Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ford dừng thi công nhà máy pin 3,5 tỉ đô dùng công nghệ Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng xe Ford thông báo tạm dừng xây dựng nhà máy trị giá 3,5 tỉ đô la Mỹ ở Marshall, bang Michigan (Mỹ), nơi hãng dự định sản xuất pin xe điện sử dụng công nghệ của CATL, hãng pin của Trung Quốc. Ford giải thích, hãng đi đến quyết định này vì lo ngại nhà máy không thể sản xuất pin với giá cạnh tranh.

Công trường thi công nhà máy pin của Ford ở Marshall, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Detroit News

Thông báo trên được đưa ra hôm 25-9 giữa lúc dự án nhà máy pin của Ford vấp phải nhiều chỉ trích và công nhân ngành ô tô đang đình công nhắm vào Ford, General Motors và Stellantis.

Vẫn chưa rõ liệu việc dừng thi công nhà máy pin có liên quan đến các cuộc đàm phán với Công đoàn công nhân ô tô thống nhất (UAW) hay các vấn đề khác hay. Tuy nhiên, Ford bị các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích vì kế hoạch sản xuất pin tại nhà máy ở Marshall. Nhà máy này định sẽ sản xuất pin dựa vào công nghệ được cấp phép từ CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.

Với Ford, gần đây hãng cũng cho rằng, việc tăng lương và phúc lợi theo yêu cầu của UAW sẽ làm suy yếu nỗ lực tăng cường sản xuất xe điện của hãng.

Ford cho biết, lệnh dừng thi công duy trì cho đến khi hãng chắc chắn có thể vận hành nhà máy một cách cạnh tranh. Hãng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục thực hiện khoản đầu tư cho nhà máy này theo kế hoạch hay không.

“Có một số điều cần cân nhắc nhưng chúng tôi sẽ không nói cụ thể. Chúng tôi không có sự thay đổi nào về ý định trở thành một trong số ít các công ty dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang xe điện”, theo thông báo của Ford.

Thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy pin công bố hồi tháng 2 giữa Ford và CATL đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio mô tả thỏa thuận này là đưa “đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ vào vùng trung tâm của đất nước”.

Một số ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo tại hạ viện Mỹ đã mở cuộc điều tra về thỏa thuận hợp tác trên và dự án nhà pin của Ford. Họ cho rằng dự án tạo điều kiện để Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp ô tô của Mỹ.

Nhà máy pin của Ford ở Michigan dự kiến đi vào hoạt động sau ba năm nữa và sẽ tuyển dụng 2.500 công nhân. Nhà máy sẽ sản xuất pin có thành phần chính là lithium, sắt và phốt phát. Đây là công nghệ được CATL cấp phép, thay thế cho loại pin làm từ lithium, nickel và cobalt, những vật liệu thường bị chỉ trích về môi trường và nhân quyền trong quá trình khai thác. Pin lithium-iron-phosphate (LFP) nặng hơn pin làm bằng nickel và cobalt nhưng có giá thành thấp hơn.

Thỏa thuận sử dụng công nghệ của CATL khác với các thỏa thuận khác được ký kết giữa các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất pin của Mỹ, phần lớn dưới hình thức liên doanh. Thay vào đó, Ford sẽ sở hữu hoàn toàn nhà máy pin ở Marshall, một động thái dường như nhằm mục đích giảm thiểu hậu quả chính trị khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.

Pin LFP hiện không được sản xuất hàng loạt tại Mỹ. Các nhà sản xuất, trong đó có Tesla, bán xe điện sử dụng pin LFP nhập khẩu từ Trung Quốc. Ford lập luận rằng sản xuất pin ở Mỹ bằng công nghệ Trung Quốc tốt hơn là nhập khẩu.

Ngoài nhà máy pin ở bang Michigan, Ford đang xây dựng các nhà máy sản xuất pin khác ở bang Tennessee và bang Kentucky thông qua một liên doanh với hãng pin SK On của Hàn Quốc.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang soạn thảo các quy định có thể ngăn chặn các công ty Mỹ hợp tác với một số công ty Trung Quốc. Sự không chắc chắn về môi trường pháp lý có lẽ là một yếu tố khiến Ford quyết định tạm dừng hoạt động thi công nhà máy pin ở Michigan. Tuy nhiên, hành động của Ford cũng có thể nỗ lực gây áp lực lên công đoàn UAW.

Dù Ford dự đoán lỗ 4,5 tỉ đô la ở mảng kinh doanh xe điện trong năm nay nhưng lĩnh vực này vẫn được nhiều người xem là tương lai của ngành công nghiệp ô tô. Chính quyền các bang và thành phố ở Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút các nhà máy lắp ráp pin và xe điện, với quan điểm cho rằng việc làm trong ngành xe điện sẽ mang lại mức lương cao.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển đổi sang xe điện là một phần nguyên nhân thúc đẩy cuộc đình công của UAW chống lại các nhà sản xuất ô tô ở Detroit. UAW lo ngại, sự thay đổi trong công nghệ có thể dẫn đến mất việc làm vì xe điện cần ít linh kiện hơn xe chạy xăng.

Theo Financial Times, NY Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới