lao động chậm lại trong tháng trước.
- Fed có thể phải đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái để chiến thắng lạm phát
- Fed báo hiệu duy trì lãi suất cao trong thời gian dài
Số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 336.000 trong tháng 9, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong báo cáo việc làm được theo dõi chặt chẽ hôm 6-10. Dữ liệu việc làm trong tháng 8 cũng được điều chỉnh cao hơn, cho thấy có thêm 227.000 việc làm mới, thay vì 187.000 như báo cáo trước đó. Các nhà kinh tế dự báo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng thêm 170.000 trong tháng 9.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 ở mức 3,8%, không tăng so tháng 8, trong khi đó, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động tăng 0,2%, chậm hơn mức dự báo 0,3%.
Báo cáo trên sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Fed một điểm dữ liệu quan trọng để xác định sứ mệnh kiềm chế lạm phát của họ có thành công hay không, hay liệu lãi suất, vốn đã ở mức cao nhất trong 22 năm, có cần tăng thêm hay không. Fed sẽ tiến hành cuộc họp chính sách tiếp theo vào cuối tháng 10.
Sau khi số việc việc làm được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 vì thị trường kỳ vọng Fed sẽ phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài.
Nhưng Tổng thống Joe Biden đánh giá cao các số liệu, nhấn mạnh rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức dưới 4% trong khoảng thời gian dài nhất trong 50 năm, trong khi lạm phát đang ở mức thấp nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.
Báo cáo việc làm bùng nổ của Mỹ làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Fed có cần tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay hay không. Các nhà kinh tế và nhà phân tích đang chia rẽ về sức mạnh của dữ liệu và mức độ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của Fed.
“Nền kinh tế mạnh hơn dự kiến với nhiều người được tuyển dụng hơn và mức lương cao hơn. Tất cả điều này có khả năng thúc đẩy lạm phát và có thể khuyến khích Fed tăng lãi suất một lần nữa”, Tim Ghriskey, nhà chiến lược danh mục đầu tư cấp cao của Ingalls & Snyder, nói.
Jason Pride, giám đốc đầu tư của The Glenmede Trust, cho rằng dù số liệu việc làm tăng nhanh hơn dự báo nhưng tình hình chưa đến mức quá xấu vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối bằng phẳng và thu nhập theo giờ của người lao động chỉ tăng trung bình 0,2% trong tháng 9.
“Nhưng có lẽ đây vẫn được coi là một báo cáo việc làm mạnh mẽ, gây áp lực buộc Fed phải tiếp tục xem xét tăng lãi suất vào tháng 11”, Pride nhận định.
Theo Michael Brown, nhà phân tích thị trường của Trader X, rõ ràng thị trường việc làm của Mỹ vẫn kiên cường và tiếp tục gây ấn tượng dù Fed đã tăng lãi suất 500 điểm cơ bản trong 18 tháng qua.
Ông cho biết, thị trường giờ đây xem xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm là 50/50.
Ajay Rajadhyaksha, người đứng đầu bộ phận lãi suất của ngân hàng Barclays, cho rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất cao hơn trừ khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng vào tuần tới cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt.
Helen Given, nhà phân tích ngoại hối của Monex USA, suy đoán Fed có thể vẫn hài lòng với báo cáo việc làm mới nhất vì thu nhập trung bình theo giờ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,8%.
Theo Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, mức tăng trưởng lương đang chậm lại, và đối với bà, “đó là thước đo quan trọng nhất”.
Tăng trưởng tiền lương suy yếu, giúp các nhà hoạch định chính sách của Fed bớt lo lắng về tình trạng thắt chặt của thị trường lao động. Họ có thể đánh giá rằng đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt như mong muốn của họ.
“Mối quan tâm lớn nhất của thị trường này là lãi suất. Dữ liệu việc làm mới nhất củng cố khả năng Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn và điều này được coi là tiêu cực đối với cổ phiếu”, Rick Meckler, đối tác của Cherry Lane Investments, nói.
Theo Reuters, Financial Times