Thứ Hai, 24/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Frasers Property Vietnam: Cơ sở công nghiệp cần đạt chuẩn đồng bộ sản xuất xanh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đằng sau sự tăng tốc mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp là những yếu tố nội tại vững chắc của nền kinh tế. Nhưng để bắt nhịp thị trường trong tương lai, một mô hình bền vững đồng bộ với cam kết “net-zero” cần được tính toán đến.

Đây là một trong số những chia sẻ quan trọng về mô hình phát triển bất động sản công nghiệp tương lai, trong buổi trao đổi bên lề Diễn đàn Tài chính – Bất động sản tổ chức ngày 29-5 vừa qua, giữa Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam.

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam tại Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2024.

Tiếp tục tăng trưởng nhờ yếu tố nội tại vững chắc

Phân khúc Bất động sản công nghiệp dường như đang đứng ngoài chu kỳ suy giảm chung của thị trường. Theo ông, đâu là những yếu tố giúp phân khúc này đi ngược dòng?

Frasers Property Vietnam bắt đầu đầu tư vào danh mục bất động sản công nghiệp tại Việt Nam khoảng gần 4 năm trước, sau khi phát triển phân khúc nhà ở. Đây là lĩnh vực mà Frasers Property có bề dày kinh nghiệm phát triển trên thị trường quốc tế và cũng đã để lại nhiều dấu ấn toàn cầu.

Tại Việt Nam, có thể thấy phân khúc bất động sản công nghiệp trong thời gian qua có sự tăng trưởng nhanh và đồng đều, nhờ các yếu nội tại hình thành từ chính sách của nhà điều hành, cùng với định hướng trở thành trung tâm sản xuất mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng cường thắt chặt mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc cũng giúp Việt Nam thu hút thêm vốn FDI đồng thời đa dạng thêm các chuỗi cung ứng có giá trị cao. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và miễn giảm lãi vay cho các doanh nghiệp sản xuất. Một điểm nhấn khác là chính sách đầu tư công tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ từ Bắc vào Nam, từ đó giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp và tăng tính kết nối cũng như liên kết vùng.

Các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước cũng đang tích cực mở rộng quỹ đất công nghiệp và dịch vụ hậu cần, đồng thời tập trung đào tạo nhân lực có trình độ tay nghề cao để sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu đang ngày càng gia tăng của nhà đầu tư.

Vậy ông có cho rằng sở hữu nền tảng tốt sẽ giúp phân khúc này trở thành trợ lực cho ngành bất động sản nói chung phục hồi trong thời gian tới?

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng tôi cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực trong thời gian tới. Theo dự báo, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc từ nửa cuối năm 2024, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ bước vào vạch xuất phát đầu tiên, tiếp theo đó sẽ là phân khúc bất động sản nhà ở.

Ở góc độ vĩ mô, có thể nhìn thấy tình hình sản xuất công nghiệp phục hồi sẽ là động lực giúp cả nền kinh tế đi lên. Đà phát triển của bất động sản công nghiệp sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, đồng bộ hạ tầng, tạo liên kết vùng, thu hút lực lượng lao động dồi dào, từ đó dần hình thành các khu đô thị vệ tinh, tạo tiền đề phát triển các loại hình bất động sản khác như nhà ở, văn phòng, thương mại, vv. Khi thu nhập của người chủ doanh nghiệp và người lao động ổn định và cải thiện hơn, những nhu cầu về tiêu dùng, tích lũy hay đầu tư cho các loại hình bất động sản khác cũng sẽ theo đà gia tăng.

Cần xây dựng nền tảng bền vững

Dòng vốn FDI cùng với làn sóng đầu tư “thế hệ mới” vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp. Là một Tập đoàn đa quốc gia có bề dày phát triển trong lĩnh vực này, ông nhận định về xu hướng này như thế nào?

Chính sách “Trung Quốc +1” đã và vẫn tiếp tục đẩy mạnh làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới.

Đặc biệt, làn sóng FDI “thế hệ mới” bao gồm công nghệ cao, chất bán dẫn, xe điện, năng lượng tái tạo nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng nhờ việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Úc, Nhật, Hàn. Ngoài ra cần phải kể đến các chính sách thực hiện cam kết Net Zero, cơ chế chính sách thu hút vốn dành riêng cho các tập đoàn đa quốc gia có dòng vốn đầu tư FDI lớn vào Việt Nam.

Như vậy thị trường yêu cầu các nhà phát triển bất động sản công nghiệp sẽ phải “xanh” hơn, bền vững hơn. Điều này đặt ra thách thức gì với ngành thưa ông?

Việt Nam sẽ cần phải có các cơ sở công nghiệp đạt tiêu chuẩn đồng bộ về sản xuất xanh. Nắm bắt được xu thế chung này, bất động sản công nghiệp hiện cũng đã nhanh chóng chuyển mình để bắt kịp cùng với mục tiêu giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Cũng cần nói thêm rằng việc phát triển bền vững trong bất động sản công nghiệp không còn đơn thuần là xu hướng tức thời, mà đã là một chuẩn mực tất yếu của phát triển bền vững tương lai. Xu hướng này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp mà còn mang đến môi trường làm việc hiệu quả cho người lao động.

Eco Logistics Centre phát triển và quản lý vận hành bởi Frasers Property Vietnam là dự án nhà kho xây sẵn đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận LEED.

Vậy ông cho rằng một hình mẫu khu công nghiệp “xanh” sẽ như thế nào?

Theo quan điểm của Frasers Property Vietnam, đó chính là khu công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh 4.0, tức là khu công nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất cơ bản mà còn có thể tích hợp các tiện ích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt – nghỉ ngơi – giải trí của cộng đồng.

Mô hình này mang đến các không gian công nghiệp được kiến tạo dựa trên các yếu tố bền vững chuẩn mực, thể hiện ngay từ bước thiết kế, chọn nguyên vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tận dụng không gian chiếu sáng và lấy gió tự nhiên từ đó tối ưu năng suất tiêu thụ điện cho doanh nghiệp.

Những cơ sở sản xuất công nghiệp này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành sản xuất mà còn có thể truyền cảm hứng, xây dựng một cộng đồng mở, năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, độ bao phủ không gian xanh cũng là một phần không thể thiếu để hoàn thiện tổ hợp cơ sở vật chất công nghiệp của tương lai.

Nguyên tắc của Frasers Property Vietnam là luôn đồng hành cùng khách hàng và hỗ trợ khách hàng trên mọi phương diện. Đó cũng là một trong các tiêu chí làm nên đặc trưng của mô hình bất động sản bền vững.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới