Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

FPT và những chương trình vì cộng đồng mùa dịch

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FPT là một tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam và luôn chú trọng các hoạt động vì cộng đồng. Hoạt động này càng được đẩy mạnh trong một năm rưỡi vừa qua, trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19.

Những hỗ trợ trực tiếp

TPHCM đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 26-6, Sở Y tế TPHCM quyết định thành lập bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 và số 2 tại Thủ Đức với quy mô hơn 5.000 giường bệnh.

Với tinh thần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, FPT đã triển khai lắp đặt hạ tầng, thiết bị CNTT cấp thiết và bàn giao cho hai bệnh viện dã chiến trên để kịp thời hỗ trợ cho công tác xét nghiệm, hội chẩn của các bác sĩ nơi tiền tuyến. Công tác kiểm tra dịch vụ và thiết bị lần cuối và bàn giao cho Sở Y tế thành phố được FPT hoàn tất sáng ngày 30-6.

Tập đoàn FPT cho biết, ngay khi bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 tại Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động, tập đoàn này đã có chủ trương hỗ trợ miễn phí về hạ tầng, thiết bị CNTT cấp thiết, góp phần để bệnh viện dã chiến vận hành hiệu quả, an toàn giữa tâm dịch. Do đó ngày 29-6, FPT tiến hành khảo sát, lên phương án, thống nhất kế hoạch với bệnh viện và triển khai thi công vào đầu giờ chiều cùng ngày.

Tại các bệnh viện dã chiến trên, FPT đã lắp đặt hệ thống Wi-Fi với 100 điểm phát, phủ sóng 4 block nhà (với 232 phòng) cùng 2 đường truyền băng thông lớn, hệ thống họp trực tuyến Onmeeting by FPT, 20 dàn máy tính, cùng nhiều máy in và các camera giám sát đã được lắp đặt. Đây là những thiết bị, hạ tầng công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết về hội chẩn, họp trực tuyến của các y bác sĩ. FPT mong muốn góp phần giảm tải việc tiếp xúc trực tiếp của y bác sĩ trong quá trình thăm khám chữa bệnh để bảo vệ đội ngũ bác sỹ tiền tuyến, tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời nâng cao vận hành an toàn, hiệu quả của bệnh viện dã chiến.

Với khối lượng công việc tại bệnh viện dã chiến Thủ Đức, thời gian thi công thông thường là 5 ngày. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả vì tuyến đầu chống dịch, FPT đã nỗ lực thi công, lắp đặt hoàn thiện chỉ trong 1 ngày, giữa những khó khăn thời tiết và địa hình nơi tâm dịch TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, nói: “Công tác lắp đặt trang thiết bị công nghệ cần triển khai nhanh chóng, kịp thời, để ngay lập tức phục vụ hoạt động xét nghiệm, hội chẩn của bác sĩ tiền tuyến. Trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến nghiêm trọng và khó lường, FPT mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng tại tâm dịch TPHCM cũng như trên cả nước.”

Không chỉ hỗ trợ hoạt động chống dịch Covid-19 tại TPHCM với việc tài trợ trên, giữa tháng 5, FPT cũng đã hỗ trợ cho hoạt động chống dịch tại Hà Nội.

FPT đã bàn giao gần 3.000 chỗ tại ký túc xá đại học và trường trung học phổ thông FPT ở Hoà Lạc nhằm hỗ trợ công tác cách ly của Hà Nội. Để có được chỗ cho đối tượng cách ly, hơn 70 cán bộ, nhân viên, thầy cô trường FPT đã tham gia hỗ trợ sinh viên di chuyển khối lượng tài sản, đồ đạc lớn trong thời gian ngắn. Nhà trường nhanh chóng bố trí không gian chứa đồ, trông coi đồ đạc, đảm bảo không xảy ra thất lạc và tiến hành dọn dẹp sạch sẽ để bàn giao.

Và ngày 13-5, FPT đã bàn giao 5 toà nhà có sức chứa lên tới 3.000 người cho Ban chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tiếp nhận, phục vụ và duy trì khu cách ly tập trung huyện Thạch Thất.

Trước đó, ngày 12-5, trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly tập trung tại trường Đại học FPT tại Hòa Lạc, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Chử Xuân Dũng đánh giá cao sự chủ động và linh hoạt cùng tinh thần của người FPT đã đồng tâm, nhất trí và chia sẻ gánh nặng với thành phố.

Với những động thái trên, FPT cho biết muốn nỗ lực đóng góp, chung tay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cùng Chính phủ, đội ngũ y bác sĩ và nhân dân cả nước để sớm đẩy lùi dịch bệnh, hướng tới cuộc sống bình thường mới toàn diện tại Việt Nam.

Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3 năm ngoái, ký túc xá của Đại học FPT cũng được Hà Nội trưng dụng làm khu cách ly cho khoảng 2.000 người.

Năm ngoái, trong nỗ lực hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch Covid-19, từ những ngày đầu FPT cũng phối hợp với Cục CNTT – Bộ Y tế ra mắt chuyên trang thông tin về Covid-19 cùng phát triển trợ lý ảo (Chatbot) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng giải đáp tự động 24/7 cho nhiều người cùng lúc về Covid-19. Năm 2020 FPT cũng đóng góp 20 tỉ đồng mua trang thiết bị thiết yếu, ủng hộ công tác phòng chống dịch tại các “điểm nóng” – tuyến đầu chống Covid-19.

