Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gần 4.000 doanh nghiệp ký thỏa thuận tiết kiệm điện

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hơn 3.700 doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc sẽ tiến hành tiết kiệm điện trong khoảng giờ trưa và tối; điều chỉnh hợp lý điều hòa nhiệt độ; hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Liên quan đến ngành điện, quy hoạch về phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt hôm 15-5 vừa qua cũng đã đặt mục tiêu sẽ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ sản xuất điện. Đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 67,5-71,5%.

Ngành điện lực khu vực phía Bắc sẽ lập kế hoạch cung cấp điện để khách hàng chủ động trong điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TL

Vừa qua, hơn 3.700 doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc đã ký thỏa thuận về sử dụng điện với các đơn vị điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, theo TTXVN.

Những doanh nghiệp này sẽ tiết kiệm điện trong thời gian từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30 và từ 20 giờ đến 22 giờ; điều chỉnh hợp lý điều hòa nhiệt độ; hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Ngành điện lực khu vực miền Bắc sẽ lập kế hoạch cung cấp điện các tháng để khách hàng chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo dự báo, miền Bắc sẽ còn trong thời điểm của cao điểm nắng nóng dẫn đến phụ tải hệ thống điện quốc gia sẽ tăng và cao hơn kế hoạch vận hành mà Bộ Công Thương phê duyệt. Nhiều tình huống có thể xảy ra như công suất cực đại của miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022; sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa; mực nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu…

Tính riêng trong tháng 4 vừa qua, tỷ lệ tổn thất điện năng là 3,46%. Lũy kế 4 tháng thực hiện đạt 4,02%, giảm 0,49% so với cùng kỳ 2022.

Theo trang tin điện tử của Bộ Công Thương, liên quan đến ngành điện, hôm 15-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 500/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII).

Mục tiêu mà quy hoạch hướng đến là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ sản xuất điện. Đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 67,5-71,5%. Mức phát thải nhà kính từ sản xuất điện đạt trong kiểm soát từ 204 -254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Trước mắt, đến năm 2030, quy hoạch điện VIII hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, vận hành an toàn nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đồng thời, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Sau năm 2030, cả nước sẽ không xây thêm nhiệt điện than, chuyển dần sang nhiệt sinh khối hoặc amoniac; ưu tiên phát triển điện khí và chuyển dần sang đất trộn nhiên liệu, tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac.

Về đầu tư, giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỉ đô la. Giai đoạn 2031-2050, ước tính vốn đầu tư này là khoảng 399,2 -523,1 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới