Flappy Bird và chuyện độc lập sáng tạo
Nguyễn Vĩnh Nguyên
![]() |
Nguyễn Hà Đông đã "cắt cánh" Flappy Bird. |
(TBKTSG Online) - “Flappy Bird được thiết kế cho vài phút giải trí rảnh rỗi, nhưng hóa ra nó trở thành trò chơi gây nghiện. Với tôi, đó là vấn đề. Để giải quyết nó, tốt nhất là gỡ Flappy Bird xuống”, dẫn theo Forbes.
Cho đến bây giờ, đây vẫn là tuyên bố chính thức nhất của Nguyễn Hà Đông về việc tự “cắt cánh” Flappy Bird, một trò chơi di động đang gây sốt trên toàn cầu.
Trước đó, mỗi ngày, Nguyễn Hà Đông có thể ngồi không nhìn tài khoản của mình tăng lên 50.000 đô la Mỹ. Một mức doanh thu đáng mơ ước ngay cả với những công ty, tập đoàn kinh doanh game di động lớn thế giới trong bối cảnh thị trường hiện nay. Thế nên, nhiều người đặt ra nghi vấn xoay quanh quyết định hết sức bất ngờ, khó hiểu từ cá nhân Nguyễn Hà Đông. Và dĩ nhiên, nghĩ đến danh tiếng cộng với nguồn doanh thu tạo ra từ trò chơi này, nhiều người xuýt xoa tiếc giùm.
Nhưng đó là một quyết định cá nhân, đáng được chia sẻ hơn là suy diễn lý do tiêu cực hậu trường hay thậm chí áp đặt tư duy hơn thiệt dựa trên tinh thần được, mất trong bài toán kinh tế.
Nếu quả đúng như diễn ngôn của Nguyễn Hà Đông trên Forbes, thì câu chuyện sẽ đến hồi thú vị khi nhìn dưới lăng kính văn hóa sáng tạo.
Trước hết, giá trị sáng tạo trong thời buổi này được hiểu như thế nào? Hơn ai hết, Nguyễn Hà Đông hiểu rằng, trò game của mình ngoài chuyện đem lại tiền bạc, còn có khả năng can dự, thay đổi đời sống của người khác. Bằng chứng là trước đó, chàng thanh niên này đã từng khuyên người chơi phải chừng mực và biết kiểm soát (rất khác với các nhà làm game khác, là chỉ mong người xem chơi càng nhiều càng tốt, doanh thu vì thế sẽ càng cao).
Việc hướng đến và kiểm soát hiệu ứng một sản phẩm đưa ra cộng đồng, trong trường hợp Nguyễn Hà Đông cho thấy, ở góc độ sáng tạo, anh ta có nhiều suy tư nhân văn hơn là tham vọng duy kinh tế. Vì thế, sản phẩm sáng tạo của anh ta hướng tới một cứu cánh giá trị khác – giá trị tinh thần, tâm lý hay thói quen của người sử dụng (các tấm gương lớn về phát minh quan trọng hiện đại như Henry Ford, Steve Jobs... đều là những người không ngừng quan sát, nắm bắt những chuyển biến trong đời sống tinh thần của người thụ hưởng sáng tạo để tìm tới những giải pháp mang tính tối ưu hơn).
Việc còn lại, trong cuộc chơi cá nhân, một khi nhận thức được mục tiêu tinh thần có khuynh hướng lệch lạc, ngoài khả năng kiểm soát được kỳ vọng, thì hơn ai hết, người sáng tạo hiểu rõ sự cần thiết phải hành động để điều chỉnh hay thay đổi.
Thứ đến, trong câu chuyện Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird, thì sự thú vị còn nằm ở tính độc lập và chủ động của cá nhân trong cuộc chơi công nghệ toàn cầu. Khi nhận ra cơn bão truyền thông đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của bản thân, anh ta, thay vì tạo chú ý bằng những phát ngôn to tát, những cuộc giải thích, tranh luận hay kể cả phán xét, thì thái độ trầm lặng, lùi khỏi những hốc xoáy của truyền thông là cách thế ứng xử đầy bản lĩnh; là cách minh chứng rõ nhất về phẩm giá của người sáng tạo còn rất trẻ. Và sau đó, tính độc lập và chủ động cũng thể hiện ở chỗ, anh ta sẵn sàng đi ngược lại với cách nghĩ và mong muốn thông thường của đại chúng để giữ vững lập trường, kiểm soát quyết định của mình.
Một điều nữa, chú chim Flappy Bird, chắc chắn, không phải là thứ duy nhất mà Nguyễn Hà Đông có khả năng đẻ ra và làm cho “bay” được. Tự tin nhìn thấy và điều tiết được sức sáng tạo của bản thân và theo đuổi, tối ưu hóa những ý tưởng mới là một trong những phẩm chất của kẻ có tài năng.
Sự hào phóng với ý tưởng mới cũng là minh chứng cho sự dồi dào năng lượng sáng tạo. Hiện tại, ngoài Flappy Bird ra, Nguyễn Hà Đông còn đến hai trò chơi khác (Super Ball Juggling và Shuriken Block) được xếp hạng cao trong bảng trò chơi di động được khách hàng tải về. Việc biết dừng lại Flappy Bird ngay trong cao điểm thành công, dự báo trước rằng, Nguyễn Hà Đông sẽ đủ sức mở ra những trò chơi mới, giá trị tốt hơn, theo ý hướng của bản thân.
Không nhiều người sáng tạo, nhất là những nhà sáng tạo trẻ bây giờ đủ độ trầm tĩnh để làm được điều đó.
Nhưng nói gì thì nói, sự phản ứng có phần “ngược đời” hay “kỳ quặc” của Nguyễn Hà Đông vẫn là những phản ứng hoàn toàn cá nhân, có phần cô đơn trong một không gian cuộc chơi còn lệ thuộc vào yếu tố cá nhân.
Thử hỏi, nếu đặt Flappy Bird trong một bối cảnh công ty, tập đoàn sản xuất game thì sao? Vấn đề hành xử với sáng tạo lúc đó có thể sẽ bị chi phối bởi những yếu tố khác, danh tiếng và nguồn lợi mang lại cho công nghiệp kinh doanh game sẽ lớn hơn.
Nhưng sự bất ngờ thú vị trong câu chuyện sáng tạo có thể cũng sẽ giảm đi bội phần.