Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

G20 tìm cách cứu vãn thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn lớn nhất toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 28-2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) khai mạc tại São Paolo, Brazil. Chương trình nghị sự của hội nghị gồm nội dung thảo luận các giải pháp để cứu vãn những cải cách đánh thuế nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đề xuất.

Các nước vẫn bế tắc trong đàm phán về thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn lớn nhất toàn cầu, trong đó có nhiều “ông lớn” công nghệ của Mỹ như Apple, Microsoft, Amazon, Google, Facebook. Ảnh: Financial Times

Thỏa thuận thuế toàn cầu nhằm đánh thuế hiệu quả và thực chất hơn đối với các tập đoàn lớn nhất thế giới đang bị đe dọa vì vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ. Triển vọng áp dụng thỏa thuận này càng trở nên bấp bênh hơn khi các nền kinh tế đang phát triển tìm cách chuyển trọng tâm đàm phán sang Liên hợp quốc, nơi họ có tiếng nói lớn hơn.

Tháng 10-2021, sau các cuộc đàm phán dưới sự sự chủ trì OECD, hơn 130 nước nhất trí kế hoạch áp dụng thỏa thuận thuế toàn cầu, bao gồm hai trụ cột.

Theo trụ cột 1, các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở những nước nơi mà họ có khách hàng và tạo ra doanh thu. Trụ cột 1 chỉ áp dụng với các công ty đa quốc gia có hơn 20 tỉ euro doanh thu toàn cầu hàng năm và biên lợi nhuận lớn hơn 10%.

Đối với những công ty này, 25% phần lợi nhuận vượt biên độ lợi nhuận 10% sẽ bị đánh thuế ở nước mà họ tạo ra doanh thu. Trụ cột 1 dự kiến ảnh hưởng đến 100 tập đoàn lớn nhất thế giới, bao gồm nhiều “ông lớn” công nghệ của Mỹ. Điều này có nghĩa là các tập đoàn công nghệ phải trả thuế dựa vào doanh thu tại thị trường mà họ cung cấp các dịch vụ số hóa, thay vì dựa vào doanh thu ghi nhận tại nước mà họ đặt văn phòng trụ sở.

Trụ cột 2 của thỏa thuận đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 750 tỉ euro. Trụ cột này dự kiến đẩy tăng mức nộp thuế đối với các công ty ghi nhận thu nhập ở các khu vực pháp lý áp dụng chính sách thuế thấp, hay còn gọi là thiên đường thuế. Theo đó, nếu các công ty đa quốc gia hưởng thuế thu nhập thấp hơn 15% ở nước mà họ đầu tư và kinh doanh thì các nước khác, bao gồm nước mà họ đặt trụ sở chính, có quyền thu thêm phần thuế chênh lệch so với mức tối thiểu này.

Mỹ, Trung Quốc chưa thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu

Trụ cột 2 của thỏa thuận thuế toàn cầu chính thức có hiệu lực ở Liên minh châu Âu (EU), Anh, Na Uy, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Việt Nam vào đầu năm 2024. Một số nước từ lâu được coi là thiên đường thuế như Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ và Barbados, cũng thực thi trụ cột 2 kể từ đầu năm. Tính đến đầu tháng 2, có 36 nước thực hiện hoặc đang trong quá trình thông qua các quy định để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

OECD ước tính, thỏa thuận thuế tối thiểu sẽ giúp doanh thu thuế toàn cầu tăng thêm đến 9% mỗi năm, tương đương 220 tỉ euro. Nhưng cho đến nay, dù đã lên tiếng ủng hộ thuế tối tiểu toàn cầu nhưng Mỹ và Trung Quốc chưa phê chuẩn các nghị quyết liên quan.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen Mỹ chưa thể thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ thuế tối thiểu toàn cầu. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng thuế mới gây bất lợi cho các công ty công nghệ Mỹ, vốn đang chỉ đóng thuế thu nhập ở mức một con số tại nhiều nước.

Một số nhà vận động hành lang doanh nghiệp cảnh báo một số khoản tín dụng thuế quan trọng của Mỹ, chẳng hạn như dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chip, công nghệ năng lượng sạch có thể kéo giảm mức thuế thực tế của các doanh nghiệp đa quốc gia xuống dưới mức tối thiểu 15%. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp này nộp bổ sung thuế ở nước ngoài, làm mất đi tác động tích cực của các khoản tín dụng thuế.