Quỹ Hy vọng tặng 2 máy tách chiết cùng một số hóa chất phục vụ xét nghiện Covid-19 tại bệnh viên Thủ Đức. Ảnh: FPT

Hỗ trợ qua Quỹ Hy vọng

Ngoài những hỗ trợ trực tiếp, tập đoàn FPT và báo điện tử VnExpress còn vận hành Quỹ Hy vọng để thực hiện những hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, quỹ Hy vọng ủng hộ 250 triệu vào Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Chiều 22-6, quỹ Hy vọng đã trao tặng hai máy tách chiết tự động, trị giá 735 triệu đồng tới Bệnh viện TP Thủ Đức, hỗ trợ tăng năng suất xét nghiệm Covid-19.

Hai máy tách chiết ADN/ARN tự động này có công suất 32 mẫu một lần chạy, mỗi máy, trả kết quả trong khoảng 35 phút. Đây là thế hệ máy tách chiết và tinh sạch tự động mới, thiết kế nhỏ gọn, sử dụng công nghệ tinh sạch bằng hạt từ tính. Máy cho phép tách ADN, RNA từ các nguồn mẫu như mô, máu, dịch cơ thể, mẫu phết, mẫu từ thực vật, động vật, thực vật, mẫu vi khuẩn, tế bào nuôi cây, mẫu pháp y... với độ tinh sạch cao.

Bác sĩ Nguyễn Lan Anh, Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết bệnh viện được giao xét nghiệm Covid-19 cho 9 đơn vị trên địa bàn. 9 nhân sự khoa Vi sinh và hai máy tách chiết tự động 32 mẫu, hai máy RT-PCR chạy hết công suất có thể trả 1.000 mẫu xét nghiệm trong 24 giờ (bất kể mẫu gộp hay mẫu đơn).

Vài tháng trước, số mẫu bệnh viện tiếp nhận nhiều trong khi hệ thống xét nghiệm đã quá tải, đặc biệt là các máy tách chiết tự động có công suất chỉ 32 mẫu, chạy không kịp với tốc độ của các máy RT-PCR, 94 mẫu mỗi mẻ.

Vì thế, hai máy tách chiết này đã giảm tải cho hệ thống máy sẵn có, đồng thời tăng năng suất xét nghiệm lên tới 1.500 đến 2.000 mẫu một ngày. Như vậy, vừa đẩy nhanh thêm tốc độ xét nghiệm, góp phần giảm tải xét nghiệm cho thành phố, vừa giúp công tác truy vết nhanh chóng hơn.

Trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này, khi Bắc Giang còn là tâm dịch của cả nước, quỹ Hy vọng đã tặng 2.000 bộ bảo hộ cấp 4 cùng nhiều nhu yếu phẩm cho hai bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang.

Ngày 11-6, hai chuyến xe chở đồ bảo hộ, hơn 400 áo làm mát, 45 thùng nước giải nhiệt và 100 thùng bánh ăn nhẹ đã được đưa tới Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang và Trung tâm Y tế huyện Tân Yên.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Tân Yên cho biết những món quà này rất thiết thực với nhân viên y tế, đặc biệt là đồ bảo hộ cấp 4 dành cho các y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. "Trung tâm có khoảng 80 y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ở vòng trong để điều trị cho các ca F0. Mỗi ngày, trung bình 50 y bác sĩ sẽ dùng 100 bộ bảo hộ nên món quà này đến rất kịp thời."

Tiếp nhận hàng ủng hộ tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, ông Hà Ngọc Thu - Trưởng phòng Hành chính quản trị của bệnh viện, chia sẻ: "Đơn vị phụ trách tiếp nhận, điều trị 260 bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở 2 ở Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh. Những món quà này là niềm động viên tinh thần rất lớn cho chúng tôi".

Đây là đợt trao quà thứ 7 mà quỹ Hy vọng thực hiện kể từ khi phát động chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Sau một tháng, chương trình đã tiếp nhận 5,5 tỉ đồng ủng hộ từ độc giả VnExpress và số hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá 3 tỉ đồng từ các doanh nghiệp.

Ngoài hoạt động trên, quỹ Hy Vọng còn hỗ trợ 4,5 tỉ đồng cho 100 bệnh nhi ung thư khắp cả nước điều trị bệnh. Trong 100 ca ung thư nhi được quỹ Hy vọng hỗ trợ thời gian qua, có 4 ca ghép tế bào gốc, 10 ca thay xương nhân tạo. Chương trình sẽ hỗ trợ lên đến 150 triệu đồng cho các trường hợp đặc biệt, cần phải điều trị bằng các phương pháp mới, chi phí cao. Ngoài ra, các trường hợp khác sẽ nhận tối đa 30 triệu cho mỗi lượt điều trị. Một bệnh nhi có thể được hỗ trợ nhiều lần trong suốt quá trình chữa bệnh. Bệnh nhi ung thư khó khăn có thể kết nối với chương trình thông qua phòng công tác xã hội các bệnh viện.

Ngoài ra quỹ Hy vọng còn hợp tác với BEST Express chung tay cải thiện hạ tầng giao thông tại ĐBSCL bằng việc xây 10 cây cầu bê tông thay thế những cây cầu tạm, xuống cấp, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông tại đây.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Nâng bước em đến trường" do quỹ Hy vọng khởi xướng, BEST Express Việt Nam đồng hành ủng hộ 1 tỉ đồng, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Theo đó, những cây cầu gỗ lót ván, cầu tạm, cầu hư hỏng hoặc xuống cấp trầm trọng sẽ được khảo sát để lên kế hoạch xây mới bằng những cây cầu bê tông với chiều rộng tối thiểu 3,5 m và khả năng chịu tải trọng lớn.

Được phát động từ năm 2018, chương trình "Nâng bước em đến trường" đã khởi công và khánh thành hơn 150 cây cầu Hy vọng tại đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, cải thiện đời sống của người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới