(KTSG Online) - Phiên họp thường niên của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ quốc tế trong cuối tuần trước đã cho thấy, lo ngại về suy thoái không lay chuyển được nỗi sợ về lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
- Dầu thô tăng giá vì tín hiệu cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+
- Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận giúp các công ty Trung Quốc thoát nguy cơ hủy niêm yết ở Mỹ
- Ngân hàng Nhà nước trở lại ‘hút ròng’ hơn 88.000 tỉ đồng
Tại hội nghị Jackson Hole cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định sẽ ứng xử kiên quyết và kiên nhẫn hơn với lạm phát. Ông nhấn mạnh việc ổn định lạm phát có thể đòi hỏi duy trì chính sách thắt chặt trong thời gian dài và tỏ ý lo ngại về chính sách nới lỏng quá sớm.
Điều này đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thắt chặt, lãi suất tiếp tục được nâng lên để ứng phó với lạm phát. Việc tăng lãi suất sẽ được quyết định trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) vào ngày 20-9 tới nhưng trong bài phát biểu mới nhất, đại diện của Fed không nhắc đến mức tăng và chỉ cho biết quyết định sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu.
Phát biểu của Chủ tịch Fed tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, vốn lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua tại Mỹ, cũng là thách thức lớn của nhiều nền kinh tế khác. Theo ông Powell, cái giá của chính sách giảm lạm phát sẽ "khá đau đớn" nhưng nếu không ổn định được lạm phát thì “nỗi đau” sẽ còn lớn hơn nhiều.
Trước cuộc họp thường niên trên, các nhà phân tích vẫn chia hai dòng dư luận. Trong đó, có kỳ vọng Fed sẽ “nương tay” hơn khi các số liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Phiên họp trên rõ ràng cho thấy lo ngại về suy thoái không lay chuyển được nỗi sợ về lạm phát của Fed.
Bài phát biểu của lãnh đạo Fed ngay lập tức tiếp thêm sức mạnh cho đồng đô la Mỹ và ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán.
Chỉ số Dollar Spot Index của Bloomberg đã tăng 0,4% sau khi giảm 0,5% trước đó. Tính đến đầu ngày 29-8 (giờ Việt Nam), chỉ số này tăng lên mức hơn 109 điểm, tương ứng tăng 0,47% so với cuối tuần trước, trở lại sát mức đỉnh ngày 22-8 là 109,046 điểm.
Còn thị trường chứng khoán ngay lập tức giảm mạnh sau bài phát biểu của Fed vì lo ngại lãi suất tiếp tục tăng. Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.008 điểm, tương đương giảm mạnh 3,03%, tương tự chỉ số S&P 500 giảm 3,37%, chỉ số Nasdaq giảm 3,94%. Tính theo tuần, ba chỉ số này lần lượt giảm mạnh 4,2%, 4% và 4,4%.
Đồng đô la Mỹ tiếp tục xu hướng tăng khiến thị trường vàng chịu ảnh hưởng nặng. Giá vàng giao ngay giảm 1,2%, xuống mức 1.738,28 đô la/ounce và dự kiến kết thúc tuần giảm 0,5%. Vàng giao sau kỳ hạn tháng 12 (sàn Comex) giảm 1,2%, xuống 1.749,8 đô la.
Theo Bart Melek, chuyên gia phân tích chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, được Kitco News dẫn lại, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng Fed sẽ giảm nhẹ đà tăng lãi suất khi kinh tế chậm lại nhưng điều này sẽ không xảy ra và thị trường kim loại quý sẽ tiếp tục chịu áp lực cao.
Ở diễn biến khác, giá dầu giảm nhẹ trước thông tin từ Fed nhưng sau đó lại tăng lên. Theo đó, dầu Brent đã tăng 4,4% trong tuần, còn WTI tăng 2,5%. Giá dầu tiếp tục tăng vì tín hiệu từ Arab Saudi rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh có thể cắt giảm sản lượng.
Theo đánh giá của Commerzbank, dường như Arab Saudi không sẵn sàng cho việc giá dầu có thể giảm xuống dưới mức 90 đô la/thùng. Giá dầu WTI (sàn NYMEX) đã bật tăng từ mức 86,53 đô la/thùng hồi giữa tháng 8, nay lên trên mức 92,81 đô la/thùng.
Tại Việt Nam, tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ không có nhiều biến động trong tuần qua. Tỷ giá đô la niêm yết của Vietcombank ở mức 23.570 đồng/đô la, tăng nhẹ khoảng 25 đồng so với hồi đầu tuần, trong khi tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ 10 đồng, niêm yết ở mức 23.212 đồng/đô la.
Giá vàng miếng SJC được Doji niêm yết ở mức 66,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm giảm khoảng 250.000 đồng/lượng so với đầu tuần và 66 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào,giảm khoảng 50.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng đang dao động quanh mức 1.750 đô la/Mỹ. Kết quả khảo sát vàng hàng tuần của Kitco cho thấy, chỉ có số chuyên gia kỳ vọng giá vàng cao hơn và giảm trong tuần này là bằng nhau (38%), số còn lại giữ quan điểm trung lập.