Trụ cột 1 đi vào ngõ cụt

Trong khi đó, trụ cột 1 của thỏa thuận thuế toàn cầu nhằm buộc khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới đóng thuế nhiều hơn tại các nước mà họ kinh doanh, đối mặt nhiều thách thức trong quá trình đàm phán.

Các nước đang phát triển đang nỗ lực chuyển trọng tâm đàm phán từ OECD sang Liên hợp quốc, nơi họ có nhiều tiếng nói hơn.

Tháng 12 năm ngoái, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết thiết lập vai trò lớn hơn của tổ chức này trong nỗ lực xây dựng một công ước về hợp tác thuế quốc tế.

Nghị quyết được 125 nước ủng hộ, với hầu hết trong số đó là các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình như Nigeria, Ghana, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Trái lại, hầu hết trong số 48 nước bỏ phiếu chống nghị quyết đều là các nước phát triển bao gồm các nước thành viên EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Diễn biến này, kết hợp với những bất đồng trong quá trình hoàn thiện nội dung cuối cùng, đang đe dọa các nỗ lực đáp ứng thời hạn cuối vào tháng 6-2024 để ký kết trụ cột thứ 1.

Vì vậy, EU đang tìm cách cứu vãn các cải cách thuế này khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 nhóm họp ở São Paulo hôm nay.

“Các khó khăn ập đến cùng một cùng, khiến OECD mắc kẹt trong một dự án không có cơ hội thành công thực sự. Trụ cột 1 đang đi vào ngõ cụt vì khó có thể thuyết phục quốc hội Mỹ phê chuẩn”, một nguồn tin nắm rõ các cuộc đàm phán cho hay.

Các hiệp ước thuế quốc tế cần đa số 2/3 của Thượng viện Mỹ (67 phiếu) ủng hộ để chính thức được phê chuẩn. Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chỉ nắm đa số 51 ghế ở Thượng viện so với 49 ghế của đảng Cộng hòa, vì vậy, khó vượt qua sự phản đối gay gắt từ đảng đối lập đối với thỏa thuận thuế toàn cầu.

Trong khi đó, triển vọng đắc cử của ông Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa và là người phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận toàn cầu, có thể phá hỏng toàn bộ quá trình đàm phán nói trên.

Nguy cơ các nước đơn phương hành động

Một quan chức chính phủ Mỹ bác bỏ quan điểm cho rằng trụ cột 1 của thỏa thuận thuế toàn cầu “đã chết” nhưng thừa nhận có áp lực để được sự đồng thuận. “Có áp lực đối với tất cả mọi nước, không chỉ riêng Mỹ. Có áp lực buộc EU và tất cả 140 nước khác đang tham gia đàm phán phải đạt được thỏa thuận”, vị quan chức nói.

Ông lưu ý thêm, các nhà đàm phán Mỹ sẽ không lãng phí thời gian nếu họ không “nghĩ rằng có cơ hội về đích”.

Các quan chức châu Âu đang hối thúc các bộ trưởng tài chính G20 cam kết về thời hạn cuối vào tháng 6 để ký kết trụ cột 1. Một dự thảo của thông cáo chung G20 kêu gọi “đạt được thỏa thuận kịp thời về công ước đa phương về thuế toàn cầu nhằm ký kết vào cuối tháng 6-2024”. Tuy nhiên, đề xuất “thực hiện nhanh chóng” công ước này của EU và Pháp lại không được đưa vào dự thảo thông cáo.

Giữa lúc đó, các nền kinh tế đang phát triển đang tỏ ra ít quan tâm hơn đến các cuộc đàm phán về trụ cột một, khiến thời hạn ký kết vào cuối tháng 6 càng trở nên xa vời.

Các nhà phân tích cho biết, giải pháp thay thế cho thỏa thuận thuế toàn cầu có thể là sự rời rạc của các loại thuế do các nước đơn phương đặt ra.

Theo thỏa thuận hiện tại, các nước sẽ xem xét áp thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) của riêng họ nếu như thỏa thuận thuế toàn cầu (trụ cột 1) nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn nhất chưa được các nước phê chuẩn để có hiệu lực vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, những bế tắc và trì hoãn về quá trình phê chuẩn thỏa thuận này đang khiến các nước kêu gọi lùi thời điểm đơn phương áp thuế DST đến năm 2025.

Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy sự mất kiên nhẫn, năm ngoái, Canada đã chính thức áp dụng thuế DST đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Danielle Rolfes, người đứng đầu tư vấn thuế quốc gia của KPMG tại Washington, cho biết cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đang phản đối với các loại thuế DST “phân biệt đối xử” đối với tập đoàn công nghệ của Mỹ.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới