Thứ Hai, 15/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Festival Áo Bà Ba – tương tác văn hóa, động lực của phát triển bền vững

T.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Festival Áo Bà Ba sẽ diễn ra trong ba ngày (từ 29-9 đến 1-10-2023) tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (2004-2024) với chủ đề “Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”. Festival Áo Bà Ba do UBND tỉnh Hậu Giang, Công ty VietMode, ISC – Innovation Services Center, Trung tâm Giáo dục STEAMZone và Saigon Times Foundation phối hợp tổ chức.

Ông Saadi Salama (thứ tư từ trái sang), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và tìm hiểu về tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là Festival Áo Bà Ba – Hậu Giang năm 2023 sắp diễn ra tại đây. Ông Saadi Salama mặc Áo Bà Ba tại buổi họp báo Festival Áo Ba Ba ngày 5-9.

Nhắc đến Áo Bà Ba là nghĩ ngay đến vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Nam bộ. Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, sẽ thấy rằng “bộ ba” Áo Bà Ba, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ. Áo Bà Ba là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở; là hồn Việt từ mấy trăm năm qua kể từ khi cha ông khai phá mảnh đất phương Nam.

Được sống trong vùng có lợi thế về tự nhiên và truyền thống văn hóa là nhờ công sức của cha ông, vì thế thế hệ ngày nay phải có trách nhiệm xây dựng và phát triển một hệ sinh thái kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững – tuần hoàn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển bền vững – tuần hoàn không chỉ chú trọng về kinh tế mà còn phải quan tâm đến văn hóa, sao cho phù hợp với bối cảnh hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được bản sắc truyền thống. Như Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định, phát triển văn hóa phải song song với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; hay nói cách khác văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa phải được quan tâm đầu tư để phát triển bền vững, tạo nguồn lực để phát triển ngành dịch vụ-du lịch, nâng cao sự trân trọng của cộng đồng trong nước và quốc tế đối với di sản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

“Festival Áo Bà Ba chính là sự kiện văn hóa góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước. Chính vì thế, Festival Áo Bà Ba không chỉ là màn trình diễn thời trang Áo Bà Ba thông thường mà là một lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam bộ”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.

Festival Áo Bà Ba diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ca nhạc, ẩm thực, triển lãm ảnh, thi vẽ tranh, diễu hành… mang đậm giá trị truyền thống dân tộc, hơi thở văn hóa Nam bộ kết hợp với các hoạt động đa dạng khác, với điểm nhấn là Chương trình trình diễn nghệ thuật về Áo Bà Ba, Triển lãm ảnh Áo Bà Ba từ xưa đến nay, Ẩm thực truyền thống Nam bộ cùng các buổi biểu diễn Đờn ca tài tử. Sân khấu biểu diễn được thiết kế ngoài trời, nằm trong khu văn hóa Hồ Sen để vừa là khu biểu diễn nghệ thuật, vừa là khu ẩm thực (với nhiều món ăn được chế biến từ khóm và cá thát lát cườm là hai sản phẩm nông thủy sản của Hậu Giang) và là nơi diễn ra những trò chơi dân gian thú vị; trong khi đó triển lãm ảnh, thi vẽ tranh sẽ diễn ra tại khu công viên bờ kè Xà No.

Tổng đạo diễn Festival Áo Bà Ba, Nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh: “Thông điệp mà Festival Áo Bà Ba muốn truyền tải đến mọi người trong và ngoài nước là sự thấu hiểu những bản sắc văn hóa tốt của miền sông nước Nam bộ, phản ánh những thành tựu mà dân tộc Việt Nam đã đạt được trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính bản sắc văn hóa tốt của mỗi dân tộc là thông điệp có giá trị cho cuộc sống và định vị thương hiệu cho dân tộc mình”.

Theo Nhà thiết kế Minh Hạnh, bộ sưu tập Áo Bà Ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng trên vùng đất phèn ở Hậu Giang) kết hợp tơ tằm Bảo Lộc do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Nha Xá (tỉnh Hà Ham) thực hiện sẽ được trình diễn tại Festival Áo Bà Ba. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 2.800 ha khóm Cầu Đúc, ngoài việc thu hoạch trái, thì với diện tích khóm khá lớn, nguyên liệu để nghiên cứu dệt vải cũng là một lợi thế của Hậu Giang trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bà Minh Hạnh luôn tin tưởng rằng, Áo Bà Ba hay áo dài đã trở thành bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam và có thể tương tác với văn hóa toàn cầu. “Phát huy những thế mạnh của văn hóa dân tộc, đồng thời học hỏi những bản sắc tốt của các dân tộc khác để dân tộc mình có thể tương tác với nhiều nền văn hóa các nước, đó chính là tương lai của sự tiến bộ và hiện đại. Toàn cầu hóa về văn hóa phải được chú trọng song song với toàn cầu hóa về kinh tế”, bà nói thêm.

Đây là lần đầu tiên Festival Áo Bà Ba diễn ra tại Hậu Giang và dự định sẽ được tổ chức hằng năm, qua đó để người dân biết đến nhiều hơn về chiếc Áo Bà Ba cũng như về vùng đất và con người Hậu Giang nói riêng, Nam bộ nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới