Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Fed lo ngại rủi ro nợ của lĩnh vực bất động sản thương mại

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia bình ổn tài chính của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo. lãi suất cao đang làm gia tăng rủi ro của các khoản nợ từ lĩnh vực bất động sản thương mại của Mỹ, bao gồm phân khúc cao ốc văn phòng cho thuê.

Bảng rao cho thuê văn phòng trước một cao ốc ở Miami, bang Florida. Tính đến cuối quí 1, tỷ lệ trống ở các cao ốc văn phòng trên toàn nước Mỹ lên mức cao kỷ lục 16,9% so với 12,4% cách đây hai năm, theo hãng tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL). Ảnh: Getty

Trong báo cáo bình ổn tài chính định kỳ công bố hôm 7-5, chuyên gia của Fed và các chuyên gia thị trường tham gia cuộc khảo sát của cơ quan này xem bất động sản thương mại là một lĩnh vực cần phải theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh.

Để kìm hãm lạm phát, Fed đã tăng chi phí vay nhanh chóng trong năm qua, lên hơn 5% từ mức sát zero vào đầu năm 2022. Cho đến nay, hậu quả từ sự thay đổi lãi suất đột ngột thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng khu vực ở Mỹ đã sụp đổ hoặc đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong những tuần gần đây, một phần do họ không có kịch bản ứng phó chi phí đi vay ngày càng cao.

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của Fed nhận định, các đợt tăng lãi suất trong năm qua có thể khiến các chủ bất động sản thương mại không thể tái cấp vốn cho các khoản vay sắp đến thời hạn tất toán của họ. Các chuyên gia nhận định mức định giá bất động sản thương mại ở Mỹ vẫn còn cao.

“Mức độ điều chỉnh giá trị bất động sản trong thời gian tới có thể rất lớn, có thể dẫn đến thua lỗ tín dụng đối với những người bên nắm giữ nợ bất động sản thương mại”, báo cáo của Fed cho biết và lưu ý, nhiều bên nắm giữ nợ bất động sản thương mại là các ngân hàng nhỏ.

Ngân hàng Morgan Stanley cho biết, gần 1.500 tỉ đô la nợ của lĩnh vực bất động sản thương mại ở Mỹ sẽ đến hạn thanh toán trước năm 2025. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo mức định giá của bất động sản văn phòng và bán lẻ ở Mỹ có thể giảm sâu đến 40% so vối mức đỉnh, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Tính đến cuối quí 1, tỷ lệ trống ở các cao ốc văn phòng trên toàn nước Mỹ lên mức cao kỷ lục 16,9% so với 12,4% cách đây hai năm, theo hãng tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL).

Những nhận xét của Fed về bất động sản thương mại được đưa ra vào thời điểm nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ lĩnh vực này. Những người này bi quan về triển vọng của phân khúc cao ốc văn phòng ở khu vực trung tâm của các thành phố, nơi nhân viên chưa quay trở lại làm việc đầy đủ sau khi chuyển sang làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Fed bao gồm một cuộc khảo sát với 25 chuyên gia của các công ty môi giới bất động sản, quỹ đầu tư, tổ chức nghiên cứu và tư vấn và các trường đại học.

Các chuyên gia xếp hạng bất động sản thương mại là mối lo ngại lớn thứ tư đối với sự định tài chính của Mỹ, đứng sau các rủi ro từ việc tăng lãi suất, căng thẳng của ngành ngân hàng, căng thẳng Mỹ-Trung nhưng đứng trước cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng bế tắc về việc nâng giới hạn nợ công.

Theo báo cáo của Fed, nhiều chuyên gia xem bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là nguyên nhân gây ra rủi ro hệ thống trong bối cảnh lãi suất cao hơn. Mức định giá của cao ốc văn phòng suy yếu và nhu cầu thuê của khách hàng doanh nghiệp đang thay đổi trước xu hướng làm việc từ xa.

Báo cáo bình ổn tài chính của Fed cũng tập trung vào những rủi ro mà nền kinh tế Mỹ đối mặt do bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng gần đây. Cuộc khảo sát của Fed đối với các lãnh đạo cấp cao ở bộ phận cho vay của 65 ngân hàng Mỹ và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Mỹ cho thấy, nhu cầu đối với nhiều loại khoản vay giảm trong những tháng đầu năm, đồng thời các điều kiện cho vay ngày càng khó khăn hơn.

Theo cuộc khảo sát, 46% ngân hàng được hỏi cho biết đã thắt chặt các điều khoản tín dụng đối mảng cho vay kinh doanh dành cho doanh nghiệp lớn và trung bình, tăng so với 44,8% trong cuộc khảo sát hồi tháng 1. Với các doanh nghiệp nhỏ, các điều kiện cho vay đã thắt chặt hơn ở 46,7% ngân hàng được hỏi, tăng so với 43,8% trong cuộc khảo sát lần trước.

Theo các ngân hàng lớn ở Mỹ (những nơi có ít nhất 250 tỉ đô la Mỹ tài sản), cho vay chậm lại là do triển vọng kinh tế không chắc chắn. Trong khi đó, đa số các ngân hàng có quy mô trung bình, có từ 50-250 tỉ đô la tài sản và các ngân hàng khác viện dẫn những lo ngại về vị thế thanh khoản, dòng tiền gửi bị rút ra và chi phí huy động vốn cao là lý do khiến nhà băng phải siết chặt hoạt động cho vay.

Báo cáo của Fed cho biết, những lo lắng về thanh khoản có thể “khiến các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác thu hẹp hơn nữa nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế”.

Báo cáo nhận định, sự sụt giảm mạnh nguồn cung tín dụng sẽ làm tăng chi phí cấp vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, gây trì trệ các hoạt động kinh tế. Các chuyên gia của Fed cảnh báo nếu các ngân hàng đột ngột giảm cho vay mạnh thì có thể gây ra tác động dây chuyền trong nền kinh tế, làm gia tăng căng thẳng tài chính và rủi ro vỡ nợ của một số công ty mắc nhiều nợ.

Theo New York Times, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới