(KTSG Online) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất và phát thông điệp không vội vàng nới lỏng tiền tệ cho đến khi nắm chắc chắn hơn về hướng đi chính sách thương mại của Nhà Trắng.
- Chính sách của Fed trong năm 2025 tùy thuộc nhiều vào ông Donald Trump
- Fed giữ nguyên lãi suất, hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày hôm 7-5, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, quyết định giữ nguyên lãi suất ở biên độ từ 4,25-4,5%, vốn duy trì kể từ tháng 12-2024.
FOMC đánh giá, rủi ro về tình trạng thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn đã gia tăng. FOMC cũng tuyên bố sẽ tiếp tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, nợ của cơ quan chính phủ và chứng khoán được thế chấp bằng thế chấp. Điều này có nghĩa là Fed có ý định tiếp tục thắt chắt định lượng qua việc giảm thanh khoản được giải phóng vào thị trường bằng cách tiếp tục bán hoặc không tái đầu tư các tài sản đã mua trước đó để kích thích kinh tế.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Fed kể từ thông báo áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump hồi tháng trước.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell ghi nhận, rủi ro lạm phát và thất nghiệp tăng cao đã tăng lên. Ông nhấn mạnh, kịch bản đó sẽ buộc Fed phải cân nhắc sự lựa chọn khó khăn giữa việc hạ chi phí vay để hỗ trợ thị trường việc làm hoặc giữ nguyên chi phí ở mức cao để kiềm chế áp lực giá cả.
Người đứng đầu Fed giải thích, sự không chắc chắn về phạm vi và quy mô của thuế quan cũng như kết quả của các cuộc đàm phán thương mại sắp tới khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed phải tạm dừng hành động
“Nếu không có bước ngoặt quyết định trong dữ liệu kinh tế sắp tới của Mỹ, FOMC có thể tiếp tục tạm dừng hành động vô thời hạn. FOMC đang chờ đợi sự xác tín về việc liệu động thái tiếp theo có phải là cắt giảm lãi suất dựa trên nền kinh tế đang tiến tới suy thoái hay là động thái hướng tới chính sách hạn chế hơn do lạm phát cao đang ăn sâu vào nền kinh tế”, James Egelhof, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng BNP Paribas bình luận.
Tổng thống Trump đã công bố một loạt mức thuế quan đối ứng lớn hơn dự kiến hồi đầu tháng Tư nhưng sau đó đã tạm dừng triển khai trong 90 ngày. Tuy nhiên, Mỹ vẫn áp thuế thêm 145% đối với hàng Trung Quốc. Chính sách thuế quan chập chờn đã gây ra một làn sóng bất ổn trên toàn nền kinh tế Mỹ.
Trong khi thuế đối ứng đang được đàm phán, các nhà kinh tế dự đoán, quy mô áp thuế trên diện rộng sẽ đẩy giá cả tiêu dùng lên cao, gây sức ép lên tăng trưởng của Mỹ.
Trong những tuần gần đây, ông Powell hứng sự chỉ trích gay gắt của Tổng thống Trump vì không giảm lãi suất. Trong cuộc trao đổi với báo chí hôm qua, ông Powell cho biết, lời kêu gọi Fed giảm lãi suất của ông Trump hoàn toàn không ảnh hưởng đến công việc của FOMC
“Chúng tôi sẽ luôn làm điều tương tự, đó là sẽ sử dụng các công cụ để thúc đẩy việc làm tối đa và ổn định giá cả vì lợi ích của người dân Mỹ”, ông nói.
Vị chủ tịch Fed nhấn mạnh, Nhà Trắng đang ở vị thế tốt hơn để giải quyết những rủi ro và bất ổn đang gia tăng và tình hình thực sự có vẻ như đang tiến triển theo hướng đó. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ họp vào cuối tuần này tại Thụy Sĩ để thảo luận về thuế quan.
Mối lo ngại về suy thoái đã gia tăng ở Mỹ và nhiều doanh nghiệp tạm dừng các quyết định đầu tư do sự không chắc chắn của chính sách thuế qua. Thế nhưng, thị trường lao động Mỹ vẫn kiên cường, với việc các nhà tuyển dụng bổ sung 177.000 việc làm trong tháng Tư. Các quan chức Fed mô tả tình hình thị trường lao động là “vững chắc”.
Dù tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã trở nên u ám trong bối cảnh các thông báo thất thường về thuế quan thất thường, ông Powell cho biết, các dữ liệu thực tế vẫn vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế lành mạnh.
“Fed rất phụ thuộc vào các chính sách đưa ra từ Nhà Trắng. Cơ quan này đang ở tình thế phản ứng ‘chạy theo’ chính sách”, Claudia Sahm, nhà kinh tế trưởng của New Century Advisors nói.
Các nhà kinh tế nhận định, sẽ mất thời gian để nền kinh tế Mỹ “ngấm” đầy đủ tác động từ chính sách thuế quan. Cho đến nay, tác động chủ yếu là suy giảm mạnh về tâm lý của người tiêu dung và doanh nghiệp cũng như sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu.
Trên thị trường tương lai, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fee thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với xác suất bắt đầu cắt giảm vào tháng Bảy là 85%. Hầu hết nhà kinh tế và nhà đầu tư đều không kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tiếp theo trong tháng tới.
Theo Bloomberg, CNBC